Đến nay, thế giới chưa có căn cứ trên phương diện khoa học và y tế công cộng về việc tiêm tăng cường trên quy mô lớn, theo giáo sư Andrew Pollard, lãnh đạo Nhóm nghiên cứu vaccine Oxford (Anh), và Seth Berkley, giám đốc điều hành Liên minh vaccine Gavi, Guardian đưa tin ngày 13/8.
Vì thế, ông Pollard và Berkley cho rằng việc tiêm tăng cường vaccine ngừa Covid-19 có thể để lại hậu quả sâu rộng cho các quốc gia khác.
Israel đã bắt đầu tiêm mũi vaccine Pfizer thứ 3 cho người từ 60 tuổi trở lên. Ảnh: Zuma Press. |
“Tiêm nhắc lại trên quy mô lớn ở quốc gia giàu có sẽ là tín hiệu với toàn thế giới rằng mọi nơi cũng cần tiêm nhắc lại. Điều này sẽ hút hết vaccine ra khỏi hệ thống. Thêm nhiều người sẽ chết vì không có cơ hội được tiêm chỉ một mũi vaccine”, hai chuyên gia viết.
“Nếu hàng triệu người được tiêm nhắc lại trong lúc chưa có căn cứ khoa học vững chắc, lịch sử sẽ ghi nhớ khoảnh khắc các lãnh đạo chối bỏ trách nhiệm với toàn nhân loại trong cuộc khủng hoảng lớn nhất của thế hệ này”, hai vị bổ sung.
Lời kêu gọi của ông Pollard và Berkley được đưa ra trong bối cảnh một số nước giàu có trên thế giới như Đức, Pháp, và Israel dự định hoặc đã bắt đầu tiêm nhắc lại cho người lớn tuổi.
“Nếu chúng ta chỉ tập trung vào lượng kháng thể, chúng ta có thể sẽ phải liên tục tiêm chủng cho mọi người để đối phó con virus không ngừng đột biến”, hai chuyên gia nhận định. “Mục đích của tiêm chủng không phải để ngăn chặn mắc bệnh ở thể nhẹ mà để ngăn ngừa ca nhập viện và tử vong”.
Hai chuyên gia cũng chỉ ra rằng với những người không có phản ứng hiệu quả sau khi chủng ngừa, việc tiêm tăng cường sẽ không có tác dụng.
“Vì chúng ta còn nhiều thời gian sau khi được tiêm 2 mũi, chúng ta không nên đâm đầu tiêm nhắc lại cho hàng triệu người, trong khi thời gian của những người chưa được tiêm chủng đang dần cạn”, ông Pollard và Berkley viết.