Từng là tâm dịch của Mỹ với hàng chục nghìn người chết và hàng nghìn cửa hàng phải đóng cửa, New York lúc này đang dần hồi sinh. "Giấc ngủ đông" của thành phố đã chấm dứt khi tỷ lệ người tiêm chủng ngày một tăng.
Lần đầu tiên trong nhiều tháng, người New York có thể tươi cười chào người quen mà không sợ nhận nhầm đối phương đang đeo khẩu trang. Gia đình và bạn bè đang đoàn tụ với những cái ôm vốn phải để dành quá lâu.
Dù vậy, một số hoạt động của cuộc sống trong đại dịch, như kiểm tra thân nhiệt và giãn cách giữa các bàn ăn, vẫn còn đó.
New York từng là tâm dịch của nước Mỹ. Thi thể người chết vì Covid-19 từng phải được trữ trong xe đông lạnh vì bệnh viện và nhà xác quá tải. Ảnh: New York Times. |
Vẫn còn tâm lý lo ngại
Tuần trước, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo ra quyết định gỡ bỏ hầu hết giới hạn chống dịch đối với các cửa hiệu kinh doanh và sự kiện cộng đồng. Điều này đánh dấu một trong những bước cuối cùng trên hành trình tái mở cửa.
Nhưng với một số người, tin tức trên chỉ là chiến thắng tượng trưng, vì phần lớn giới hạn nghiêm ngặt đã được gỡ bỏ từ nhiều tuần trước.
Hơn nữa, việc ngưng áp dụng các biện pháp chống dịch hay không là do cá nhân và chủ kinh doanh quyết định. Nhiều người trong số này cho biết thông báo của thống đốc sẽ không tạo ra thay đổi tức thì.
“Chúng ta vẫn chưa trở về cuộc sống bình thường”, Sedonia Croom, nhân viên lâu năm tại một tiệm spa ở quận Bronx, cho biết. Croom nói tiệm spa nơi cô làm việc sẽ không lập tức bỏ yêu cầu khẩu trang hoặc giới hạn số khách.
“Bạn vẫn cần bảo vệ bản thân và khách hàng”, Croom nói. “Không có lựa chọn nào khác”.
Nhiều nơi khác trong thành phố New York cũng vậy. Ngay trong tuần đầu tiên không còn đa số giới hạn chống Covid-19, lịch trình của nhiều người chật kín với những kế hoạch cho cuối tuần hoặc các buổi gặp mặt sau giờ làm.
Tuy vậy, trong thời gian sắp tới, cảnh tượng tại New York vẫn chưa thể nhanh chóng trở về như trước khi có đại dịch.
Tại vùng Fordham, quận Bronx, Phu Vaa, 55 tuổi, cho biết cửa tiệm làm móng của mình vẫn duy trì các biện pháp an toàn, như tấm chắn ngăn cách chỗ ngồi và việc kiểm tra thân nhiệt khách hàng.
“Ông ấy (Thống đốc Cuomo) nói mọi thứ đều ổn. Tôi vẫn phải phòng ngừa cho chắc”, ông Vaa nói.
Một số người tụ tập tại quán bar karaoke ở quận Brooklyn vào tối 18/6, trong cuối tuần đầu tiên không còn đa số các giới hạn chống dịch. Ảnh: New York Times. |
Nhiều người New York đã được tiêm chủng, nay không còn đeo khẩu trang nơi công cộng. Nhưng một số khác cho biết sẽ không vội tháo khẩu trang.
“Chuyện không đơn giản như vậy”, Ravi Manneru, người sống ở Flushing, quận Queens, đánh giá.
Ông Manneru, 52 tuổi, cùng con trai là hai trong số ít người vẫn đeo khẩu trang tại một sự kiện lớn ngoài trời vào cuối tuần trước.
Ông kể mình đã mất quá nhiều người thân và bạn bè vì virus corona, ở cả Mỹ và quê nhà Ấn Độ, nên không còn thấy an toàn khi bỏ khẩu trang.
“Tôi không tin virus đã biến mất hoàn toàn”, ông Manneru nói. “Tôi không thể cứ thế (không đeo khẩu trang) ra ngoài được”.
