Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Nếu biến TP Thủ Đức thành 'ổ' chim sẻ thì không đại bàng nào đến

"Nếu không có khung thử nghiệm thể chế, TP Thủ Đức rất khó bứt phá bởi không thể xây dựng một 'ổ' cho chim sẻ nhưng lại tham vọng thu hút đại bàng", TS Vũ Thành Tự An nói.

"Nếu không xây dựng được khung thử nghiệm thể chế, TP Thủ Đức sẽ rất khó bứt phá bởi không thể xây dựng một 'ổ' cho chim sẻ nhưng lại tham vọng thu hút đại bàng", TS Vũ Thành Tự Anh nhận định.

"Cơ chế đặc thù" là cụm từ được lãnh đạo TP.HCM nhắc suốt 2 tháng kể từ khi TP Thủ Đức chính thức hoạt động. Đây được xem như giải pháp tháo gỡ hàng loạt nút thắt để thành phố mới thực sự bứt phá.

Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cũng từng khẳng định xây dựng cơ chế đặc thù là mục tiêu trọng tâm giai đoạn đầu của thành phố mới. Tuy nhiên, bản đề xuất phân cấp, ủy quyền mà chính quyền TP Thủ Đức báo cáo với TP.HCM hôm 27/3 chưa thuyết phục được nhiều sở, ngành. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong bình luận bản đề xuất có chỉ tiêu cụ thể nhưng chưa xác định cơ cấu kinh tế và mô hình phát triển.

Trong khi TP Thủ Đức đang xác định hướng đi cho cơ chế đặc thù để đề xuất Trung ương, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, nhận định TP Thủ Đức cần có một "khung thử nghiệm thể chế". Nếu không làm được điều này, TP Thủ Đức rất khó bứt phá bởi không thể xây dựng một "ổ" cho chim sẻ nhưng lại tham vọng thu hút đại bàng.

Zing có cuộc trao đổi với TS Vũ Thành Tự Anh, phân tích kỹ hơn về những cơ chế đặc thù mà TP Thủ Đức cần có.

- Để thực hiện hàng loạt mục tiêu đột phá, chính quyền TP.HCM nhiều lần khẳng định sẽ phân cấp, phân quyền tối đa cho TP Thủ Đức. Theo ông, với mô hình thành phố trong thành phố, TP.HCM nên phân cấp, phân quyền cho TP Thủ Đức thế nào?

- Nói về phân quyền thì phải lùi lại để hiểu tại sao lại nên phân quyền và phân quyền mang lại lợi ích gì.

Trong lý thuyết tài chính công về mối quan hệ giữa các cấp chính quyền, một nguyên lý cơ bản về quản trị Nhà nước là cấp nào gần dân hơn thì cấp đó nên là người ra quyết định. Từ cấp Trung ương xuống cấp địa phương, khoảng cách rất xa nên Trung ương không thể hiểu được người dân TP.HCM hay TP Thủ Đức nghĩ thế nào. Do đó, từ Trung ương xuống tỉnh, thành phố phải được phân cấp.

Trong khi đó, "khoảng cách" từ TP.HCM xuống TP Thủ Đức thì rất gần, vì vậy lợi thế về thông tin không đáng kể khi phân cấp.

Chúng ta phải hiểu điều đó rồi mới quyết định nên phân cấp như thế nào, còn nếu phân cấp mà không cân nhắc cẩn thận thì chỉ có tính hình thức.

Điều quan trọng nhất là khi khoác lên mình bộ quần áo mới, có cơ chế phân cấp và mô hình mới thì TP Thủ Đức sẽ thực sự trở thành một "sinh thể" mới hay vẫn chỉ là sinh thể cũ khoác tấm áo mới? Đây là vấn đề then chốt của TP Thủ Đức.

Cho dù TP.HCM có phân cấp, phân quyền tối đa cho Thủ Đức đi chăng nữa, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, không gian và phạm vi phân cấp cho Thủ Đức vẫn sẽ hạn chế trên cả ba khía cạnh quan trọng: Nhân sự, tài khóa, và chính trị.

