Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nepal phẫn nộ vì Ấn Độ xây bờ kè, để lũ lụt tràn qua biên giới

Việc chính quyền Ấn Độ xây bờ kè để bảo vệ các khu vực trũng gần biên giới khiến nước láng giềng Nepal hứng chịu hậu quả nặng nề từ các trận lũ lụt hồi tháng 7.

Những cơn mưa theo mùa sẽ diễn ra liên tục. Chúng tấn công biên giới Nepal với Ấn Độ, hòa vào dòng nước chảy xiết làm đổ nát nhà cửa, cắt điện, cuốn trôi người và động vật.

Nhưng trận lũ quét mùa hè này diễn ra theo cách khác ở phía Ấn Độ. Theo quan chức địa phương, các bờ kè đã ngăn các dòng sông thượng nguồn cuốn trôi phía nam, khiến Nepal phải đối phó với lũ lụt gấp hai hoặc ba lần so với Ấn Độ ở một số khu vực.

Giờ đây, Ấn Độ đã trở thành mục tiêu chính của sự tức giận và cay đắng ở Nepal khi các cộng đồng biên giới chịu tổn thất từ trận lụt.

lu lut o Nepal anh 1
Tetri Devi (trái), mẹ của Shiva Mangal Raut, nạn nhân của trận lụt tháng 7, với góa phụ, Yashoda Devi, ở Gaur, Nepal. Ảnh: New York Times.

Theo New York Times, trong những thập kỷ gần đây, Ấn Độ đã cố gắng bảo vệ khu vực trũng bằng cách xây dựng vùng đệm trải dài hàng trăm dặm dọc theo đường biên giới nhấp nhô. 

Trong mùa mưa kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9, những con sông được nuôi dưỡng ở dãy Himalaya của Nepal có thể tràn về phía Ấn Độ với lưu lượng đủ mạnh để quét sạch toàn bộ các ngôi làng.

Đơn phương xây dựng bờ kè

Tuy nhiên, các bờ kè đang ngày càng bị soi xét. Các quan chức Nepal nói họ hầu như không thể ý kiến về các dự án này và Ấn Độ - nước láng giềng lớn hơn và giàu có hơn - đã xây dựng chúng đơn phương trong nhiều năm, vi phạm các hướng dẫn quốc tế về chia sẻ nguồn nước xuyên biên giới.

Các bờ kè được xây dựng phần lớn gần các thị trấn biên giới Ấn Độ hoặc trong vùng đệm giữa các quốc gia.

Trong các trận lụt tháng 7, được đánh giá nằm trong những trận lụt tồi tệ nhất trong năm, các quan chức Nepal cho biết Ấn Độ đã giữ một số cửa cống của bờ kè đóng quá lâu, bất chấp yêu cầu mở chúng. Họ nói rằng Nepal có rất ít tiếng nói khi cống được mở ra và nước tràn xuống gần Gaur và các thị trấn biên giới khác, dẫn đến sự tàn phá chết người.

Bị mắc kẹt trên mái nhà của mình ở Nepal, Shiva Mangal Raut đã cố gắng bơi đến một cửa hàng tạp hóa để kiếm thức ăn. Vài giờ sau, anh được phát hiện đã chết trên cánh đồng lúa gần thị trấn Gaur. Anh là một trong ít nhất 20 người thiệt mạng trong huyện vì trận lụt tháng 7.

"Những bờ kè đã giết chết thằng bé", Ranga Lal Raut, cha của anh, nói.

lu lut o Nepal anh 2
Đàn ông đánh cá ở suối do lũ sông Baghmati dọc biên giới Ấn Độ - Nepal. Ảnh: New York Times.

Trong cuộc phỏng vấn, Pradeep Kumar Gyawali, Bộ trưởng Ngoại giao Nepal, cho biết các quan chức từ Ấn Độ và Nepal đã công bố báo cáo chung vào tháng 8, kết luận rằng tình trạng ngập lụt, ảnh hưởng đến cả hai quốc gia, có liên quan đến bờ kè ở Ấn Độ và sự thiếu hụt các cống rãnh.

Các quan chức Ấn Độ nói rằng các bờ kè được bảo vệ theo các thỏa thuận trước đây giữa các quốc gia và chúng cũng mang lại lợi ích cho người dân Nepal.

Biến đổi khí hậu có khả năng làm cho lũ lụt trở nên tồi tệ hơn ở Nam Á, nơi có hơn 1/5 dân số thế giới.

Các khu vực dễ bị lũ lụt ở Bihar đã tăng khoảng ba lần kể từ những năm 1950. Các nhà khoa học dự đoán rằng ít nhất 1/3 dãy Himalaya, trải dài qua Nepal, sẽ tan chảy vào năm 2100. Ở Bangladesh, với vùng đầm lầy trũng thấp, nước biển dâng cao có thể đẩy hàng triệu người tị nạn khí hậu vào Ấn Độ.

Biện pháp không bền vững

Eugene Simonov, nhà bảo tồn người Nga của Tổ chức Các Dòng sông Không Biên giới, cho biết các bờ kè là không bền vững.

Ông nói Ấn Độ và Nepal phải đối mặt với tương lai khó khăn nếu họ không nghĩ ra các giải pháp thân thiện với môi trường.

"Bạn không thể tách mình khỏi thiên nhiên bằng một bức tường. Bạn có muốn khóa dân cư của mình theo cách kém thích nghi với lũ lụt, điều này sẽ thất bại vào một ngày nào đó, đồng thời gây nguy hiểm cho hàng xóm của bạn không?", ông Simonov nói.

Ấn Độ đã xây dựng khoảng 2.400 dặm bờ kè ở Bihar, bang biên giới với khoảng 100 triệu người, gấp bốn lần dân số Nepal. Các con đập cũng đã được xây dựng để khai thác hàng nghìn con sông ở Nepal giúp lấp đầy các vùng nước ở Ấn Độ như sông Hằng.

lu lut o Nepal anh 3
Một ngôi làng bị ngập lụt gần bờ kè ở Barwarha Punarwas, Ấn Độ. Ảnh: New York Times.

Năm 2016, các va chạm đã nổ ra khi Ấn Độ cố gắng xây dựng một con đê ở vùng đệm gần quận Saptari của Nepal. Ngoài chính sách ngoại giao phức tạp, các chuyên gia về nước còn đặt câu hỏi về sự an toàn của bờ kè.

Dinesh Kumar Mishra, một kỹ sư Ấn Độ, người làm việc về các vấn đề nước ở Bihar, cho biết khu vực đệm ngăn các dòng sông khỏi trầm tích lan rộng tự nhiên. Tích tụ đất gần các cấu trúc này có nghĩa là các kỹ sư phải thường xuyên nâng độ cao hoặc chấp nhận rủi ro.

"Việc nâng bờ kè của con sông có thể ngang tầm với vùng nông thôn, do đó nó gần như chảy trên mặt đất. Một dòng sông như vậy không bao giờ có thể ổn định", anh nói.

Ở Gaur, nơi có những cánh đồng lúa vàng óng ả và những ngôi nhà gạch khiêm tốn, nhiều người nói rằng họ rất tức giận về cách mọi thứ diễn ra khi trận lụt bắt đầu vào ngày 11/7.

Kiran Thapa, lãnh đạo quận Rautahat, cho biết ông liên tục gọi quan chức ở Ấn Độ mở các cửa cống để thoát một phần nước nhưng không được trả lời. Ông cho biết chỉ có hai cửa cống được mở sau đợt tồi tệ nhất của trận lụt.

Bhupendra Khatri, cảnh sát trưởng Rautahat, cho biết ít nhất 20 người chết trong quận, trong đó có hai người ở Gaur, gần một cửa khẩu hải quan.

Lũ lụt đã giết chết hàng chục người ở các khu vực khác của Bihar. Hôm 23/9, các quan chức Ấn Độ nói hàng chục người khác đã thiệt mạng trong những ngày gần đây ở bang Uttar Pradesh và Bihar.

Người dân ở Gaur cho biết họ đang phải đối mặt với những vấn đề khác nhau. Trong những tuần gần đây, hầu hết ngôi nhà đã được xây dựng lại, nhưng đợt hạn hán khiến nông dân gặp khó khăn trong việc trồng lại những cây trồng đã mất.

Ranga Lal Raut, 57 tuổi, có con trai là thợ xây đã bị chết đuối vào ngày 13/7, cho biết ông đang sống qua cơn ác mộng.

Trận lụt đã phá hủy trang trại của gia đình ông. Cô con gái 5 tuổi của con trai ông không còn cha. Ông lo sợ gió mùa trở lại vào năm tới sẽ mang đến nhiều nguy hiểm hơn.

"Khi không có bờ kè, nước chảy tự do mà không gây ra bất kỳ tổn hại hay phá hủy nào cho chúng tôi. Hãy loại bỏ chúng. Vì chúng tôi không được an toàn", ông nói.

Lũ lụt Ấn Độ, biểu tình chống cấm sex trước hôn nhân vào top ảnh tuần

Lũ lụt ở Ấn Độ, động đất ở Pakistan và hàng loạt cuộc biểu tình phản đối dự luật cấm quan hệ tình dục trước hôn nhân ở Indonesia là các sự kiện nổi bật trong tuần qua.

Ấn Độ bị hạn hán, trẻ em phải bắt tàu hỏa đi xách nước về cho gia đình

Hàng triệu người Ấn Độ không có nước sạch để dùng. Thay vì được chơi sau giờ học, nạn hạn hán đã khiến những đứa trẻ Ấn Độ phải đi 9 km mỗi ngày để lấy nước sử dụng.

Tuyết Mai

Theo New York Times

Bạn có thể quan tâm