Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nga củng cố 'NATO phương Đông', chống 'NATO phương Tây'

Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) được xem là NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) của phương Đông và đang tăng dần ảnh hưởng trên trường quốc tế.

Nga củng cố 'NATO phương Đông', chống 'NATO phương Tây'

Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) được xem là NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) của phương Đông và đang tăng dần ảnh hưởng trên trường quốc tế.

>>Hội nghị thượng đỉnh NATO kết thúc trong đoàn kết
>>NATO kiên quyết xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu
>>NATO sát hại 72 thường dân trong các cuộc không kích ở Libya

CSTO được thành lập năm 2002 dựa trên Hiệp ước An ninh Tập thể được ký tại Tashkent, Uzbekistan theo sáng kiến của Tổng thống Islam Karimov. Vào thời điểm đó, ông Karimov bày tỏ quan ngại về ảnh hưởng của cuộc nội chiến ở quốc gia láng giềng Tajikistan và lực lượng mujahideen ở Afghanistan. Hiện CSTO là tổ chức có 3.500 binh sĩ thường trực, cơ cấu hoạt động như NATO và vai trò của nó sẽ còn tăng dưới "triều đại" mới của Putin.

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa tham dự cuộc họp thượng đỉnh lần thứ 10 của CSTO tại Moscow - tổ chức được xem là NATO của phương Đông với Nga là "bộ não".

Ngoài Tổng thống Nga, phiên họp có sự tham dự của tất cả nguyên thủ các nước thành viên khác như Belarus, Kazakhstan, Armenia, Tajikistan, Kyrgyzstan và Uzbekistan.

Trong bài phát biểu khai mạc, ông Putin ca ngợi kết quả đạt được của CSTO: ảnh hưởng ngày càng tăng trên trường quốc tế và vai trò của tổ chức này trong việc giữ gìn an ninh chung trong khu vực thời kỳ hậu Liên Xô.  Bên cạnh đó, Tổng thống Nga cũng kêu gọi các nước thành viên tăng cường hợp tác.

“Chúng ta có cách tiếp cận giống nhau về những vấn đề cơ bản của an ninh quốc tế và khu vực”, ông Putin phát biểu và nhấn mạnh thêm rằng, vai trò của CSTO trên thế giới sẽ tiếp tục tăng cao.

Trong khi đó, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nói rằng, tổ chức này vượt xa giới hạn của một khối phòng thủ cổ điển trong một khoảng thời gian ngắn; đồng thời có thể phản ứng với hầu hết mọi mối đe dọa.

Sau hội nghị thượng đỉnh, các thành viên CSTO ra tuyên bố chung bày tỏ sự bất bình về kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu. Thông cáo này nhấn mạnh, hệ thống lá chắn tên lửa có thể gây thiệt hại cho an ninh quốc tế. Lãnh đạo của 7 nước cho hay, họ sẵn sàng cùng NATO chống lại việc phổ biến tên lửa đạn đạo dựa trên những điều kiện nhất định.

Binh sĩ CSTO đang tham gia một cuộc tập trận chống khủng bố.

Các quy định của CSTO cũng giống như NATO, trong đó coi cuộc tấn công vào một quốc gia thành viên đồng nghĩa với việc nhắm vào cả khối. Điều đó ngụ ý rằng, Moscow có thể sử dụng “chiếc ô hạt nhân” của mình làm phương tiện để củng cố vị trí ở Đông Âu.

Chính quyền Belarus cảm thấy bị đe dọa bởi sự hiện hiện của NATO ở các nước láng giềng là Ba Lan, Lithuania và Latvia. Nước này cho biết sẵn sàng đặt hệ thống tên lửa Iskander của Nga trên lãnh thổ. Đây được xem như sự trả đũa với kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu.

Về phần mình, Armenia cũng liên tục đối mặt với nguy cơ từ trục Thổ Nhĩ Kỳ - Gruzia – Azerbaijan. Trục này được xem là một phần trong chiến lược của Mỹ nhằm kiểm soát khu vực Caucasus và vùng biển Caspi; đồng thời làm giảm ảnh hưởng của Nga tại đây. Vì lý do này,  không có gì lạ khi Yerevan lập liên minh chặt chẽ với Mátxcơva.

Một nước đóng vai trò quan trọng biến “NATO của phương Đông” trở thành thế lực hùng mạnh, ngăn chặn ảnh hưởng của NATO là Kazakhstan. Tổng thống Kazakhstan chỉ trích phương Tây vì cố gắng gây ảnh hưởng lên các nước khác bằng truyền thông. Sau 2 thập kỷ theo đuổi chính sách ngoại giao đa phương nhằm thúc đẩy lợi ích quốc gia bằng cách cân bằng quan hệ với phương Tây, Nga và Trung Quốc, Tổng thống Nazarbayev mới đây công khai cho rằng tương lai của nước này gắn chặt với Nga.

Về phương diện quân sự, ông Nazarbayev miêu tả vai trò của NATO thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh là “hoàn toàn không rõ ràng”; đồng thời ca ngợi định hướng chống khủng bố của CSTO.  Sự thay đổi lập trường của Nazarbayev về quan hệ Đông - Tây có thể là kết quả của việc Mỹ chuẩn bị rút quân khỏi Afghanistan và phương Tây tăng cường chỉ trích ông.

Các nhà phân tích cho rằng, trục Astana - Moscow chắc chắn trở thành "xương sống" của cấu trúc an ninh mới ở lục địa Á - Âu. Bản thân CSTO cũng đánh giá đây là công cụ thích hợp nhất để khẳng định vai trò của tổ chức này.

Thách thức đặt ra với NATO và CSTO là tránh khởi động một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa Nga và Mỹ. Thay vào đó, họ nên cùng nhau theo đuổi các mục tiêu chung ở Âu - Á và toàn thế giới.

Bình An

Theo Infonet.vn

Bình An

Theo Infonet.vn

Bạn có thể quan tâm