Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

New York Times: Facebook bắt đầu trả giá cho những bê bối

Báo cáo mới nhất của Facebook cho thấy doanh thu và người dùng bắt đầu giảm tốc, và xu thế này còn tiếp tục. New York Times cho rằng đây là hệ quả của loạt bê bối 2 năm qua.

Theo nhật báo uy tín của Mỹ, sau 2 năm tưởng chừng bất khả xâm phạm dù đối mặt một loạt bê bối liên quan đến thông tin dữ liệu, Facebook cuối cùng đã phải chịu tổn thất kinh tế thể hiện qua báo cáo mới nhất. Và xu thế suy giảm này có vẻ vẫn còn tiếp tục trong nhiều tháng tới.

Facebook chiu anh huong sau cac be bo du lieu anh 1
Những bê bối đáng thất vọng cũng kéo theo yêu cầu đòi Mark Zuckerberg từ chức. Ảnh: Variety.

Giảm tốc

Báo cáo kết quả kinh doanh mới công bố của Facebook cho thấy doanh thu quảng cáo kỹ thuật số và lượng người dùng đều giảm tốc trong quý II năm nay.

Facebook cho hay doanh thu quý II của công ty tăng 42% và lợi nhuận tăng 31% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, con số 13,2 tỷ USD lợi nhuận đã thấp hơn dự tính trước đó của Phố Wall là 13,4 tỷ USD.

Ngoài ra, Facebook nói rằng số người dùng hoạt động hàng ngày trên nền tảng tăng 11%, đạt 1,47 tỷ người, vẫn thấp hơn so với dự đoán của StreetAccount và FactSet là 1,49 tỷ người, cùng mức tăng 13% trong quý trước đó.

Facebook chiu anh huong sau cac be bo du lieu anh 2
Đồ họa: Phượng Nguyễn

Tờ Guardian của Anh dẫn lời Giám đốc tài chính của Facebook, David Wehner, cho biết tổng mức tăng trưởng doanh thu của mạng xã hội này sẽ tiếp tục giảm tốc trong nửa cuối năm 2018. "Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng doanh thu sẽ giảm xuống mức tăng trưởng 1 con số trong 2 quý cuối năm”, ông này nói.

Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng doanh thu sẽ giảm xuống mức tăng trưởng 1 con số trong 2 quý cuối năm.

Giám đốc tài chính của Facebook, David Wehner 

Theo báo cáo của Facebook, ở quý II/2018, mạng xã hội chứng kiến việc sụt giảm số người dùng hoạt động hàng ngày và hàng tháng ở châu Âu. Cụ thể, số người dùng Facebook hàng ngày ở châu Âu giảm từ 282 triệu của quý I/2018 xuống còn 279 triệu trong quý II.

Trong khi đó ở thị trường Mỹ và Canada, tăng trưởng người dùng của Facebook chững lại, giữ nguyên ở con số 185 triệu người dùng hàng ngày và 241 triệu người dùng hàng tháng. 

Mỹ, Canada và châu Âu lại là các thị trường đóng góp chính cho tăng trưởng doanh thu của Facebook.

Facebook chiu anh huong sau cac be bo du lieu anh 3
Tăng trưởng người dùng của Facebook chững lại ở Mỹ và Canada và suy giảm ở châu Âu. 

Cũng theo Guardian, một thực tế đáng chú ý khác là tương lai tăng trưởng doanh thu của người khổng lồ công nghệ không đến từ sản phẩm cốt lõi - nền tảng Facebook mà từ các sản phẩm khác bao gồm ứng dụng nhắn tin và Instagram. 

Khó quay lại đà tăng trưởng

Ban lãnh đạo Facebook bao gồm cả CEO Mark Zuckerberg thừa nhận khó có thể sớm quay lại đà tăng trưởng như trước, dù công ty đang cố gắng cải thiện khả năng bảo mật và quyền riêng tư cho người dùng.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất vẫn là làm thế nào những thiệt hại nói trên không còn tái diễn. "Giờ đây, không quá khó để biết tại sao hàng triệu người không còn sử dụng Facebook", Brian Wieser, một nhà phân tích tại Pivotal Research nhận định.

Giờ đây, không quá khó để biết tại sao hàng triệu người không còn sử dụng Facebook.

Brian Wieser từ Pivotal Research

Ngay sau khi công bố tài chính quý II ở phiên đóng cửa 25/7, cổ phiếu công ty đã giảm hơn 23% sau giờ giao dịch, làm bốc hơi gần 130 tỷ USD khỏi thị trường trong vòng chưa đầy hai giờ. Nếu đà giảm tốc này duy trì đến hôm thứ năm (26/7), đây sẽ là lần sụt giảm cổ phiếu trong một ngày chưa từng xảy ra trong lịch sử của Facebook.

"Facebook đang đứng giữa ngã ba đường", Giám đốc chiến lược, người đứng đầu mảng nghiên cứu công nghệ của công ty nghiên cứu tiếp thị GBH Insights, ông Daniel Ives nhận định trên New York Times.

Ông cho rằng công ty cần phải vượt qua thách thức trong việc lấy lại niềm tin của công chúng, cũng như gia tăng số lượng người dùng, thời gian sử dụng trên nền tảng của họ.

