Hôm 1/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ban hành sắc lệnh cấm xuất khẩu ngoại tệ tiền mặt từ Nga với giá trị vượt quá 10.000 USD.
Điện Kremlin cho biết sắc lệnh này có hiệu lực từ ngày 2/3, theo hãng thông tấn nhà nước Nga TASS.
Nga cấm công dân xuất cảnh với hơn 10.000 USD. Ảnh: Reuters. |
Động thái này được đưa ra nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt mà các quốc gia phương Tây đã áp dụng đối với Nga.
Những biện pháp trừng phạt kinh tế để phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã phá giá đồng rúp, khiến người dân Nga đổ xô đến các ngân hàng và máy ATM, vì lo sợ cho số phận khoản tiết kiệm của họ.
Bên cạnh đó, trong tuần này, Tổng thống Putin cũng thực hiện nhiều biện pháp như buộc các nhà xuất khẩu của Nga phải bán 80% doanh thu của họ bằng ngoại tệ, cấm người Nga cung cấp ngoại tệ cho người không phải công dân nước này, đồng thời cấm các thỏa thuận cho vay và gửi ngoại tệ vào tài khoản ngân hàng ở nước ngoài.
Trước đó, vào ngày 1/3, Nga đã áp đặt lệnh cấm tạm thời việc các nhà đầu tư nước ngoài bán tài sản của họ ở Nga, sau khi các đối tác phương Tây quan trọng, bao gồm tập đoàn năng lượng BP và Shell, công bố kế hoạch thoái vốn.
Moscow cho biết động thái này nhằm ngăn chặn các công ty đưa ra quyết định dựa trên chính trị hơn là kinh tế, Financial Times đưa tin.
“Trong tình hình hiện tại, các doanh nhân nước ngoài đang buộc phải đưa ra quyết định dưới áp lực chính trị chứ không phải yếu tố kinh tế”, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết trong một tuyên bố chính thức.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nga hôm 28/2 thông báo tăng gần gấp đôi lãi suất cơ bản từ 9,5% lên 20%. Động thái này được đưa ra sau khi đồng RUB liên tục bị trượt giá trước các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây.
Cơ quan này cho biết việc tăng lãi suất nhằm bù đắp rủi ro mất giá của đồng RUB cũng như kiềm chế lạm phát.