Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nga mua thêm hàng chục máy bay ném bom chiến lược tối tân

Không quân Nga vừa đặt mua 50 máy bay ném bom chiến lược Tupolev Tu-160, nâng tổng số phi cơ loại này lên gấp hơn 3 lần so với hiện tại.

Một chiếc Tu-160 tiếp nhiên liệu trên không. Ảnh: RT

Ngày 28/5, Viktor Bondarev, Tư lệnh Không quân Nga, cho biết, Moscow đã đặt mua ít nhất 50 chiếc Tu-160 để phục vụ nhu cầu tác chiến của Không quân Nga.

Tuyên bố này được đưa ra khoảng một tháng sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu khẳng định Nga sẽ tái khởi động dây chuyền sản xuất máy bay ném bom chiến lược Tu-160, mẫu phi cơ từ thời Liên bang Xô Viết, có khả năng ném bom thường và bom hạt nhân.

Không quân Nga đang sử dụng 15 máy bay loại này trong tổng số 35 chiếc được chế tạo. Kế hoạch này làm số lượng Tu-160 tăng 333% so với hiện tại. Ông Bondarev còn cho biết chính Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu tái khởi động dây chuyền sản suất Tu-160.

Theo hãng tin TASS của Nga, quyết định được đưa ra trong bối cảnh các chuyên gia chế tạo vũ khí Nga chưa thể tạo ra mẫu máy bay ném bom tàng hình thế hệ thứ 5 FA PAK. Theo kế hoạch, FA PAK sẽ được giao cho Không quân Nga trong năm 2020 nhưng dự án này sẽ bị chậm khoảng 3 tới 5 năm. Tuy nhiên, dây chuyền Tu-160 sẽ không gây ảnh hưởng tới các hoạt động chế tạo FA PAK. Hai mẫu máy bay này sẽ được chế tạo song song.

Tu-160 nắm giữ nhiều kỷ lục thế giới đối với một máy bay quân sự. Ảnh: Military-today

Tu-160 là máy bay cánh cụp cánh xòe 4 động cơ, có khả năng hoạt động với vận tốc siêu âm. Hiện nay Tu-160 vẫn nắm giữ 3 kỷ lục là mẫu máy bay chiến đấu, siêu thanh và cánh cụp cánh xòe lớn nhất thế giới. Nếu không tính các máy bay vận tải chuyên dụng, Tu-160 còn là phi cơ quân sự có tải trọng cất cánh tối đa nặng nhất thế giới.

Thiết kế thân và cánh cho phép Tu-160 giảm tiết diện phản hồi radar hay tín hiệu hồng ngoại nhưng nó không phải máy bay tàng hình. Tuy nhiên, Tu-160 vượt trội hơn hẳn so với mẫu máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer mà Không quân Mỹ đang sử dụng dù chúng ra đời cùng mục đích.

Mỗi chiếc Tu-160 có chiều dài 54,1 m, sải cánh 35,6 m khi cụp 65 độ và 55,7 m khi cụp 20 độ. Nó có khả năng cất cánh với tải trọng tối đa 275 tấn. Bốn động cơ phản lực cho phép máy bay di chuyển với vận tốc tối đa Mach 2,05, tương đương 2.200 km/h ở độ cao 12.200 m. Phạm vi hoạt động của máy bay lên tới 12.300 m trong khi bán kính chiến đấu đạt 7.300 m. Trần bay tối đa của nó là 15.000 m với vận tốc lên cao 70 m/s.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm