“Việc hướng tới đe dọa và gây áp lực - bao gồm sử dụng các biện pháp trừng phạt - lên chính quyền Myanmar hiện tại là cực kỳ nguy hiểm”, hãng tin Interfax dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga ngày 6/4.
Theo người phát ngôn, những chính sách như vậy sẽ “đẩy người dân Myanmar tới một cuộc xung đột nội bộ toàn diện”.
Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ sau khi quân đội bắt giữ nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi và giành quyền kiểm soát chính quyền ngày 1/2.
Giáo viên và sinh viên của Đại học Công nghệ Dawei, Myanmar biểu tình phản đối cuộc chính biến. Ảnh: Reuters. |
Theo một nhóm giám sát ở địa phương, hơn 550 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối chính biến ở Myanmar, AFP đưa tin.
Các cường quốc trên thế giới đã tìm cách gây áp lực lên quân đội Myanmar bằng cách đánh vào việc kinh doanh của lực lượng này, trong đó có việc buôn bán ngọc bích và ruby.
Tuy nhiên, cho đến nay, các biện pháp trừng phạt hay những lời kêu gọi kiềm chế đều không thể kìm hãm chính quyền quân sự nước này.
Tuần trước, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhất trí “bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình xấu đi nhanh chóng ở Myanmar”.
Nga đã tìm cách phát triển quan hệ với quân đội Myanmar. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexander Fomin vào tháng trước tham gia cuộc duyệt binh thường niên thể hiện sức mạnh quân sự của Myanmar.
Hơn 100 người đã thiệt mạng trong ngày Lực lượng Vũ trang Myanmar 27/3, thời điểm quân đội nước này tổ chức duyệt binh.