Khi nói về công tử Bạc Liêu, không thể không nhắc tới Ba Huy (Trần Trinh Huy), “dân chơi” đình đám thập niên 1930 - 1940 tại Nam Kỳ lục tỉnh. Nhiều giai thoại về việc ông tiêu tiền như nước, ít ai bì kịp về tài chính lẫn độ hào phóng vẫn được lưu truyền cho đến tận ngày nay.
Vậy nên không ngạc nhiên khi Lý Minh Thắng thông báo làm phim về nhân vật này, dự án của anh thu hút nhiều sự quan tâm. Bởi lần đầu tiên trên màn ảnh rộng, những giai thoại nức tiếng về công tử Bạc Liêu được tái hiện, khiến người xem tò mò.
Song khi trình làng, đứa con tinh thần của Lý Minh Thắng lại đang vướng nhiều tranh luận. Sau hơn 2 tuần công chiếu, tác phẩm hiện giảm nhiệt trông thấy, đối diện nguy cơ gây thua lỗ.
Vướng tranh cãi gay gắt
Lấy bối cảnh Nam Kỳ lục tỉnh những năm 1930, Công tử Bạc Liêu theo chân Ba Hơn (Song Luân), con trai ông hội đồng Lịnh (Thành Lộc) - chủ ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam. Du học Pháp trở về, Ba Hơn chứng tỏ bản thân trước mắt thiên hạ qua nhiều trò chơi ngông. Anh vung tiền vào những thú vui tiêu khiển, với câu cửa miệng: “Công tử Bạc Liêu đi tới đâu là niềm vui theo tới đó”.
Công tử Bạc Liêu để lại ấn tượng ban đầu với “phần nhìn” bóng bẩy và hoáng nhoáng, nổi bật trong dàn phim Việt ra mắt năm nay. Không khó nhận thấy ê-kíp đã đầu tư mạnh tay ở khâu thiết kế phục trang, bối cảnh. Chỉ riêng kinh phí cho bối cảnh dự án theo tiết lộ đã lên tới 10 tỷ đồng.
Từ bức tranh xã hội Bạc Liêu và Sài Gòn những năm 1930, căn nhà cổ của ông hội đồng Lịnh, bá hộ Kim, cho đến những địa điểm ăn chơi như hí trường Nam Kin, sân khấu tuồng, sàn đấu võ, đấu xảo... nhìn chung được phục dựng tỉ mỉ.
Về kịch bản, Lý Minh Thắng thừa nhận Ba Hơn lấy cảm hứng từ ông Trần Trinh Huy. Đáng chú ý, thay vì tập trung phô bày thói ăn chơi sa đọa, phim lại cố gắng đào sâu nguyên nhân những hành động chơi ngông của nhân vật. Sau khi du học Pháp trở về, Ba Hơn muốn chứng minh giá trị bản thân trong mắt cha. Anh không thích bị ông hội đồng Lịnh kiểm soát, bị xem là đứa con vô dụng.
Tác phẩm từ đó dành nhiều thời lượng phát triển mối quan hệ cha con đầy khúc mắc giữa ông Lịnh và Ba Hơn, qua đó hướng ống kính tới mâu thuẫn thế hệ.
Công tử Bạc Liêu thu 35 tỷ sau hơn 2 tuần công chiếu. |
Ông Lịnh ra mặt phê phán thói ăn chơi, “phông bạt” của con, song vẫn âm thầm giúp đỡ cậu trên hành trình tự lực làm giàu. Ở phía đối diện, sự ức chế của Ba Hơn ngày càng dâng cao, sau nhiều lần liên tục bị cha phủ nhận nỗ lực, cố gắng.
Đây thực chất là ý tưởng không tồi, cung cấp cho người xem góc nhìn đa chiều về hình tượng công tử Bạc Liêu. Dù đường dây câu chuyện còn nhiều điểm gãy đổ, khó phủ nhận Lý Minh Thắng đã dũng cảm trong việc lựa chọn chủ đề, kể một câu chuyện với yếu tố sáng tạo, bay bổng, không quá bó buộc bởi giới hạn khắt khe của việc làm phim lịch sử.
