Tuần trước, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lần đầu tiên tiết lộ rằng có thể ông đang mắc một căn bệnh nghiêm trọng, làm dấy lên những đồn đoán về việc ai sẽ nắm quyền nếu ông không thể tiếp tục giữ chức.
Trong khi ngôn từ chính thức của chính quyền ngụ ý ông Duterte không bị ung thư, ít nhất có 5 nhóm bắt đầu nỗ lực để giành lấy quyền lực.
Cuộc đua ngũ mã
Theo South China Morning Post, đầu tiên là Phó tổng thống Leni Robredo, đảng Tự do (phe đối lập) mà bà đang đứng đầu và các thành viên của nhóm Magdalo (gồm các quân nhân bất đồng chính kiến) cũng như đảng Akbayan theo đường lối trung tả và các nhóm xã hội dân sự.
Phó tổng thống Leni Robredo (trái) là người kế nhiệm hiến định nếu ông Duterte từ chức. Ảnh: lenirobredo.com. |
Thứ hai là cựu thượng nghị sĩ Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr., con trai của cựu tổng thống Ferdinand Marcos, cùng với mẹ của ông, nghị sĩ Imelda Marcos, và chị gái Imee Marcos, thống đốc tỉnh Ilocos Sur.
Tiếp theo là nhóm Davao, do con gái của ông Duterte, thị trưởng thành phố Davao Sara Duterte, và những người trung thành với ông Duterte dẫn đầu. Họ bao gồm sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu, quan chức nhà nước đang tại nhiệm và những người dân hết lòng ủng hộ ông Duterte.
Thứ tư là chủ tịch hạ viện, cựu tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo và các đồng minh chính trị của bà, trong khi thứ năm là đảng Cộng sản Philippines, bao gồm lực lượng vũ trang Tân Nhân dân Quân (NPA), Mặt trận Dân chủ Quốc gia và các tổ chức đang tồn tại của đảng này.
Hai thế lực bên ngoài cũng có thể góp mặt vào cuộc chơi, theo truyền thông: một số cơ quan ở Mỹ và, lần đầu tiên, chính phủ Trung Quốc. Các nhân tố trong lực lượng vũ trang và Cảnh sát Quốc gia Philippines có thể ủng hộ bất cứ bên nào, dù việc một sĩ quan quân đội tiếp quản chính quyền cũng là một khả năng.
Ông Duterte và các quan chức trước đó đã cố chặn đứng các câu hỏi về sức khỏe của ông bằng cách nói rằng ông bị đau nhức như một ông cụ 73 tuổi bình thường. Dù vậy tuần trước, vị tổng thống nói với các tướng lĩnh đương chức lẫn về hưu rằng ông có thể bị bệnh nặng. Ông Duterte cũng cho biết ông đã sẵn sàng để chính quyền quân sự thay thế ông vì người kế nhiệm ông theo hiến pháp, Phó tổng thống Leni Robredo, còn "yếu kém về chiến lược".
Ông Duterte nói chứng Barrett thực quản (tế bào thực quản phát triển bất thường) - biến chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản - là nguyên nhân khiến ông không khỏe: "Bạn biết đấy, khi bạn nằm xuống, có một cái nắp đậy để axit dạ dày không đến được thực quản. Nó bị ăn mòn".
Ông tự trách mình vì bỏ qua tình trạng này, giải thích: "Tôi đã phớt lờ nó bằng cách tiếp tục uống… Vì vậy, nó trở nên tệ hơn… Nhưng tôi sẽ nói với bạn rằng nếu đó là ung thư, thì sẽ là ung thư. Và nếu đó là giai đoạn thứ ba, tôi sẽ không điều trị nữa. Tôi sẽ không kéo dài sự đau đớn của tôi trong văn phòng này hay bất cứ đâu".
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lần đầu tiên tiết lộ ông có thể đang mắc bệnh nặng. Ảnh: AP. |
Ông Duterte nói rằng nếu một người nào đó trong lực lượng vũ trang thành lập chính quyền quân sự và yêu cầu ông từ chức, ông cũng thấy không sao cả. “Như tôi đã nói, tất cả những gì bạn phải làm là đến đây, các chỉ huy. Nếu bạn cảm thấy muốn uống cà phê với tôi, hãy bảo tôi và tôi sẽ xuống", ông nói.
