Sản xuất phim truyền hình đang bị đình trệ. Các sự kiện thể thao lớn cũng bị hoãn hoặc hủy. Công viên, rạp phim, khu vui chơi giải trí đóng cửa lần lượt để hạn chế lây lan dịch bệnh.
Chính điều đó khiến các dịch vụ giải trí Internet như Netflix, Spotify... được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Dành nhiều thời gian hơn để ở nhà đồng nghĩa việc Netflix có nhiều người dùng hơn.
Sự thịnh vượng ngắn hạn
Trong tháng 2, thời điểm bùng phát dịch corona, cổ phiếu Netflix tăng từ 345 USD lên 348 USD/cổ bởi các nhà đầu tư kỳ vọng nền tảng này sẽ sống tốt bất chấp dịch bệnh.
"Nếu dịch bệnh lây lan ở mức vừa phải, sẽ có nhiều người tìm kiếm những lựa chọn giải trí tại nhà như Netflix, HBO, Disney...", nhà phân tích của Moody Investors Services nói với New York Times.
Netflix sẽ thấm đòn nếu tình hình dịch bệnh không được kiểm soát. Ảnh: Getty. |
Tuy nhiên, điều đó chỉ xảy ra khi dịch bệnh "ở mức vừa phải". Từ cuối tháng 2 đến nay, giá cổ phiếu Netflix bắt đầu chịu ảnh hưởng chung từ thị trường. Đến ngày 17/3, cổ phiếu Netflix chỉ còn 289,8 USD/cổ phiếu.
Trong một nghiên cứu mới, Laura Martin, chuyên gia phân tích từ Needham đã chỉ ra những điểm cho thấy Netflix cũng sẽ tổn thương nếu dịch bệnh kéo dài. Theo đó, chuyên gia phân tích này cho rằng Netflix sẽ bị ảnh hưởng gián tiếp.
Khi thu nhập người dùng bị giảm do dịch bệnh, việc đăng ký tài khoản Netflix mỗi tháng là điều xa xỉ. Dẫn chứng cho việc này, Laura Martin trích dẫn số liệu của Ủy ban châu Âu về việc du lịch chiếm 10% GDP ở Pháp, 13% ở Ý và 15% ở Tây Ban Nha.
Trong trường hợp ba quốc gia trên phong tỏa du lịch, hàng triệu người làm việc trong ngành này sẽ không được trả tiền. Từ đó, việc đăng ký mới Netflix là điều xa xỉ. "Họ có thể phải hủy thuê bao Netflix hiện tại để tiết kiệm tiền", nhà phân tích Martin nói.
Mô hình kinh doanh khó bứt tốc
Bên cạnh đó, Netflix là mô hình kinh doanh kiếm tiền từ lượt đăng ký cố định mỗi tháng. Điều này đồng nghĩa việc doanh thu của Netflix không tăng theo số giờ xem.
Dù dịch có kéo dài đến đâu thì mỗi tháng Netflix cũng thu được từng ấy tiền thuê bao của người dùng. Đây là nhược điểm của Netflix khi so với mô hình kiếm tiền từ quảng cáo như Facebook hay Google.
Nếu thu nhập bị ảnh hưởng, tiền đăng ký Netflix sẽ bị cắt giảm. Ảnh: Getty. |
Các nhà phân tích tại Needham cho biết, công ty phát trực tuyến như Netflix đang trông chờ vào sự gia tăng số lượng thuê bao và doanh thu từ các thị trường ngoài Mỹ trong năm nay. Tuy nhiên, các khu vực như châu Âu và châu Á là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.
Trước COVID-19, các nhà phân tích tại Needham ước tính Netflix sẽ chi từ 17-18 tỷ USD cho việc sản xuất nội dung vào năm 2020. Thế nhưng, các hoạt động sản xuất truyền hình tại châu Âu, Mỹ đều đang bị trì hoãn.
Điều này đưa Netflix thế "một cổ hai tròng". Trong thời gian ngắn, việc trì hoãn sản xuất khiến số tiền 18 tỷ USD được đầu tư vào nội dung trở thành dòng vốn chết, ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư.
Xét về lâu dài, việc trì hoãn sản xuất nội dung mới có thể dẫn đến việc thiếu hụt cái để xem trên nền tảng stream này.
Giải pháp nào cho Netflix
Thuê bao Netflix có mức giá cao từ 9-16 USD mỗi tháng tại Mỹ. Vì thế, theo chuyên gia phân tích Martin, Netflix nên cân nhắc đưa thêm tùy chọn xem quảng cáo với người dùng miễn phí hoặc giá rẻ (5-7 USD). Chiến lược này vừa giúp Netflix có thêm thu nhập từ quảng cáo vừa tăng lợi thế cạnh tranh cho công ty trước các đối thủ giá rẻ mới nổi như Disney+, Apple+...
Nhiều đối thủ cạnh tranh của Netflix đang có mức giá đăng ký rẻ hơn. Ảnh: Getty. |
Để tránh ảnh hưởng trải nghiệm xem của người dùng, Netflix có thể cân nhắc chèn 6-8 phút quảng cáo mỗi giờ cho các tài khoản giá rẻ hoặc miễn phí.
Các nhà phân tích tại Needham từng dự báo Netflix sẽ mất 4 triệu người dùng trong năm 2020 trước sự cạnh tranh của các dịch vụ stream mới nổi có giá phải chăng hơn. Vì vậy, đưa thêm tùy chọn kinh doanh quảng cáo sẽ giúp công ty tiếp cận được người dùng có thu nhập thấp.
Theo Statista, cuối năm 2019, Netflix có 61 triệu người dùng tại Mỹ. Con số này tương đương 75% số hộ gia đình tại Mỹ sử dụng dịch vụ phát trực tuyến này. Trong bối cảnh dịch bệnh, số người đăng ký mới có thể sẽ không tăng. Vì thế, việc tìm cách kiếm tiền từ số khách đã có là điều Netflix nên cân nhắc.
Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng là cơ hội tốt mà Netflix cần nắm bắt. Stephan Paternot, đồng sáng lập và CEO của thị trường tài chính phim trực tuyến Slated nói với New York Times rằng đây là cơ hội để Netflix ra mắt các gói dùng thực miễn phí trên nhiều quốc gia. Nó giúp người dùng có thể trải nghiệm dịch vụ của Netflix trong lúc dư giả thời gian mùa dịch.