Song, hướng đi này của anh trên thực tế vướng tranh luận. Một bộ phận người xem cho rằng tác phẩm đang làm méo mó giai thoại về công tử Bạc Liêu. Những phẩm chất hào phóng, nhân hậu của ông chưa được khắc họa rõ nét, mà thay vào đó hiện lên trên phim là kẻ xốc nổi, ăn chơi sa đọa. Số khác cho rằng phim “ngại” phê phán thói hư tật xấu, khi cố tô hồng cho việc nhân vật tiêu tiền không suy nghĩ.
Một số khán giả còn phản ứng gay gắt, chỉ trích phim “sáng tạo quá mức” dựa trên nhân vật có thật trong lịch sử. Họ cho rằng việc dùng tên, hay tổ chức chiến dịch quảng bá dựa trên thương hiệu “công tử Bạc Liêu” trong khi nội dung phim nhiều điểm hư cấu, dễ dẫn tới những hiểu biết, nhận thức sai lệch về bản chất nhân vật.
Bên cạnh những phản hồi tiêu cực, cũng có nhiều khán giả ủng hộ cách tiếp cận nhân vật của Lý Minh Thắng. Họ cho rằng tác phẩm chỉ dựa trên những giai thoại, nên việc đạo diễn có sáng tạo, thêm thắt là điều thường tình, không đáng tranh cãi.
Song Luân hóa thân vai chính trong phim. |
Trước phản ứng của người xem, Lý Minh Thắng cho biết anh cùng ê-kíp đã nghiên cứu, thu thập nhiều tài liệu liên quan tới bối cảnh phim. Song, tác phẩm vẫn phải có yếu tố sáng tạo để khán giả dễ tiếp cận, không thấy xa lạ. Anh khẳng định không bêu xấu hay thêm thắt drama quá đà, làm sai lệch sự thật.
Thế khó làm phim về nhân vật có thật trong lịch sử
Trò chuyện với Tri thức - Znews, chuyên gia Nguyễn Phong Việt cho rằng: “Phim ảnh có sự sáng tạo, phá cách và góc nhìn riêng của nó. Bản thân ê-kíp cũng đã khẳng định phim dựa trên cảm hứng, chứ không phải làm phim lịch sử. Vậy nên, những tranh luận trong trường hợp này không hợp lý".
Thực tế, việc làm phim về nhân vật có thật trong lịch sử không hề dễ dàng. Trước Công tử Bạc Liêu, Em và Trịnh (Phan Gia Nhật Linh) hay Đất rừng phương Nam (Nguyễn Quang Dũng) cũng vấp phải tranh cãi tương tự.
Em và Trịnh (2022) bị phản ứng về cách xây dựng hình tượng nhân vật chính - cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhiều khán giả cho rằng nhân vật được xây dựng theo hơi hướm "đa tình", khiến người xem có góc nhìn sai lệch về cuộc đời cha đẻ Diễm xưa. Số khác nhận định kịch bản đã bóp méo hình ảnh cao đẹp của cố nhạc sĩ, thể hiện ở chi tiết “làm mới” mới mối quan hệ giữa Trịnh Công Sơn với Khánh Ly, hay Michiko...
Trong khi ở Đất rừng phương Nam (2023), tác phẩm đặt bối cảnh miền Tây Nam bộ thập niên 1920 - 1930 thay vì sau năm 1945 như tiểu thuyết gốc. Đặc biệt, Thiên Địa hội, Nghĩa Hòa đoàn, vốn dễ làm liên tưởng tới thời nhà Thanh của Trung Quốc, lại được xây dựng như nghĩa quân yêu nước trong phim khiến người xem phản ứng dữ dội. Tới mức, ê-kíp buộc phải bỏ tên Thiên Địa hội/Nghĩa Hòa đoàn khỏi các lời thoại, thay bằng Chính Nghĩa hội/Nam Hòa đoàn.