Cần đặt ra những câu hỏi như: Ai là người quyết định về nhân sự? Thẩm quyền tài khóa sẽ được phân chia thế nào giữa chính quyền Trung ương với TP.HCM và giữa TP.HCM với TP Thủ Đức? Thẩm quyền huy động và chi tiêu ngân sách của Thủ Đức có gì khác hay vẫn phải tuân thủ khung chung của Nhà nước?

Từ những câu hỏi ấy có thể thấy thực tế bài toán phân cấp cho TP Thủ Đức là cuộc thương lượng giữa TP.HCM với Trung ương, và quyết định nằm ở Trung ương.

co che dac thu cho TP Thu Duc anh 1

- Với không gian và phạm vi phân cấp, phân quyền như vậy, theo ông, TP Thủ Đức cần cơ chế đặc thù thế nào để có động lực tạo đột phá trong phát triển kinh tế?

- Giải pháp quan trọng nhất đó là Trung ương đồng ý cho Thủ Đức làm khung thử nghiệm thể chế (policy sandbox) - tức là một dạng thử nghiệm về chính sách mới, và khung này chỉ trong phạm vi TP Thủ Đức chứ không áp dụng cho phần còn lại của TP.HCM.

Trong quy hoạch của TP Thủ Đức, có rất nhiều loại trung tâm chức năng khác nhau như trung tâm tài chính, khoa học - công nghệ, thể thao - văn hóa, cụm cảng logistics… mỗi lĩnh vực sẽ có những thử nghiệm chính sách riêng. Ở đây, tôi nói sâu về trung tâm tài chính.

Ví dụ, điều kiện tiên quyết để Thủ Thiêm trở thành trung tâm tài chính quốc tế là gì?

Thứ nhất là tự do hóa tài khoản vốn và đồng tiền có thể tự do chuyển đổi để dòng vốn vào ra một cách thuận lợi. Còn nếu mang tiền vào dễ, ra khó, thì tại sao các nhà đâu tư phải đến đây mà không đến Singapore hay Hong Kong hoặc thậm chí là Thượng Hải (Trung Quốc) - những nơi đã và đang tự do hóa tài khoản vốn.

Thứ 2, nếu cơ chế về tỷ giá cứng nhắc thì sẽ không tạo ra được sự linh động trong chính sách tiền tệ.

Thứ 3 là quy định về lao động nước ngoài. Ví dụ, một doanh nghiệp được phép có tối đa bao nhiêu phần trăm lao động là người nước ngoài? Nếu là công ty quốc tế, con số này sẽ lớn hơn nhiều lần quy định hiện nay, đặc biệt giai đoạn ban đầu.

Rồi các thủ tục hành chính liên quan đến tuyển dụng, gia hạn hợp đồng visa lao động, không đánh thuế 2 lần... Cho đến nay, pháp luật Việt Nam đối với những vấn đề này còn nhiều hạn chế.

Thứ 4 là về thuế thu nhập và thuế giao dịch tài chính. Nếu muốn cạnh tranh với Singapore mà thuế cao gấp đôi Singapore thì sao được? Mình ra sau mà chính sách khuyến khích không bằng những nơi đã đi trước thì làm sao thu hút được các nhà đầu tư?

Thứ 5 là cơ chế thử nghiệm cho việc phát triển Startup (công ty khởi nghiệp) và Fintech (công nghệ tài chính). Khung thể chế và chính sách này liên quan đến trung tâm dữ liệu (data center) và an ninh mạng để doanh nghiệp có thể tận dụng hệ thống công nghệ và dịch vụ điện toán đám mây quốc tế an toàn nhằm phát triển AI (trí tuệ nhân tạo) và Big Data (dữ liệu lớn).

co che dac thu cho TP Thu Duc anh 2

Những cơ chế kể trên hoàn toàn nằm ngoài phạm vi thẩm quyền của TP.HCM. Các điều kiện quan trọng nhất đều phụ thuộc vào Trung ương. Đó là thẩm quyền của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Lao động Thương binh Xã hội và các bộ khác.

