Ngày 6/8, Nga khởi công lắp đặt tuyến cáp quang dưới biển đầu tiên xuyên qua Bắc Cực. Đây là một phần của dự án do chính phủ nước này thực hiện, nhằm đưa Internet tốc độ cao đến phía bắc xa xôi, giàu tài nguyên khí đốt.
Một con tàu chạy dọc theo bờ biển, kéo tuyến cáp quang từ điểm khởi đầu ở Teriberka. Ảnh: Reuters. |
Theo Reuters, chính quyền Nga muốn cải thiện cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa hệ thống thông tin liên lạc chắp vá ở vùng Viễn Bắc, nơi họ đã mở rộng sự hiện diện quân sự và đang phát triển tuyến đường biển phương bắc trở thành cung đường vận tải biển chính.
Tuyến cáp quang này dự kiến hoàn thành vào năm 2026, kéo dài 12.650 km, qua vùng lãnh thổ rộng lớn phía bắc của Nga từ Teriberka, trên biển Barents, đến cảng Vladivostok ở Viễn Đông.
Còn được biết đến với tên gọi Polar Express, hệ thống cáp sẽ do công ty nhà nước Morsviazsputnik vận hành, cung cấp Internet thông suốt cho các thị trấn tại Bắc Cực cũng như bán đảo Kamchatka và Sakhalin.
Alexei Strelchenko, người đứng đầu công ty sản xuất, lắp đặt dây cáp, cho biết dự án có tổng nguồn vốn khoảng 889 triệu USD và do chính phủ chi trả hoàn toàn.
Theo Strelchenko, cáp được sản xuất tại thành phố Murmansk, ở Bắc Cực, sử dụng cáp quang của Trung Quốc và các linh kiện Nga. Một con tàu đã rời Murmansk vào 5/8 để bắt đầu đặt tại điểm gần Teriberka.
Andrey Kuropyatnikov, Giám đốc Morsviazsputnik, cho biết Polar Express cần có thêm đường dây kết nối với mạng thông tin liên lạc toàn cầu.
"Việc này sẽ cần các hợp đồng đầu tư mở rộng Polar Express sang châu Âu và châu Á. Đó là những dự án thương mại tách biệt”, ông nói với Reuters.
Andrey Kuropyatnikov cho biết các cuộc đàm phán với một số công ty ở châu Á, châu Âu và Mỹ đang được xúc tiến.
Bên cạnh Polar Express của chính phủ, một kế hoạch kéo cáp quang ngầm xuyên qua biển Bắc Cực khác do tập đoàn viễn thông tư nhân Megafon (Nga) thực hiện, có sự tham gia của Cinia (Phần Lan). Tuy nhiên, nó đã bị dừng từ tháng 5 vì một số lý do khác nhau.
Ngoài ra, dự án "Kết nối Bắc Cực" trị giá 1 tỷ USD, với tuyến cáp nối Helsinki đến Tokyo, qua phía bắc của Nga vẫn đang tạm hoãn.