Khi River Plate chiêu mộ tiền đạo Bernabe Ferreyra với giá 28.000 USD vào năm 1932, thương vụ đó đã giữ kỷ lục chuyển nhượng đắt nhất bóng đá thế giới trong suốt 17 năm.
Bernabe Ferreyra từng là thương vụ chuyển nhượng kỷ lục của bóng đá thế giới. Ảnh: Goal. |
Kỷ lục đó chỉ bị phá khi Derby County chiêu mộ Johnny Morris từ Manchester United vào năm 1949. Gần 7 thập niên sau, PSG khiến thế giới chấn động khi bỏ ra 222 triệu euro để chiêu mộ Neymar từ Barcelona.
Khi Ferreyra đến River Plate, bóng đá Argentina mới chính thức chuyển sang hình thức chuyên nghiệp được 1 năm. Ferreyra ghi 187 bàn sau 185 trận cho "dòng sông bạc".
Chân sút người Argentina trở thành ngôi sao bóng đá đầu tiên ở Argentina. Lợi nhuận từ những màn trình diễn trên sân cỏ của Ferreyra đến với River Plate, giúp CLB này tái đầu tư và phát triển.
Tuy nhiên, sau Ferreyra, đã không có CLB nào dám chấp nhận rủi ro như River Plate. Nền kinh tế thế giới rơi vào cuộc "Đại khủng hoảng" trong thập niên 30 của thế kỷ trước, sau sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Phố Wall vào ngày 29/10/1929. Nó thậm chí ảnh hưởng sang đầu thập niên 1940 và là một trong những nguyên nhân dẫn đến Thế chiến II.
Sau đó, những thương vụ lớn nhất trên thị trường chuyển nhượng của bóng đá thế giới bắt đầu xuất hiện ở Anh, tiếp đó là Italy và Tây Ban Nha. Từ năm 1952 đến năm 2000, kỷ lục chuyển nhượng của bóng đá thế giới thuộc về Juventus.
Sau Juventus, Real Madrid giữ kỷ lục chuyển nhượng trong 16 năm, khi lần lượt chiêu mộ Luis Figo, Zinedine Zidane, Kaka, Cristiano Ronaldo, Gareth Bale. Ngôi vị của Real bị MU phá vỡ với thương vụ Paul Pogba vào năm 2016, và sau đó đến lượt PSG với thương vụ Neymar vào năm 2017.
Bóng đá thế giới đã phát triển nhanh từ thập niên đầu tiên của thế kỷ 21. Nền công nghiệp bóng đá với hàng tỷ USD lợi nhuận, tiền bản quyền truyền hình và thương mại biến các cầu thủ trở thành những món hàng chục hoặc cả trăm triệu USD theo nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.
Những thương vụ chuyển nhượng đình đám nói trên phản ánh sức mạnh tài chính, vị thế cũng như tham vọng của các CLB bóng đá. Real, MU hay PSG tự tin vào tiềm lực của mình và không e ngại việc có thể rơi vào khủng hoảng nếu các thương vụ đó thất bại. Họ có thể lấy bóng đá nuôi bóng đá.
Tuy nhiên, cây viết Jonathan Wilson tin sự điên rồ của những thương vụ 'phá giá' thị trường có thể đã kết thúc. Khi PSG chiêu mộ Neymar, họ đã bỏ hơn gấp đôi số tiền MU mua Pogba vào năm 2016.
Sẽ còn rất lâu nữa kỷ lục chuyển nhượng 263 triệu USD của Neymar bị phá vỡ. Ảnh: Getty. |
Kỷ lục chuyển nhượng của bóng đá thế giới đã tăng 125% chỉ sau 1 năm. Lần gần nhất bóng đá thế giới chứng kiến giá cầu thủ lạm phát hơn thế là vào năm 1903, khi CLB Small Heath mua Ben Green từ Barnsley với giá 610 USD, phá vỡ kỷ lục 120 USD của Willie Groves từ West Brom đến Aston Villa.
Chuyển nhượng bóng đá thế giới lúc này đang đứng trước thời khắc lịch sử. 222 triệu euro mà PSG bỏ ra cho Neymar có lẽ sẽ còn lâu nữa mới bị phá. "Chẳng ai có biết chuyện gì sẽ xảy ra với thị trường chuyển nhượng trong tương lai", một chuyên gia tuyển trạch tại hàng đầu Premier League nói với ESPN.
Các CLB cần có thời gian và không gian thực hiện việc mua sắm trong bối cảnh bất ổn tài chính do tiền bản quyền truyền hình và hợp đồng tài trợ bị ảnh hưởng bởi giải đấu bị hoãn. Khi nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề, các CLB bóng đá tỏ ra là những người dễ bị tổn thương nhất.
Barca, CLB bóng đá có quỹ lương cao nhất thế giới với hơn 500 triệu USD/năm xảy ra lùm xùm với cầu thủ khi yêu cầu họ cắt giảm 70% tiền lương.
Juventus, đội bóng có quỹ lương cao nhất Serie A với khoảng 280 triệu euro/năm tiền lương cho các cầu thủ (tính cả thuế), vội vã đề nghị các cầu thủ cắt giảm 4 tháng tiền lương. Các cầu thủ MU đồng ý giảm 30% lương để giúp CLB
PSG, Real Madrid, Atletico và các CLB khác ở Premier League cũng đang xúc tiến các giải pháp giảm lương cầu thủ. Chưa bao giờ, CLB bóng đá đứng trước khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng như hiện tại. Nếu nhìn về những đợt khủng hoảng trong quá khứ, có lẽ bong bóng chuyển nhượng cầu thủ sẽ không trở lại trong thời gian sớm.