Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nga đưa 3.000 con lợn giống bằng máy bay đến Trung Quốc

Tập đoàn Nga vận chuyển hơn 3.000 con lợn giống bằng máy bay Boeing 747 từ Pháp đến Trung Quốc để khắc phục tình trạng khan hiếm thịt lợn ở thị trường 1,4 tỷ dân.

Theo Bloomberg, từ đầu năm đến nay, Tập đoàn Nga Volga-Dnepr đã chở hơn 3.000 con lợn giống từ Pháp đến Trung Quốc bằng đường hàng không. Đàn lợn được đặt vào các thùng gỗ trên máy bay chở hàng Boeing 747.

Dịch tả lợn châu Phi đã khiến thịt lợn trở nên khan hiếm tại Trung Quốc, thị trường thịt lợn lớn nhất thế giới. Các biện pháp ngăn chặn dịch Covid-19 khiến tình trạng thiếu hụt thịt lợn ở quốc gia tỷ dân càng thêm trầm trọng, buộc nước này phải tăng cường nỗ lực gia tăng quy mô đàn gia súc.

Trung Quốc nhập khẩu 254.533 tấn thịt lợn từ Mỹ trong 4 tháng đầu năm. Con số này thậm chí lớn hơn tổng lượng thịt lợn Trung Quốc mua từ Mỹ trong cả năm 2019.

Công ty của doanh nhân Nga Alexey Isaykin cũng vận chuyển khẩu trang, quần áo bảo hộ, thiết bị y tế và phương tiện khử trùng đến các quốc gia như Nga, Pháp và Đức.

Van chuyen lon bang may bay anh 1

Hơn 3.000 con lợn giống được vận chuyển từ Pháp đến Trung Quốc bằng đường hàng không. Ảnh: Bloomberg.

Tính từ đầu năm đến tháng 4, doanh số của Volga-Dnepr tăng 32% lên 630 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái. "Ngành hàng không toàn cầu đang trải qua thử thách lớn nhất từ trước đến nay. Nhưng đối với một số hãng vận tải như chúng tôi, đây là một cơ hội", ông Isaykin nói với Bloomberg trong cuộc phỏng vấn qua Zoom.

"Trước đây, hơn một nửa số hàng hóa được vận chuyển trong khoang hành lý của máy bay chở khách. Giờ, nguồn cung này biến mất khỏi thị trường, nhu cầu chở hàng và giá cả tăng gấp đôi", ông giải thích.

Theo ước tính của Bloomberg, tập đoàn vận chuyển Nga được định giá khoảng 700 triệu USD. Doanh thu của công ty dự kiến tăng 1/3 lên 2 tỷ USD trong năm nay. Theo doanh nhân Isaykin, sản phẩm y tế chiếm 50% tổng hàng hóa được vận chuyển toàn cầu. Các lô hàng thương mại điện tử của Amazon.com và Alibaba cũng gia tăng.

"Chúng tôi cũng mở rộng phạm vi giao hàng. Công ty đã bắt đầu vận chuyển thiết bị y tế từ Trung Quốc đến châu Phi và nhận được những yêu cầu đầu tiên từ Mỹ Latinh. Tôi nghĩ Ấn Độ sẽ là quốc gia tiếp theo", ông Isaykin tiết lộ.

Tuy nhiên, một số nhu cầu không kéo dài lâu. Giá cước vận chuyển đã bắt đầu giảm. Các đơn vận chuyển thiết bị y tế cũng sẽ lao dốc trong nửa cuối năm.

Theo Bloomberg, một số hoạt động kinh doanh mới có thể báo trước những thay đổi lâu dài cho nền kinh tế thế giới. Ngoài vận chuyển lợn đến Trung Quốc, công ty Nga còn chở một dây chuyền sản xuất khẩu trang từ Trung Quốc đến khu vực Tatarstan của Nga.

"Các cơ sở sản xuất quan trọng đang bắt đầu di dời để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Tôi mong rằng xu hướng này sẽ tăng tốc vào cuối năm", ông Isaykin nhận định.

Thịt lợn Mỹ, Canada đổ vào thị trường Việt Nam

Tính đến hết tháng 5, Việt Nam đã nhập trên 70.000 tấn thịt lợn và 7.700 con lợn giống. Nguồn cung thịt lợn trên thế giới giảm mạnh, Việt Nam tính nhập khẩu lợn sống về giết mổ.

Vua thịt lợn Trung Quốc bị tàn phá vì trúng đòn kép

Dịch tả lợn châu Phi năm ngoái và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến nhà sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới của Trung Quốc chịu thiệt hại kép vì nguồn cung khan hiếm.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm