Trước thông tin đầu năm 2017, người đi xe máy không sang tên đổi chủ sẽ bị xử phạt hành chính, một số ý kiến cho rằng việc áp dụng luật đi xe chính chủ sẽ giúp cơ quan chức năng rà soát được xe mất cắp trên địa bàn, có thể xử phạt nguội xe vi phạm giao thông... sau khi áp dụng.
'Nên áp dụng xử phạt sớm'
Đồng tình với việc áp dụng xử phạt đối với những người tham gia giao thông bằng phương tiện không chính chủ, thành viên Hương Thảo cho rằng việc xử phạt trên có tính khả thi cao. "Khi luật đi vào thực tế sẽ giúp cơ quan chức năng rà soát được những xe bị cướp, hoặc bị trộm cắp", cô nói.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng sang tên đồng nghĩa với việc nộp phí trước bạ và phụ phí khác sẽ giúp làm tăng nguồn thu ngân sách. Đối với trường hợp các xe vi phạm giao thông, xe chính chủ sẽ thuận tiện cho việc xử lý tai nạn và các vấn đề khác liên quan đến giao thông.
Minh chứng cho quan điểm trên, nick name Vũ Hòa Trang giải thích: "Nếu xe không sang tên gây tai nạn hay người mua lại dùng xe đi cướp giật bị quay lại biển số, chủ cũ của xe rất có thể sẽ bị công an mời tới trong quá trình điều tra. Điều này hẳn sẽ rất phiền phức với các cá nhân".
Thành viên Hải Đăng, Quang Anh cũng đồng tình việc xử phạt, bắt buộc đi xe chính chủ là phương án hay nhằm giảm ách tắc giao thông khá hiệu quả. Bên cạnh đó, giải pháp này cũng sẽ hướng người dân tới việc sử dụng các phương tiện công cộng thay vì di chuyển bằng xe máy.
Khó khăn cho người nghèo
Tuy nhiên, bên cạnh số ít bình luận thể hiện sự đồng tình, nhiều ý kiến nhận định việc xử phạt xe không chính chủ sẽ gây khó khăn cho người tham gia giao thông, đặc biệt là các đối tượng khó khăn, không đủ điều kiện.
"Nếu tôi chạy xe của chồng phải đem theo giấy kết hôn, đi xe của bố mẹ phải đem theo hộ khẩu thì thật rắc rối.... "Vậy cả nhóm đi chơi ròi mượn xe của người thân, bạn bè đi thì lấy gì để chứng minh?"... là những câu hỏi độc giả quan tâm xoay quanh vấn về xử phạt xe không chính chủ trong năm 2017.
Một nick name chia sẻ suy nghĩ của mình khi luật đi xe chính chủ được áp dụng trong đầu năm tới. |
Theo đó, đa số độc giả cho rằng việc xử phạt xe không đúng tên chủ là điều vô lý khi nhiều sinh viên sử dụng xe của bố mẹ mà không thể cầm mọi giấy tờ, thủ tục hộ khẩu theo...
Không ít độc giả lo ngại trước thủ tục sang tên xe đối với trường hợp xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người, chủ xe đã qua đời, xe mua trong tiệm cầm đồ...
Thành viên Đặng Quang Huy nhấn mạnh xe máy là phương tiện mưu sinh của người lao động. Vì điều kiện hạn chế, không ít người phải sử dụng xe mua lại qua vài đời chủ nên việc yêu cầu đúng tên sẽ gây nhiều khó khăn.
Đang sở hữu một chiếc xe máy không chính chủ, bạn đọc Nguyễn Viết Thành lo ngại trước việc chuyển quyền sở hữu xe bởi người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe đã qua đời từ nhiều năm trước.
"Gia đình kinh tế khó khăn, chiếc xe là 'cần câu cơm' duy nhất của cả nhà. Giờ chủ xe đã mất không thể sang tên, khi đó tôi phải bỏ xe sao?", anh viết.
Độc giả cho rằng việc xử phạt xe không chính chủ sẽ gây khó khăn cho những gia đình không có điều kiện. |
"Việc đi xe chính chủ sẽ nảy sinh ra rất nhiều vấn đề tiêu cực trong xã hội, đặc biệt là lạm phát", đó là ý kiến của bạn đọc Khánh Hiền, khi luật chính thức đi vào hoạt động.
Anh cho biết những gia đình nghèo phải vay vốn mua xe đi làm. Đối với xe qua nhiều đời chủ sẽ có tiêu cực về "chạy" hồ sơ sang tên, khi đó, nạn hối lộ, mãi lộ, tiêu cực phát sinh nhiều. Ngoài ra, nạn kẹt xe càng nghiêm trọng hơn bởi số lượng xe môtô tham gia giao thông tăng theo cấp số nhân vì đi xe chính chủ.
Điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt:
Từ 1/1/2017, cơ quan chức năng sẽ phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000-400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự môtô không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định.