Sách Những tấm bưu thiếp Việt Nam. Ảnh: Viện Goethe Hà Nội. |
"Ai ngồi xổm? Hết thảy mọi người. Các bà bán hàng, tài xế xe buýt và những người giao hàng bằng xe đạp trong lúc nghỉ ngơi, nhân viên ngân hàng và các nam doanh nhân trong giờ nghỉ trưa, những người bán vé số, lính tráng và nữ sinh". Đó là những quan sát được tác giả người Đức Jan Wagner ghi lại một cách tỉ mỉ, chi tiết trong cuốn Những tấm bưu thiếp Việt Nam.
Năm 2017, với sự hỗ trợ của Viện Goethe Hà Nội, tác giả đã tham gia chương trình lưu trú tại Việt Nam. Tác phẩm Những tấm bưu thiếp Việt Nam có thể coi là cuốn nhật ký ghi lại những quan sát, trải nghiệm của ông trong hành trình đi đến các thành phố Hà Nội, Huế và TP.HCM.
Chiều 6/1, Viện Goethe Hà Nội và Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam đồng giới thiệu ấn phẩm Những tấm bưu thiếp Việt Nam, trích đoạn trong tuyển tập Der glückliche Augenblick: Beiläufige Prosa (Khoảnh khắc hạnh phúc, tình cờ) của Jan Wagner (1971) - một tác giả đương đại nổi tiếng người Đức.
Trong khuôn khổ chương trình, độc giả có cơ hội trò chuyện với tác giả Jan Wagner, họa sĩ minh họa Robert Deutsch cùng dịch giả Thái Kim Lan và nhà văn Nguyễn Trương Quý.
Tác giả Jan Wagner. Ảnh: Nadine Kunath. |
Chia sẻ tại buổi trò chuyện, tác giả cho biết những ngày đầu khi đặt chân đến Việt Nam, ông hoàn toàn lạ lẫm với thời tiết, không gian, con người nơi đây.
Mọi thứ đều quá khác biệt với quê hương của ông. Thế nhưng sự khác biệt luôn tạo nên điều đặc biệt, ông đã bị mê hoặc bởi con người, ẩm thực tại những vùng đất khi đặt chân đến, từ những điều nhỏ nhất như tiếng chim hót vào mỗi buổi sáng, lưu thông trên phố, sự náo nhiệt tại các chợ… Đây chính là nguồn cảm hứng lớn nhất cho sáng tác của ông.
Một minh họa của Robert Deutsch. |
Những tấm bưu thiếp Việt Nam không chỉ chia sẻ góc nhìn của Jan Wagner mà còn truyền tải tới bạn đọc những sáng tạo nghệ thuật của họa sĩ minh họa Robert Deutsch (1981).
Người họa sĩ tài năng chia sẻ để tạo nên những trang minh họa sống động trong Những tấm bưu thiếp Việt Nam, ông đã dành nhiều thời gian đọc tác phẩm, thể hiện hình ảnh dưới lăng kính của tác giả cũng như bằng chính những trải nghiệm trực tiếp bắt gặp trên đường phố Hà Nội, những nghiên cứu của ông về đất nước, con người Việt Nam.
Dù không có nhiều thời gian trải nghiệm tại Việt Nam, Robert Deutsch vẫn ấn tượng với nét văn hóa đời thường sinh động nơi đây.
Người chuyển ngữ tác phẩm - dịch giả Thái Kim Lan - cho rằng cái hay làm nên giá trị của tác phẩm là biến cái tầm thường thành đối tượng văn học. Chia sẻ với Tri thức - ZNews, dịch giả nói điều làm bà cảm thấy ấn tượng ở tác giả là người rất nhạy bén, có óc quan sát, tinh tế.
Trong tác phẩm của ông xuất hiện những đối tượng mà ta ít chú ý đến như cục xà phòng, đĩa cơm nguội…Tất cả đã hòa quyện, mang đến cho độc giả những soi chiếu thú vị, đa chiều về hình ảnh Việt Nam qua văn chương.
Sau buổi giới thiệu sách, một số độc giả trẻ cho biết đã nhận thấy cuộc sống Việt Nam theo nhiều chiều cạnh khác nhau. Bạn đọc trẻ hy vọng trong tương lai, hình ảnh Việt Nam sẽ còn được quảng bá qua văn chương nhiều hơn nữa đến bạn bè quốc tế.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.