Điều tốt nhất mà TP Thủ Đức có thể hy vọng là Trung ương cho phép thành phố này trở thành một khung thử nghiệm thể chế. Nếu không có được sự ủng hộ của các bộ để cùng trình các nội dung cải cách lên Thủ tướng, rồi từ đó trình ra Quốc hội, thì rất khó hy vọng TP Thủ Đức có thể bứt phá.

Với "khung thử nghiệm thể chế" này, một khi các nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng thì thành phố sẽ không phải tốn tiền tỷ như hiện nay để xây dựng cơ sở hạ tầng. Các nhà đầu tư sẽ sẵn sàng tận dụng cơ chế và tiềm năng của một nơi trở thành thị trường mới nổi như Việt Nam. Như vậy, chúng ta không phải đi xin một đồng nào mà chỉ cần tạo ra cơ chế. Và cơ chế này, một lần nữa, phụ thuộc vào Trung ương.

Nói một cách ngắn gọn, nếu Trung ương coi TP Thủ Đức là mô hình thí điểm của quốc gia thì mới có thể có cơ chế mới, còn nếu chỉ là một thành phố mới của TP.HCM như bất kỳ một thành phố nào khác thì không có nhiều cơ may thành công.

- Có giới hạn nào cho khung thử nghiệm thể chế này không?

- Đúng là khung thử nghiệm này không thể vô hạn được. Điều quan trọng là phải tìm ra một cấu hình phù hợp và cân đối lợi ích - rủi ro. Thế nào là phù hợp? Để xác định cần 2 bước.

Bước thứ nhất là thu thập dữ liệu đầu vào từ thị trường. Dữ liệu này có thể đến từ sự đối thoại thẳng thắn, cởi mở với các nhà đầu tư tiềm năng. Từ đó, rút ra những điều kiện sẽ thu hút nhà đầu tư lớn, hay như cách chúng ta thường ví von là “dọn ổ cho đại bàng”.

Các nhà làm chính sách Phố Đông (Thượng Hải) trước đây cũng nói "trúc sào dẫn phượng" - nghĩa là kiến tạo "ổ" mới để cho chim phượng hoàng đến ở. Rõ ràng là "ổ" cho chim sẻ thì không đại bàng nào muốn đến.

Trong khi đó, cách tiếp cận của chúng ta hiện nay vẫn là “tôi ban phát cho anh, tặng anh cơ chế đấy, còn cơ chế đấy có hợp với anh không là chuyện khác”. Bây giờ, chúng ta phải làm ngược lại.

TP Thủ Đức phải tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài, các định chế tài chính lớn, thậm chí thuê công ty tư vấn để họ giúp mình nhận định với điều kiện của Việt Nam hiện nay thì các gói khuyến khích phải như thế nào? Đó là bước đầu tiên - bắt mạch được nhu cầu và cảm xúc của thị trường.

Bước tiếp theo, chúng ta phải quay ngược lại xem với những điều kiện thị trường yêu cầu, việc gì có thể làm ngay, việc gì cần lộ trình, việc gì không thể làm được do cơ chế hoặc do yếu tố an ninh, chính trị. Dựa trên dữ liệu của cả bên cung và bên cầu, chúng ta có thể phân tích được hai bên gặp nhau ở đâu, từ đó, xác định cấu hình và lộ trình của khung thể chế. Có những cái rất mở nhưng có cái phải giới hạn.

Để làm được điều này cần sự hợp tác công tư trong khía cạnh xây dựng khung thể chế. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế.

Khung thử nghiệm cũng cần cân đối lợi ích và rủi ro nhưng phải xuất phát từ quan điểm đã thử nghiệm thì có thể có sai sót và rủi ro, mục tiêu là quản lý rủi ro tốt nhất để đạt lợi ích kỳ vọng cao nhất.

