Thực tế, khi xây dựng luật thế bảo vệ môi trường và có áp dụng với mặt hàng xăng dầu, cơ quan điều hành cho biết luật ra đời nhằm tăng cường bảo vệ môi trường và giảm thiểu ô nhiễm, đồng thời góp phần ổn định nguồn thu của ngân sách nhà nước.
Trước đó, vào tháng 5/2015, thuế bảo vệ môi trường đã được điều chỉnh tăng từ 1.000 đồng tới 3.000 đồng cho mỗi lít xăng, với lý do bù đắp một phần giảm thu ngân sách trong lộ trình giảm thuế nhập khẩu. Vào thời điểm đó, thuế nhập khẩu được điều chỉnh giảm từ 35% xuống còn 20% theo các cam kết về lộ trình MFN của Việt Nam và WTO.
Thuế môi trường với xăng dầu cần được đưa vào đúng mục đích Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Kịch bản của lần dự kiến điều chỉnh này cũng khá tương tự như cách đây gần một năm, khi thuế nhập khẩu xăng dầu cũng vừa được điều chỉnh giảm theo cam kết của các hiệp định thương mại quốc tế.
Nếu đúng như báo cáo gửi Chính phủ, mức tăng dự kiến chỉ 1.000 đồng, bằng một nửa so với lần trước và chỉ khiến khung thuế suất bảo vệ môi trường tăng thêm 30%. Tuy vậy, do thuế nhập khẩu xăng hầu như không thay đổi, nên với riêng mặt hàng này, việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ khiến tổng mức thuế phí cấu thành nên giá cơ sở là khoảng gần 65%.
Hiện tại, theo bảng tính giá cơ sở của chuyên trang Bộ Công Thương, mức thuế bảo vệ môi trường được áp dụng với xăng dầu tuân thủ theo quy định tại nghị quyết số Nghị quyết số 888a/2015/UBTVQH13 ký ngày 10/3/2015. Theo đó, tất cả các mặt hàng xăng (trừ etanol) được quy định áp dụng chung một mức thuế, thay vì mức riêng lẻ dựa vào các chỉ số vật lý của nhiên liệu, như hàm lượng lưu huỳnh hay chỉ số octan (những chỉ số quan trọng để đánh giá tác động môi trường của xăng dầu).
Cũng theo bảng tính giá cơ sở này, mọi điều chỉnh về thuế bảo vệ môi trường đều không ảnh hưởng tới các doanh nghiệp đầu mối, bởi đây là thuế gián thu (đánh vào người tiêu dùng cuối cùng). Lãnh đạo của một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tại Hà Nội cũng xác nhận rằng, tăng thuế bảo vệ môi trường lên 4.000 đồng là đúng với mức trần khung mà Chính phủ đã quy định, và chỉ làm thay đổi giá bán lẻ cuối cùng đến người tiêu dùng, chứ không tác động tới doanh nghiệp do không làm thay đổi giá CIF, lợi nhuận định mức hay chi phí định mức.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa Luật, Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng, xét về tính pháp lý việc tăng thuế môi trường với xăng dầu lên 4.000 đồng/lít thì không có gì sai. Bởi lẽ, mức tăng này vẫn nằm trong ngưỡng cho phép của thuế môi trường đối với sản phẩm này.
"Lâu nay chúng ta vẫn quen với việc áp thuế dưới ngưỡng thì việc tăng lên được xem như là bất thường. thêm vào đó người tiêu dùng luôn thấy bất thường vì tính trên đơn vị bán lẻ thì một lít xăng dầu gánh rất nhiều thuế, nhưng đây là điều tất yếu", ông cho biết.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, mục tiêu chính của việc tăng thuế môi trường lần này chính là tăng nguồn thu ngân sách trong bối cảnh căng thẳng ngân sách như hiện tại.
Trong bối cảnh ngân sách khó khăn cũng như nhiều mặt hàng phải giảm thuế theo lộ trình hội nhập thì động thái này cũng không phải là bất cập. Nhưng dù là lý do gì thì khoản thu này cần phải được minh bạch và sử dụng đúng mục đích.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, tăng thuế môi trường chính là hình thức tăng thu ngân sách thông qua giá xăng dầu. Tuy nhiên khoản thu này có được chi cho môi trường hay không thì vẫn chưa được rõ, từ trước đến nay không có những báo cáo cụ thể về vấn đề này.
"Việc cần thiết chỉ là sử dụng khoản thu này sao cho hiệu quả, minh bạch và đúng luật. Để tránh tình trạng lạm dụng khoản thu này cho những lợi ích không chính đáng", ông bình luận.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, điều cần làm rõ chính là thuế bảo vệ môi trường dùng để làm gì. Nếu mục đích chỉ đơn thuần là giúp tăng ngân sách thì điều này không hợp lý. Mục tiêu phải nộp thuế môi trường là để dùng số tiền đó khắc phục những vấn đề môi trường mà sản phẩm đó có thể gây ra. Tuy nhiên, nguồn thu này nộp vào ngân sách rồi được dùng cho hoạt động đầu tư nào đó thì hoàn toàn sai mục đích.
“Để cân đối được giá xăng thì cần giải quyết tận gốc việc các doanh nghiệp xăng dầu tận dụng chênh lệch các khoản thuế để tăng lợi nhuận. Nếu vấn đề này giải quyết tốt thì giá cơ sở xăng dầu sẽ giảm xuống, lúc đó thuế môi trường có thể sẽ được cấn trừ vào mức giá thấp đó. Chỉ có thế mới duy trì được mức giá ổn định và mặt bằng giá cũng thấp hơn", ông bày tỏ.
Thuế môi trường tăng lên dù không ảnh hưởng tới doanh nghiệp nhưng chắc chắn sẽ kéo theo giá xăng tăng lên vì đây chính là một trong những yếu tố cấu thành nên giá cơ sở. Đối với người tiêu dùng, việc này vẫn có ảnh hưởng đôi chút nhưng đây cũng không phải là mặt hàng được kích thích tiêu thụ nên họ cần điều chỉnh lại mức chi tiêu cho hợp lý hơn.
Trước đó, một số thông tin cho hay, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa ký báo cáo Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015 và tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 gửi ĐBQH. Báo cáo này có đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu lên 4.000 đồng/lít thay vì 3.000 đồng như hiện tại.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính, Thứ trưởng Vũ Thị Mai đã bác bỏ thông tin trên vào chiều 31/3. Bà Mai cho biết Bộ chưa trình Chính phủ phương án tăng thuế bảo vệ môi trường.