Cả bang New York và California cùng thông báo cột mốc quan trọng vào tuần trước: 70% người trưởng thành ở cả hai bang đều đã tiêm ít nhất một liều vaccine.
Dù vậy, tỷ lệ chích ngừa ở một số cộng đồng tại thành phố New York vẫn ở mức thấp, đặc biệt ở quận Brooklyn và Bronx.
Khoảng trống này khiến một số người không yên tâm trước thông báo của Thống đốc Cuomo.
Ricky Ahmed, 38 tuổi, quản lý một tiệm làm đẹp tại vùng Fordham, quận Bronx, nhận định mốc 70% là một tín hiệu tích cực. Nhưng điều đó có nghĩa là 30% còn lại, tương đương hàng triệu người New York, vẫn chưa tiêm liều đầu tiên.
Ông Ahmed vẫn áp dụng các biện pháp chống dịch trong cửa hàng. Quyết định này đôi khi vấp phải sự phản đối của một số người.
Cuộc sống New York dần hồi sinh
Trong lúc nỗi lo về virus corona còn quanh quẩn, New York vẫn chứng kiến một nhịp sống thường ngày mới trong những tuần qua.
Tối 20/6, nhà thi đấu Madison Square Garden tại quận Manhattan có buổi hòa nhạc kín chỗ và không yêu cầu đeo khẩu trang đầu tiên trong hơn 15 tháng qua.
Một ngày trước đó, hàng nghìn người cũng tới xem trận vòng loại Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) tại nhà thi đấu Barclays Center ở quận Brooklyn.
Sau khi bị đóng cửa do đại dịch vào năm 2020, Chợ đêm Quốc tế quận Queens đã được tổ chức trở lại từ ngày 19/6. Sự kiện thường niên này là nơi hàng chục quầy kinh doanh bày bán đồ ăn, tác phẩm nghệ thuật, và các sản phẩm khác mỗi cuối tuần.
Với một số người New York, những đám đông và hàng dài xếp hàng trong hội chợ là một tín hiệu cho thấy cuộc sống rực rỡ của thành phố đang trở lại.
Chưa đầy 4 tiếng sau khi hội chợ bắt đầu, quầy bán đồ ăn của Hendra Lie, 32 tuổi, đã hết sạch đồ. Ông Lie cho biết mình bắt đầu bán đồ ăn truyền thống Indonesia tại chợ này từ năm 2019. Nhưng sự nhiệt tình của khách hàng năm nay dường như vượt quá những lần trước.
“Tôi cảm thấy mọi người đã trở lại bình thường”, ông Lie nói. “Mọi người không còn sợ bước ra ngoài để nói chuyện và cũng rất hào hứng khi chợ ẩm thực mở cửa”.
Đám đông trở lại chợ đêm ở quận Queens vào tối 19/6. Ảnh: New York Times. |
Một số hoạt động chưa trở lại, lúc này đã trở thành nỗi mong mỏi của nhiều người. “Tôi rất muốn đến rạp xem phim”, Nilda Febus, 59 tuổi, cảm thán.
Bà Febus nói trong 2 tháng qua đã 3 lần tới rạp phim gần nhà ở quận Bronx, nhưng lần nào nơi ấy cũng đóng cửa. “Tôi muốn ra khỏi nhà”, bà Febus nói.
Những người “cuồng chân” như bà Febus lúc này đang ở ngoài muộn hơn, sau khi giờ giới nghiêm đối với các quán bar và nhà hàng trong thành phố được gỡ bỏ.
Tối 17/6 tại The Sultan Room, một hộp đêm ở Brooklyn, các nghệ sĩ biểu diễn trước đám đông hò reo cổ vũ. Trong số khán giả ấy có Ronnie Lanzilotta, 29 tuổi.
Lanzilotta cho biết anh tới gặp bạn bè và đây là kế hoạch khôi phục cuộc sống về đêm của mình.
“Một nỗi lo lắng nào đó vẫn đang len lỏi vào cuộc sống của tôi”, Lanzilotta nói. “Nhưng tôi không còn cảm thấy mình đang gặp nguy hiểm nữa”.