Đáng tiếc là quan điểm quản lý phổ biến ở Việt Nam hiện nay là tuy được phép thử nghiệm nhưng “không được phép xảy ra rủi ro”, và khi chẳng may rủi ro xảy ra thì ai làm người ấy chịu trách nhiệm. Với cơ chế này, không công chức hay cơ quan quản lý nào dám “dấn thân”, hoặc khi được giao trách nhiệm thì làm cầm chừng, thậm chí đùn đẩy cho người khác.

co che dac thu cho TP Thu Duc anh 3

- Mới đây, HĐND TP.HCM thông qua nghị quyết về ngân sách cho TP Thủ Đức. Theo đó, TP Thủ Đức được giữ lại 18% tổng thu ngân sách, còn lại nộp cho Trung ương và TP.HCM không giữ lại đồng nào. Đây có phải là một cơ chế đặc thù mà TP.HCM trao cho TP Thủ Đức?

- Đó là cơ chế cao nhất mà TP.HCM có thể làm được cho TP Thủ Đức. TP.HCM không cần ngân sách của TP Thủ Đức, mà cần sự lan tỏa từ thành công của TP Thủ Đức.

Mục tiêu phát triển của một thành phố không chỉ là ngân sách mà rộng hơn thế rất nhiều. Đó là TP Thủ Đức có tạo ra được sinh khí và sức sống cho TP.HCM không. Nếu giữ 50% ngân sách mà thành phố không phát triển thì cũng chẳng để làm gì.

Từ sức sống của Thủ Đức sẽ tạo ra sự lan tỏa về công nghệ, tài chính, quản trị, kỹ năng... tức là nó sẽ làm cho phần còn lại của TP.HCM thay da đổi thịt. Đó mới là điều quan trọng.

Một tác động quan trọng nữa là sự thành công và lan tỏa của Thủ Đức tạo ra cơ hội việc làm mới ở đẳng cấp cao và giúp tăng mức sống cho người dân. Và cuối cùng là hình ảnh của TP.HCM khi trở thành nơi dẫn đầu của Đông Nam Á và châu Á. Đấy mới là cái TP.HCM nên hướng tới.

Thế nhưng, ngoài 18% ngân sách thì cần phải cho TP Thủ Đức một cơ chế để huy động các nguồn lực tài chính khác. Còn chỉ với 18% ngân sách thì không thể hy vọng trở thành đột phá, trụ cột hay động lực của TP.HCM được.

Cần chú ý khung thử nghiệm chính sách này là một thử nghiệm có kiểm soát, nằm trong khuôn khổ TP Thủ Đức và có thời gian, có thể là 3-5 năm. Khi hết thời gian thử nghiệm, cần đánh giá những chính sách nào nên được tiếp tục hoặc mở rộng, chính sách nào cần loại bỏ.

- Trong quá trình vận hành một mô hình chưa từng có, với nhiều cơ chế đặc thù như TP Thủ Đức, chính quyền TP.HCM và TP Thủ Đức cần làm gì để đảm bảo quá trình giám sát, không tạo ra không gian cho tham nhũng?

- Điều quan trọng là HĐND TP Thủ Đức phải vận hành thực sự hiệu quả.

Ví dụ, tỷ lệ đại biểu chuyên trách của HĐND không chỉ ở mức 20-30% như hiện nay mà tối thiểu là 50%, thậm chí 100% thì càng tốt. Bởi khi anh chuyên trách, anh mới chuyên tâm vào công việc, mới thực sự tạo ra cơ chế kiểm soát đối với cơ quan công quyền.