Trong khi đó, ông chủ của Facebook cũng cho rằng các điều luật cứng rắn đã tác động không nhỏ đến lượng người dùng của họ, bao gồm những quy tắc của EU có hiệu lực vào tháng 5 năm nay, được tung ra nhằm bảo vệ dữ liệu trực tuyến. Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (General Data Protection Regulation) đã lấy đi công ty khoảng 1 triệu người dùng tính riêng tại châu Âu.

Trả lời phỏng vấn, Zuckerberg cho biết lợi nhuận kiếm được sẽ chủ yếu dành cho các chi tiêu an ninh. "Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào an ninh, bảo mật dữ liệu người dùng bởi chúng tôi có trách nhiệm giữ an toàn cho mọi người", Zuckerberg nói.

Công ty cũng nói rằng họ muốn thuê thêm 20.000 nhân viên vào cuối 2018 để kiểm tra nội dung và làm việc trong nhóm bảo mật. Kể từ năm ngoái, số nhân viên của hãng đã tăng 47%, đạt 30.275 đầu người.

Một loạt bê bối

Facebook đã có khoảng thời gian dài vật lộn với những nghi ngờ bị Nga lợi dụng điều khiển cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, và sự cố rò rỉ dữ liệu người dùng Cambridge Analytica. Theo New York Times, tất cả đều ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu lợi nhuận cũng như hình ảnh của công ty.

Facebook chiu anh huong sau cac be bo du lieu anh 4
Nhiều kết quả kinh doanh của Facebook đều thấp hơn so với dự đoán của giới chuyên môn. Ảnh: The Indian Express.

Hình ảnh mạng xã hội này đã bị ố hoen kể từ sau cuộc khủng hoảng bắt đầu vào cuối 2016, với đầy rẫy nghi ngờ về những tin giả bị phát tán trên nền tảng. Sự việc càng trở nên trầm trọng hơn khi xuất hiện liên tiếp các cáo buộc về vai trò của công ty trong bảo mật dữ liệu người dùng, gây ảnh hưởng đến tính dân chủ, cam kết của Facebook trong việc tạo ra không gian web lành mạnh cho người dùng.

Mark Zuckerberg đã phải điều trần trước các nhà lập pháp của Mỹ, xin lỗi liên tục và hứa sẽ hành động một cách mạnh mẽ hơn.

Chính phủ nhiều nước cũng bắt đầu triển khai một loạt động thái thắt chặt quản lý với Facebook, buộc mạng xã hội này tuân thủ tốt hơn các quy định về bảo mật lẫn nghĩa vụ đóng góp thuế với các quốc gia mà nước này hoạt động. 

Ngay trong nội bộ của Facebook, một số lãnh đạo cấp cao cũng rời bỏ công ty sau khủng hoảng về dữ liệu người dùng, bao gồm một giám đốc hội đồng quản trị, giám đốc an toàn thông tin và phó chủ tịch về truyền thông, tiếp thị và chính sách công.

Tuần này, Colin Stretch, người đứng đầu cuộc điều tra của Facebook về việc Nga can thiệp bầu cử, cũng là đại diện cho hãng làm chứng trước Quốc hội Mỹ hồi năm ngoái, cho biết sẽ rời công ty vào cuối năm nay.

Tại thị trường Việt Nam, Facebook hồi đầu tháng 7 cũng gặp scandal liên quan đến việc cung cấp dữ liệu sai lệch về chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo đó, Facebook bị phát hiện đưa Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam vào lãnh thổ Trung Quốc trong bản đồ chọn vùng quảng cáo và bản đồ livestream. 

Facebook đã khắc phục và giải thích rằng đó là "lỗi kỹ thuật", nhưng không đưa ra lời xin lỗi. Sau khi vấp phải phản ứng quyết liệt từ dư luận, vào chiều 5/7, Facebook đã phát thông cáo xin lỗi người dùng về bản đồ Trường Sa, Hoàng Sa thuộc Trung Quốc.

Người dùng Việt Nam lẫn chuyên gia quốc tế nghi ngờ cái gọi là "lỗi kỹ thuật" của Facebook là một phần của nỗ lực lấy lòng Trung Quốc suốt một thập kỷ qua của mạng xã hội lớn nhất hành tinh. 

Bloomberg chỉ rõ, trong bối cảnh Facebook phải đối mặt với một loạt thách thức tại các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu khi các nhà làm luật tăng cường kiểm soát, Trung Quốc được kỳ vọng tạo ra đà tăng trưởng mới cho mạng xã hội này. 

Chỉ cần một nửa trong tổng số 668 triệu người dùng Internet của Trung Quốc sử dụng Facebook cũng đã giúp khách hàng của mạng xã hội này tăng thêm 20%, đồng nghĩa với thị trường mới giàu có cho ông lớn công nghệ, Quartz nhận định.

Kế hoạch của Facebook phụ thuộc nhiều vào sự chấp thuận của chính quyền Trung Quốc, New York Times viết. Mới đây nhất, Facebook tưởng chừng có hy vọng trở lại Trung Quốc với việc mở một công ty con ở Hàng Châu, nhưng niềm vui của họ kéo dài không lâu khi giấy phép bị rút chỉ sau một ngày.

Công ty con của Facebook ở Trung Quốc bị rút giấy phép

Mạng xã hội Facebook tưởng chừng có hy vọng trở lại Trung Quốc với việc mở một công ty con ở Hàng Châu, nhưng niềm vui của họ kéo dài không lâu.



Đại Việt - Hoàng An

Bạn có thể quan tâm