Theo CNN, chính quyền Tổng thống Trump đã đạt được thỏa thuận "giai đoạn một" với Bắc Kinh để giải quyết cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài hơn 17 tháng.
Washington Post cho rằng ông chủ Nhà Trắng chắc chắn sẽ quảng bá rằng đây là chiến thắng vang dội của ông và nước Mỹ trước Trung Quốc. Tuy nhiên, các điều khoản của thỏa thuận cho thấy ông đã nhượng bộ Bắc Kinh quá mức và không đạt được các mục tiêu của Mỹ.
Trong hơn 2 tháng qua, các nguồn tin cho biết đàm phán Mỹ - Trung rơi vào bế tắc. Chính quyền ông Trump cho biết sẽ ngừng đánh thuế mới lên hàng Trung Quốc, đổi lại Bắc Kinh mua thêm nông sản Mỹ và cho phép các công ty tài chính Mỹ tiếp cận thị trường nước này dễ dàng hơn.
Nhưng Trung Quốc không chấp nhận, đòi Nhà Trắng gỡ bỏ nhiều khoản thuế đã đánh trước đó.
Lời hứa có thể Trung Quốc không bao giờ thực hiện
Ngày 12/12, Wall Street Journal đưa tin chính quyền ông Trump đã nhượng bộ Bắc Kinh về vấn đề này. Washington Post cho rằng nếu thông tin này là chính xác, thỏa thuận sẽ xóa bỏ áp lực khổng lồ đang đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc để đổi lấy một lời hứa trong tương lai mà phía Trung Quốc có thể không bao giờ thực hiện.
Hơn nữa, những nhượng bộ của Bắc Kinh cũng không giải quyết các vấn đề về cơ cấu kinh tế Trung Quốc hay xóa bỏ các hành vi thương mại tiêu cực của nước này. Đó là những yếu tố khiến nền kinh tế Trung Quốc trở thành mối đe dọa với Mỹ về lâu dài.
Tất nhiên, chúng ta vẫn chưa biết rõ quyết định cuối cùng của Tổng thống Trump cho đến khi ông đích thân lên tiếng. Rất có thể ông chủ Nhà Trắng sẽ bác bỏ những điều khoản các quan chức Mỹ đạt được với phía Trung Quốc.
"Quyết định cuối cùng là của ông Trump. Việc gỡ bỏ các khoản thuế đã đánh đồng nghĩa với việc ông ấy bị Trung Quốc xỏ mũi thương mại", Washington Post dẫn lời chuyên gia Derek Scissors thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ nhận định.
Một cái bắt tay giữa Mỹ và Trung Quốc ở thời điểm này là không có lợi cho ông Trump, theo Washington Post. Ảnh: Washington Post. |
Một số nguồn tin cho biết thỏa thuận tạm thời bao gồm việc Trung Quốc cam kết xiết chặt bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ. Nhưng Trung Quốc đã rất nhiều lần đưa ra cam kết tương tự và chưa bao giờ thực hiện một cách nghiêm túc.
Các quan chức Nhà Trắng cho biết các vấn đề về cơ cấu kinh tế Trung Quốc, bao gồm các hành vi gián điệp kinh tế, việc ép buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ, trợ giá bất công cho các doanh nghiệp Trung Quốc... sẽ được giải quyết trong giai đoạn hai của thỏa thuận.
Một thỏa thuận tồi còn tệ hơn không có thỏa thuận
Tuy nhiên, Washington Post cho rằng rất khó để tin Trung Quốc sẽ thực hiện điều đó. "Rất nhiều người cho rằng 'giai đoạn hai' có ý nghĩa thực sự sẽ không bao giờ diễn ra", chuyên gia Scissors nhấn mạnh.
Washington Post nhận định nếu ông Trump gỡ bỏ áp lực thuế đè lên hàng Trung Quốc trong giai đoạn một của thỏa thuận, Bắc Kinh sẽ không còn lý do gì để nhượng bộ trong các cuộc đàm phán giai đoạn hai.
Tờ báo này nhận định ông Trump cần một "chiến thắng" thương mại để quảng bá trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020. Do đó, có thể ông sẵn sàng chấp nhận nhượng bộ Bắc Kinh.
"Thỏa thuận giai đoạn một là một sự nhượng bộ rất lớn so với thỏa thuận toàn diện hơn mà hai bên đàm phán hồi tháng 5/2019", Washington Post bình luận.
"Nếu Tổng thống Trump ký thỏa thuận, thị trường sẽ khởi sắc trong giai đoạn trước mắt. Nhưng đến năm sau, các lỗ hổng của thỏa thuận sẽ bị phơi bày rõ ràng. Nếu Trung Quốc không thực hiện các cam kết, ông Trump sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề vào thời điểm cử tri đi bầu cử".
Ông Trump hoàn toàn có thể chờ tới sau cuộc bầu cử năm 2020 mới thỏa thuận với Trung Quốc. Ảnh: NYT. |
Khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đến gần, ông Trump chịu áp lực đảm bảo thị trường tài chính Mỹ ổn định, tránh mọi khủng hoảng. "Bắc Kinh thừa hiểu điều đó".
"Một thỏa thuận tồi tệ còn tệ hại hơn là không có thỏa thuận nào. Ông Trump đã đúng khi nói rằng ông thích ý tưởng chờ sau bầu cử mới đạt thỏa thuận với Trung Quốc", Washington Post bình luận.
"Ông Trump đang cố đàm phán và đạt thỏa thuận trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ đầu tiên. Ông ấy muốn thể hiện rằng mình là người đàm phán hàng đầu. Nhưng ông Trump không cần phải ký thỏa thuận với Trung Quốc ở thời điểm này", chuyên gia Tom Wright thuộc Viện Brookings khẳng định.
Phe ủng hộ chính sách thương mại cứng rắn với Trung Quốc luôn khẳng định rằng một thỏa thuận với những điều khoản tệ hại sẽ ảnh hưởng xấu tới ông Trump.
"Và họ đã đúng. Sẽ tốt hơn cho ông chủ Nhà Trắng nếu ông ấy từ chối thỏa thuận, duy trì áp lực lên Trung Quốc và tiếp tục các cuộc đàm phán", Washington Post khuyên.
"Nếu tái đắc cử, ông Trump sẽ có đủ lợi thế để làm bất cứ điều gì ông muốn và buộc Trung Quốc thôi lợi dụng nền kinh tế Mỹ. Nhưng nếu ông ấy bị xỏ mũi ở thời điểm này, cơ hội tốt nhất và cuối cùng để buộc Bắc Kinh từ bỏ các hành vi kinh tế xấu sẽ mất đi vĩnh viễn".