Điều này cũng có nghĩa là TP Thủ Đức cần có cơ chế giám sát đặc thù. Và việc giám sát này nằm trong khả năng của thành phố chứ không cần xin Trung ương, tất nhiên cũng cần Quốc hội bật “đèn xanh”. Còn nếu chỉ giám sát một cách hình thức như hiện nay sẽ không có hiệu lực và thậm chí gây ra xung đột lợi ích, do vậy không kiểm soát được tham nhũng.

Thứ hai là TP Thủ Đức phải có cơ chế đấu thầu cạnh tranh hoặc thẩm định dự án đầu tư minh bạch, công khai, cần có hội đồng thẩm định đầu tư độc lập đối với những dự án trọng điểm.

Đây là nơi được kỳ vọng sẽ có rất nhiều dự án đầu tư lớn. Để tránh vết xe đổ trong quá trình xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cần hội đồng thẩm định có tính độc lập và minh bạch. Cách làm này sẽ giúp giảm rất nhiều chi phí về sau, thậm chí tạo ra sự hài hòa với quyền lợi của người dân, nhất là khi đền bù, giải phóng mặt bằng. Còn nếu chỉ có Nhà nước như hiện nay, khi xảy ra xung đột sẽ thiếu tiếng nói khách quan của bên thứ ba đứng ra dàn xếp lợi ích các bên.

Hội đồng thẩm định này sẽ hoạt động bằng ngân sách của thành phố. Nhưng chính quyền phải đảm bảo không can thiệp vào quyết định của hội đồng và hội đồng phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, cũng như trách nhiệm giải trình.

co che dac thu cho TP Thu Duc anh 4

Thứ ba, TP Thủ Đức phải có một hệ thống tòa án kinh tế, hoặc hệ thống trọng tài kinh tế thật hiệu quả.

Ví dụ bây giờ, hai nhà đầu tư nước ngoài có tranh chấp thì dùng luật nào? Hay chính quyền địa phương bị kiện bởi một công ty nước ngoài thì dùng luật nào?

Nếu dùng luật Việt Nam, chưa chắc các nhà đầu tư nước ngoài đã đến. Nhưng với cơ chế trọng tài, họ có thể dùng luật của các nước khác. Như vậy, xung đột sẽ không bị đẩy lên thành vấn đề quá nghiêm trọng như mang ra tòa, mà có thể xử lý mềm mại hơn, vẫn đảm bảo thượng tôn pháp luật, minh bạch, hiệu quả. Tôi nghĩ đây là một yêu cầu cực kỳ quan trọng, đặc biệt liên quan đến sở hữu trí tuệ và tranh chấp tài chính - những thứ cực kỳ phức tạp.

Có thể thấy cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức phụ thuộc khá nhiều vào quyết định của Trung ương. Nhưng quan trọng là TP.HCM phải “tự cứu mình” bằng sự năng động, sáng tạo, còn cứ trông chờ vào Trung ương thì sẽ rất khó. Cũng may là có rất nhiều dư địa để thành phố tự cải thiện và cải cách.

Ví dụ câu chuyện quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm được phê duyệt từ năm 1996, tức là chỉ sau Phố Đông ở Thượng Hải vài năm. Nếu ai từng đến Thủ Thiêm và Phố Đông vào thập niên 1990 và bây giờ để có so sánh thì quả thật là một trời một vực.

Thực tế đó cho thấy điều TP.HCM cần ở Trung ương là cơ chế thí điểm mạnh mẽ, sau đó thành phố cứ làm tốt việc của mình thì tự nhiên kết quả sẽ tốt, chứ không thể phụ thuộc vào việc co kéo nguồn lực với Trung ương.

- Xin cảm ơn ông.

'TP Thủ Đức không phải tờ giấy trắng để vẽ bức tranh tùy tiện'

Trong góc nhìn của TS Trần Du Lịch, TP Thủ Đức không phải tờ giấy trắng để vẽ bức tranh tùy tiện mà phải ghép và cải biến "những mảnh giấy đã vẽ dang dở" thành một tuyệt tác.

Thu Hằng thực hiện

Bình luận

Bạn có thể quan tâm