Có mặt tại 189 quốc gia trên thế giới, phát triển với hơn 10 ngành hàng tại Việt Nam, Nestlé ngày càng khẳng định chỗ đứng sau 23 năm bước chân vào thị trường Việt.
Tầm nhìn phát triển bền vững
Giai đoạn 2010-2017, tốc độ tăng trưởng bình quân của năng suất cà phê đạt 2%/năm. Trong đó, cà phê Robusta tái canh có thể đạt 4,5-6 tấn/ha, có những vườn tới 8 tấn/ha. Cùng sự tăng trưởng này, Việt Nam xuất khẩu cà phê tới gần 100 quốc gia trên thế giới với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt 3,24 tỷ USD.
Tuy ghi tên tại nhiều quốc gia, cà phê chế biến Việt Nam chưa thực sự phát triển, thay vào đó sản phẩm thô vẫn chiếm tỷ lệ không nhỏ. Vì vậy, để đáp ứng mức độ tiêu thụ ngày càng tăng, việc trang bị dây chuyền, nhà máy chế biến là xu thế tất yếu giúp các doanh nghiệp theo đuổi lĩnh vực này phát triển bền vững.
Thông qua dự án Nescafé Plan, Nestlé hỗ trợ nông dân phát triển canh tác cà phê bền vững . |
Đặt chân vào Việt Nam từ năm 1995, Nestlé được đánh giá là công ty tạo dấu ấn lớn trong ngành cà phê Việt Nam. Nestlé còn thể hiện tầm nhìn xa khi triển khai dự án phát triển cà phê bền vững Nescafé Plan từ năm 2011.
Theo đó, tại khu vực trồng cà phê trọng điểm như Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng, Kon Tum, đội ngũ chuyên gia nông nghiệp của Nestlé Việt Nam triển khai hỗ trợ nông dân. Mô hình tái canh được giới thiệu không chỉ giúp tăng sản lượng 30% mà còn nâng cao thu nhập. Đồng thời, 21.000 hộ đạt chứng chỉ cà phê quốc tế 4C.
Nestle’ hiện có mặt trên 191 quốc gia trên thế giới. |
“Trong suốt 8 năm qua, các chuyên gia của chúng tôi đã sát cánh cùng nông dân trong hoạt động tái canh cây cà phê, cung cấp 27 triệu cây giống năng suất, kháng bệnh. Đồng thời, công ty tổ chức các khóa đào tạo về canh tác bền vững cho 200.000 lượt nông dân, giúp giảm 40% nước tưới, 20% phân bón hóa học và tăng 30% thu nhập cho người nông dân”, đại diện Nestlé Việt Nam cho biết.
Bước tiến đưa cà phê Việt gia nhập thế giới
Bên cạnh sản lượng xuất khẩu, cà phê nội địa đang trên đà tăng khá nhanh - chiếm 8% tổng sản lượng cà phê Việt Nam. Cùng với đó, khẩu vị người Việt dần thích nghi với cà phê phương Tây. Vì vậy, bắt kịp xu hướng sẽ giúp những hãng cà phê trong nước tạo ra cú hích lớn, khẳng định vị trí trong thị trường nội địa.
Ra mắt dây chuyền sản xuất Nescafé Dolce Gusto là bước tiến lớn của Nestlé. Ảnh: Liêu Lãm. |
Nắm bắt cơ chế tất yếu của thị trường, Nestlé đưa sản phẩm viên nén cà phê Nescafé Dolce Gusto vào thị Việt Nam qua con đường nhập khẩu tháng 10/2015. Sản phẩm ra mắt nhắm tới người tiêu dùng trẻ tuổi và thành đạt. Sau 3 năm được đón nhận tích cực, hãng tiếp tục thực hiện bước tiến mới khi nhập dây chuyền sản xuất làm ra viên nén hoàn toàn bằng nguyên liệu Việt Nam.
Dây chuyền sản xuất viên nén Nescafé Dolce Gusto được nhập khẩu từ Anh Quốc với công suất ban đầu khoảng 2.500 tấn cà phê/năm (tương đương 130 triệu viên).
“Hiện nay, dây chuyền sẽ sản xuất viên nén cho các loại như americano, expresso intenso, flat white, cà phê sữa aulait. Đây là những loại được người dùng Việt Nam và quốc tế ưa chuộng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển các loại cà phê mới từ nguyên liệu cà phê Việt, đáp ứng đa dạng yêu cầu của khách hàng”, đại diện Nestlé cho biết.
Với quy mô 6 nhà máy tại Việt Nam, có tổng vốn đầu tư gần 530 triệu USD, chiến lược này thể hiện tham vọng đưa cà phê Việt ra thế giới.
Dây chuyền sản xuất Nescafé Dolce Gusto có năng suất khoảng 130 triệu viên/năm. Ảnh: Liêu Lãm. |
Đồng thời, dây chuyền sản xuất còn giúp Nestlé từng bước hoàn thiện hệ thống phát triển chuỗi giá trị cà phê bền vững từ canh tác, sản xuất chế biến tới xuất khẩu. Điều này cũng được thể hiện ở mục tiêu xuất khẩu 90% sản lượng Nescafé Dolce Gusto ra 13 thị trường quốc tế. Trong đó, thị trường trọng điểm tập đoàn hướng đến là Trung Quốc, Australia, New Zealand…
Với mức thu nhập người dân ngày càng tăng, cùng nhịp sống trẻ, năng động và xu hướng toàn cầu hóa, Nescafé Dolce Gusto sản xuất từ nguyên liệu nội địa sẽ tạo nên điểm nhấn nổi bật trong bức tranh thị trường ngành cà phê Việt.