"Tôi sẽ thông báo: 'Tôi vừa bị các lực lượng vũ trang của Philippines và cảnh sát lật đổ cách đây ít phút. Bây giờ họ là lực lượng cầm quyền ở Philippines'. Tôi sẽ đích thân làm lễ tuyên thệ nhậm chức cho họ".
Quân đội nắm quyền?
Một sĩ quan quân đội cao cấp giấu tên nói rằng "đơn giản là không có cơ sở" cho bất kỳ sĩ quan quân đội nào nắm quyền. Ông nói thêm: "Tôi không thấy bất kỳ trường hợp nào ngay cả trong lịch sử của đất nước chúng tôi khi chúng tôi thậm chí đã tiến gần đến điều đó".
Ông nói một số người dân đã yêu cầu các sĩ quan "làm điều gì đó" nếu họ không ủng hộ ông Duterte: "Tôi nói với họ - điều đó giống như mở chiếc hộp Pandora. Chúng ta đã có quãng thời gian đầy khó khăn để đóng chiếc hộp Pandora lại. Tại sao chúng ta lại mở nó ra nữa?"
Vị sĩ quan nói thêm rằng các lực lượng vũ trang đã đi trên "con đường dài hướng đến sự chuyên nghiệp" sau những nỗ lực đảo chính từ năm 1986 đến năm 1989, và lại tiếp diễn vào các năm 2001, 2003 và 2007.
Khi được hỏi ai có thể đủ điều kiện để thành lập một chính quyền quân sự, ông nói phải là một sĩ quan ở cấp rất cao, chẳng hạn như tổng tham mưu trưởng quân đội. Nhưng ông lưu ý rằng tổng tham mưu trưởng đương nhiệm, tướng Carlito Galvez Jr., sẽ nghỉ hưu vào tháng 12.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines Carlito Galvez Jr. sẽ nghỉ hưu vào tháng 12. Ảnh: Rappler. |
Vị sĩ quan nhớ lại chỉ hai trường hợp tướng lĩnh cấp cao từng hạ bệ tổng thống đương nhiệm thành công. Một là vào năm 1986, liên quan đến cựu tổng tham mưu trưởng (sau này thành tổng thống) là Fidel V. Ramos, và còn lại vào năm 2001, liên quan đến cựu tổng tham mưu trưởng Angelo Reyes.
Trong trường hợp của tướng Reyes, ông tổ chức cuộc đảo chính sau khi phát hiện ra một vị tướng khác - liên kết với phó tổng thống khi đó là Gloria Macapagal-Arroyo - đã ra lệnh điều động 47 xe bọc thép. Điều này khiến ông Reyes rút sự ủng hộ dành cho tổng thống khi đó, Joseph Estrada, để ngăn chặn một cuộc xung đột đẫm máu giữa những người lính.
Vị sĩ quan nhấn mạnh rằng trong cả hai trường hợp, các tướng lĩnh đều trao quyền lực cho các nhà lãnh đạo dân sự: ông Ramos trao cho bà Corazon Aquino và ông Reyes trao cho bà Arroyo: "Tại thời điểm này, tôi không nghĩ rằng có một sĩ quan quân đội sẵn sàng lên nắm quyền sau một thời gian dài theo đuổi sự chuyên nghiệp".
Tháng trước, tướng Galvez đưa ra một cảnh báo hiếm hoi yêu cầu "tất cả lính bộ binh, phi công, thủy thủ và lính thủy đánh bộ không can thiệp hoặc tham gia vào chính trị đảng phái".
"Lòng trung thành của chúng ta là dành cho hiến pháp... tuân thủ nguyên tắc thượng tôn pháp luật và luôn luôn tuân theo chuỗi mệnh lệnh", ông Galvez nói, khẳng định rằng những vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
Trùng hợp là 29 năm trước, ông Galvez từng tham gia cuộc đảo chính đẫm máu năm 1989 chống lại Tổng thống Corazon Aquino trước khi được tổng thống kế nhiệm Fidel Ramos ân xá.