Không riêng tại Việt Nam, dòng phim này trên thế giới cũng thường xuyên gây tranh cãi trái chiều. The Social Network (2010) kể về Zuckerberg với người đồng sáng lập Facebook Eduardo Saverin. Dù được giới chuyên môn đánh giá cao, đoạt nhiều giải thưởng danh giá, tác phẩm vẫn hứng chịu chỉ trích xoay quanh việc phản ánh sai lệch về Mark Zuckerberg hay cách Facebook được hình thành. Chính Zuckerberg cũng lên tiếng khẳng định các nhà làm phim đã cố thêm thắt, khiến câu chuyện về anh xa rời thực tế.
Điều tương tự xảy ra với Napoleon (2023) của “ông hoàng phim sử thi" Ridley Scott. Nhà làm phim gạo cội gây ra cuộc tranh cãi với giới sử học Pháp, khi để các nhân vật nói giọng Anh - Mỹ, thay vì tiếng Pháp. Nhiều tình tiết được cho là hư cấu như Napoleon chứng kiến vụ chặt đầu Marie Antoinette, hay nã pháo vào kim tự tháp cũng bị phản ứng kịch liệt. Đáp lại, Ridley tuyên bố “chẳng có ai sống ở thời đó để khẳng định đâu mới là sự thực”.
Công tử Bạc Liêu "ngốn" 10 tỷ đồng cho khâu bối cảnh. |
Trao đổi với Tri thức - Znews, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho biết ranh giới giữa sáng tạo nghệ thuật và tôn trọng lịch sử rất mong manh, nhạy cảm. Lựa chọn khai thác nhân vật lịch sử hay văn hóa quen thuộc, đặc biệt là những cái tên đã ăn sâu vào tiềm thức cộng đồng là thách thức lớn với bất kỳ nhà làm phim nào.
Công chúng ngày càng yêu cầu cao hơn ở điện ảnh, không chỉ về yếu tố kỹ thuật hay giải trí, mà còn ở trách nhiệm trong việc xây dựng câu chuyện mang tính giáo dục và gìn giữ văn hóa. Song mặt khác, cũng cần ghi nhận và ủng hộ nỗ lực của những nhà làm phim Việt khi dám chọn các đề tài mang tính lịch sử và văn hóa - vốn luôn là thách thức lớn.
“Phim lịch sử không nhất thiết phải khô cứng, hoặc bị bó buộc vào những giới hạn khắt khe của tài liệu. Nó hoàn toàn có thể là không gian để nhà làm phim bay bổng với trí tưởng tượng, mang đến những góc nhìn mới mẻ.
Để xây dựng một nền điện ảnh mạnh, chúng ta cần những bộ phim không ngại khai phá nhân vật, câu chuyện đã quen thuộc. Miễn là sự sáng tạo được đặt trong một khuôn khổ thấu hiểu và tôn trọng”, ông Bùi Hoài Sơn cho biết.
Trở lại với Công tử Bạc Liêu, sau khi vướng tranh cãi trái chiều, phim đang cho thấy những tín hiệu không mấy khả quan tại phòng vé. Tính tới 22/12, tổng doanh thu tác phẩm chạm mốc 35 tỷ đồng. Phim đuối sức trước dàn đối thủ mới trình làng, doanh thu lẫn số suất chiếu giảm mạnh. Nhiều khả năng, đứa con tinh thần của Lý Minh Thắng sẽ kết thúc hành trình tại rạp với thành tích khoảng 40 tỷ.
Con số này thực tế khá khiêm tốn, khó sinh lời với một dự án có ngân sách lớn như Công tử Bạc Liêu.
Chuyên mục Giải trí giới thiệu cuốn Hollywood: The Oral History với những chia sẻ của hơn 300 chuyên gia trong ngành, một số người dày dạn kinh nghiệm, thậm chí từng trải nghiệm cả thời làm phim câm và đã qua đời, cùng nhiều tên tuổi lớn khác như Steven Spielberg và Jordan Peele. Tác phẩm này là một cuốn sách đậm đà và thoả mãn được giới mọt sách showbiz.