Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 01/2016, có khoản 6, Điều 5 quy định quyền hạn của CSGT nêu rõ: “Được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển; sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật”. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 15/2
Ngay sau khi Thông tư này ban hành đã có nhiều ý kiến trái chiều, tiến sĩ Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) trao đổi với Zing.vn về việc này.
CSGT điều tiết phân luồng tại trung tâm Hà Nội. Ảnh: M.H. |
- Trước phản ứng của dư luận, liệu Thông tư 01 của Bộ Công an vừa ban hành có vấn đề thưa ông?
- Nói đến trưng dụng, chúng ta cần hiểu rõ Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản được Quốc hội thông qua năm 2008. Điều 5, Luật này quy định việc được trưng dụng tài sản thuộc các trường hợp cụ thể, đều trong các trường hợp cấp bách, khẩn cấp.
Thẩm quyền ra quyết định trưng dụng thuộc về Bộ trưởng các bộ: Tài chính, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công thương và Chủ tịch UBND tỉnh.
Bên cạnh đó, Điều 15, Luật Công an nhân dân (2014) cũng quy định quyền hạn của lực lượng Công an nhân dân, trong đó có: “Huy động, trưng dụng theo quy định của pháp luật phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra”.
"CSGT chỉ là người thi hành chứ không có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản.
Không phải cứ ban hành thông tư này rồi, CSGT cứ ra đường cầm gậy, vác còi ra trưng dụng tài sản người dân. Nếu làm như vậy là lạm quyền, là trái luật" - tiến sĩ Lê Hồng Sơn.
Quyền này quy định cho cả lực lượng Công an nhân dân chứ không phải một bộ phận chuyên biệt nào cả. Theo quyền này, lực lượng Công an nhân dân được huy động, trưng dụng tài sản ở trường hợp cấp bách…
Luật Trưng mua, trưng dụng và Luật Công an nhân dân quy định rất rõ và chặt chẽ về việc này. Tuy nhiên, Thông tư 01 chỉ nói CSGT "Được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển; sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật".
Tôi nghĩ Bộ Công an chép lại luật Công an nhân dân nhưng chưa hết. Điều quan trọng ở đây nữa là từ quyền hạn chung cho lực lượng công an nhân dân mà tách ra quyền riêng cho CSGT như thế liệu có phù hợp không?
- Nhiều ý kiến cho rằng Thông tư 01, CSGT được trưng dụng tài sản chưa nói rõ ở trường hợp cụ thể nào?
- Đúng là Thông tư 01 mới chỉ nói đến việc CSGT được trưng dụng tài sản theo quy định pháp luật chung chung chứ chưa đi vào trường hợp cụ thể nào, thời điểm nào, điều kiện nào. Trong Luật Công an nhân dân, CSGT có được giao quyền này không? CSGT chỉ là người thi hành chứ không có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản.
Theo tôi ít nhất phải có quy định cụ thể ở tầm nghị định, nói rõ thủ tục trình tự, thẩm quyền, thời điểm, điều kiện thực hiện trưng dụng tài sản của CSGT. Quy định này cũng cần xác định trách nhiệm của CSGT để chống lạm quyền, bồi thường tài sản của người được trưng dụng như nhế nào? Nếu chỉ dừng lại ở Thông tư 01 thì nó chỉ là quy định “treo”.
Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp. Ảnh: Thế Kha |
- Người dân nghi ngờ Thông tư 01 có hiệu lực, CSGT sẽ lạm quyền, xâm phạm đời tư người khác, ông nghĩ sao?
- Như tôi nói ở trên, dừng lại ở Thông tư 01 thì nó chỉ là quy định “treo”. Không phải cứ ban hành thông tư này rồi, CSGT cứ ra đường cầm gậy, vác còi ra trưng dụng tài sản người dân. Nếu làm như vậy là lạm quyền, là trái luật.
Người dân mang theo điện thoại, iPad khi ra đường mà CSGT thích là trưng dụng. Điều này là không được phép. Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản, Quốc hội phải bàn rất kỹ để hạn chế tối đa việc trưng dụng tài sản vì liên quan đến quyền đời tư người khác. Chúng ta cứ yên tâm, không ai dám làm vậy đâu.
Để tránh sự lo lắng của dư luận, Bộ Công an phải đứng ra giải thích cho người dân rõ. Tôi nghĩ như bây giờ mà còn ra một văn bản gây hoang mang dư luận như thế này thì không tốt một tý nào.
- Gần 2 tuần nữa Thông tư 01 có hiệu lực, khi ra đường bị CSGT trưng dụng tài sản, ông sẽ xử lý thế nào?
- Tôi sẽ dùng quyền công dân của mình, yêu cầu CSGT giải thích rõ các quy định theo luật nói trên. CSGT cố tình trưng dụng tài sản của tôi, tôi sẽ khiếu kiện.