Trong khi đó, ông Barry Gutierrez, cố vấn pháp lý của Phó tổng thống Robredo, bày tỏ sự tin tưởng rằng các lực lượng vũ trang sẽ tuân thủ thứ tự kế nhiệm theo quy định của hiến pháp nếu bất cứ điều gì xảy ra với ông Duterte.
"Trong các cuộc họp giao ban trước đây với lãnh đạo lực lượng vũ trang, cùng với bộ trưởng quốc phòng, họ đã nhiều lần nói với phó tổng thống rằng họ sẽ tuân theo hiến pháp", ông Gutierrez nói.
Ông Angelo Reyes (phải) tuyên thệ nhậm chức bộ trưởng nội vụ, bên cạnh Tổng thống Gloria Arroyo vào ngày 12/7/2004. Ảnh: Getty. |
Phe đối lập chia rẽ
Ông Gutierrez, cố vấn pháp lý của tổng thống, dự đoán Tòa án Tối cao sẽ không sớm giải quyết đơn kiện của ông "Bongbong" Marcos chống lại bà Robredo về kết quả bầu cử phó tổng thống năm 2016. Thực tế, phán quyết có thể bị trì hoãn cho đến giữa năm 2019. Ông Duterte trước đó đã chỉ ra rằng ông sẽ từ chức nếu ông Marcos thắng kiện, thay thế bà Robredo làm phó tổng thống.
Trong một màn thách thức hiếm hoi, bà Robredo khẳng định rằng "bệnh tình của ông Duterte là không đủ lý do để coi thường tôi một lần nữa".
"Do chiến lược của tổng thống, giá hàng hóa đã tăng lên, tình trạng nghèo đói tệ hơn, cáo buộc tham nhũng gia tăng và hàng nghìn người Philippines đã bị giết", bà nói.
Theo ông, phe đối lập được chia thành hai phe. Một bên là những người đứng về phía bà Robredo, bao gồm nhóm Magdalo của thượng nghị sĩ Antonio Trillanes, đảng Akbayan và đảng Aksyon Demokratiko theo đường lối trung tả và nhóm xã hội dân sự Tindig Pilipinas. Bên còn lại là các nhóm có liên kết với người sáng lập đảng Cộng sản Philippines, Jose Maria Sison.
Dù ông Gutierrez không loại trừ khả năng các đồng minh của tổng thống liên minh tạm thời với phe ông Sison, ông nói rằng "không có sự tin tưởng" giữa các nhóm.
Ông Gutierrez còn mô tả liên minh chính trị của ông Duterte là "mong manh" và bị tàn phá bởi những xung đột. Ví dụ, nhóm của Leoncio "Jun" Evasco Jr. (bộ trưởng nội các) và nhóm của Christopher Lawrence "Bong" Go (trợ lý được ông Duterte tin tưởng nhất) không hòa thuận với nhau.
Ông Barry Gutierrez, cố vấn pháp lý của Phó tổng thống Robredo . Ảnh: Rappler. |
Ông Gutierrez nói thêm rằng mặc dù các nhóm Arroyo và Marcos vẫn đứng về phía ông Duterte, gia đình và các cộng sự của tổng thống, các nhóm này vẫn đấu tranh về chương trình nghị sự.
Ông Gutierrez cũng nêu lên viễn cảnh về sự can thiệp của nước ngoài vào nền chính trị Philippines. Thực tế, bản thân ông Duterte đã tự hé lộ nhiều điều khi ông cho hay một chính phủ nước ngoài đã cung cấp cho ông thông tin về những kẻ thù chính trị của ông.
"Tôi không nghi ngờ về việc Mỹ vẫn chưa từ bỏ lợi ích của họ tại Philippines", ông Gutierrez nói. "Ông Duterte có quan hệ rất, rất thân với chính phủ Trung Quốc hơn bất kỳ chính quyền nào trước đây".