Tính tới 13/4, Việt Nam đã trải qua 13 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Cả nước đã ghi nhận 265 ca mắc Covid-19, 145 người đã khỏi bệnh.
Trao đổi với Zing, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Trưởng khoa Y tế Công cộng và Điều dưỡng, Đại học Quang Trung, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đánh giá qua thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định như các ca mắc Covid-19 mới có xu hướng chững lại, không có sự lan tràn mạnh trong cộng đồng.
Theo chuyên gia này, đây là lần đầu tiên nước ta quyết định thực hiện giãn cách xã hội. Nếu không thực hiện quyết liệt như vậy, dịch đã bùng phát mạnh.
“Với các ổ dịch như quán bar, Bệnh viện Bạch Mai, Công ty Trường Sinh,... chúng ta đã kịp thời khống chế. Tôi cho là chúng ta đã làm tốt”, PGS Nga nói.
PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Phó chủ tịch Hội Truyễn nhiễm Việt Nam, cũng cho rằng Việt Nam đã kiểm soát rất tốt với các ổ bệnh đã lộ ra. Tuy nhiên, không nên vì điều này mà chủ quan.
“Dịch Covid-19 trên thế giới chưa khả quan vì mức độ lây lan vẫn tăng. Việt Nam đã làm tốt từ đầu và cả ở giai đoạn hiện nay, nhưng không thể chủ quan được. Khi nào dịch trên thế giới thoái trào mức thấp nhất mà chúng ta vẫn giữ được như thế này thì mới đạt được mục tiêu”, PGS Nguyễn Hồng Hà nói.
Bệnh viện Bạch Mai được gỡ phong tỏa sau khi đã kiểm soát được ổ dịch. Ảnh: Duy Hiệu. |
Điều gì xảy ra khi không thực hiện giãn cách xã hội?
Theo các chuyên gia này, sau ngày 15/4, nước ta có tiếp tục giãn cách xã hội nữa hay không phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh trên thế giới, trong nước và quyết định của Chính phủ. Quyết định đưa ra cần cân nhắc những điều kiện giữa lợi ích về sức khỏe của người dân và kinh tế xã hội, phải đảm bảo sự hài hòa.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, trong trường hợp Việt Nam kéo dài giãn cách xã hội, cả nước sẽ tiếp tục duy trì được sự khống chế dịch cũng như phương pháp dập dịch lâu nay.
“Nếu thực hiện hiện tiếp giãn cách, Việt Nam có thể không có đỉnh dịch. Tốt nhất vẫn nên tiếp tục giãn cách xã hội. Như vậy, sẽ bao vây và triệt tiêu được ổ dịch, ngăn chặn dịch không bùng phát ra cộng đồng. Bởi khi không có sự giao lưu trực tiếp, tụ tập đám đông, gặp gỡ gia đình này với gia đình khác, việc lan truyền bệnh tật không thể xảy ra được”, PGS Nga nhận định.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng ở kịch bản này, nhiều vấn đề xã hội có thể nảy sinh như sự phá sản của nhiều công ty, các gia đình gặp khó khăn, tâm lý xã hội. Đó là vấn đề cần đặt ra để cân nhắc.
Ngược lại, ông Nga cũng cho rằng nếu sau ngày 15/4, Việt Nam gỡ giãn cách xã hội sẽ dẫn tới diễn biến xấu.
“Đó là nguy cơ dịch bùng phát trong cộng đồng và tăng lên theo cấp số nhân, đặc biệt ở những khu vực đông dân như Hà Nội và những nơi gần Hà Nội, cũng là nơi tập trung dân số cao, sinh hoạt đông đúc và điều kiện thời tiết đang thuận lợi cho sự duy trì và lan truyền của virus”, PGS Nga nói.
Theo chuyên gia này, Việt Nam cần tập trung khống chế các ổ dịch đang có và bao vây dập tắt ổ dịch mới để giảm tình trạng dịch phát sinh. Lúc đó, các hoạt động có thể trở lại như trước ngày 1/4. Người dân vẫn cần tuân thủ giãn cách trên 2 m, đeo khẩu trang, giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay xà phòng, người có bệnh nền, trên 60 tuổi nên ở nhà.
Nếu coi thường xét nghiệm, khi để dịch bùng lớn, chúng ta sẽ không thể tìm được các dấu vết để thực hiện việc ngăn chặn như hiện nay. Ảnh: Việt Linh. |
Cần tăng cường xét nghiệm
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, ngoài việc khống chế các ổ dịch đã phát hiện, ở giai đoạn hiện nay, chúng ta phải tiếp tục theo dõi những trường hợp không thuộc các ổ dịch này. Việc cảnh giác, tiếp tục theo dõi các ca ngoài cộng đồng và những người có dấu hiệu bệnh là rất quan trọng. Bởi một số trường hợp có thể nhiễm virus sau đó lưu hành, đi lại nhiều và lây người khác mà chúng ta không thể biết trước.
“Theo tôi, phải tăng cường xét nghiệm nhóm bệnh nhân có sốt, đặc biệt những người có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phổi. Việc này có tốn kém, nhưng nhóm này phải được xét nghiệm để đánh giá, từ đó mới phát hiện được các ca ngoài cộng đồng. Nếu coi thường xét nghiệm, khi để dịch bùng lớn, chúng ta sẽ không thể tìm được các dấu vết để thực hiện việc ngăn chặn như bây giờ”, PGS Hồng Hà kiến nghị.
Người dân khi có biểu hiện sốt phải báo cáo các cơ quan chống dịch, qua đường dây nóng để được hỗ trợ. Các bệnh viện khi gặp nhóm đối tượng này, phải xếp vào diện nghi ngờ, thực hiện xét nghiệm ngay.
“Dù có thực hiện giãn cách xã hội hay không thì việc phát hiện ca mới luôn luôn phải làm thường xuyên. Tiếp theo là hạn chế và kiểm soát được việc nhập cảnh từ nước ngoài. Các biện pháp đó luôn phải được ưu tiên”, chuyên gia nói thêm.
Theo PGS Hồng Hà, việc bệnh truyền nhiễm diễn tiến như thế nào tùy thuộc vào mầm bệnh có tiếp tục lưu hành ở người hay không. Nếu vẫn còn người lành mang virus, bệnh sẽ còn dai dẳng, tiếp theo sẽ bùng phát các đợt dịch khác khi cộng đồng chưa có miễn dịch. Do đó, việc sản xuất vắc xin để tăng miễn dịch cho cộng đồng rất quan trọng. Đó là điều kiện để ngăn chặn dịch lâu dài và trong trường hợp có dịch thì các ca ghi nhận sẽ lẻ tẻ, thấp, từ đó có điều kiện kiểm soát được dịch bệnh.
“Người dân phải tiếp tục cảnh giác trong thời gian này. Tuyệt đối không lơ là nhất là khi chưa có vắc xin và thuốc điều trị. Khi có sự giao lưu, tiếp xúc nhiều, trong cộng đồng còn có ca bệnh tự do sẽ dẫn đến tình trạng lây nhiễm. Do đó, nếu không tiếp tục giãn cách xã hội, người dân vẫn phải thực hiện các quy định được khuyến cáo như đeo khẩu trang, rửa tay, không tụ tập,... Đặc biệt, người ốm phải tư vấn khám bệnh để được xét nghiệp kịp thời. Lưu ý khi nhiễm bệnh, người dân phải đeo khẩu trang. Những biện pháp này phải được thực hiện thường xuyên”, chuyên gia nhấn mạnh.