“Tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và khu vực vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Do đó cần xác định và sẵn sàng tư tưởng chung sống, thích ứng với tình hình mới của dịch bệnh”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong hội nghị trực tuyến với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19 hồi cuối tháng 8.
Sau hơn 4 tháng kể từ làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát (27/4 đến nay), cả nước đã ghi nhận hơn 650.000 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.
Trao đổi với Zing, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, cho rằng để sẵn sàng cho viễn cảnh đó, Việt Nam cần chú trọng đến những yếu tố cốt lõi gồm: vaccine, năng lực kiềm chế hậu quả của dịch và ý thức tự phòng bệnh của người dân.
Vaccine là chiến lược phòng bệnh lớn nhất
Theo PGS Hùng, đặt mục tiêu sống chung với dịch đồng nghĩa chúng ta phải chấp nhận SARS-CoV-2 sẽ luôn tồn tại bên cạnh nhưng không gây ra tác hại quá lớn. Cụ thể, tác hại do Covid-19 gây ra là quá tải hệ thống y tế, ảnh hưởng đến việc khám, chữa bệnh cho người dân và khiến tỷ lệ tử vong tăng cao.
“Sống chung nghĩa là dịch có thể bùng phát ở một số khu vực vào những thời điểm nhất định. Tuy nhiên, thời điểm chúng ta có thể sống chung an toàn là khi dịch bùng phát nhưng không làm gia tăng quá mức số lượng bệnh nhân nặng phải nhập viện điều trị hay tỷ lệ tử vong cao”, vị chuyên gia này giải thích.
Một cụ bà được nhân viên y tế khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine Covid-19 tại Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: Việt Linh. |
Theo ông, chìa khóa để đạt được yếu tố này chính là vaccine. Thời gian qua, Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh, thành phố đã đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng và bao phủ mũi một vaccine phòng bệnh Covid-19 cho người dân. Tuy nhiên, độ phủ vaccine tại nhiều địa phương khác vẫn chưa cao, thậm chí ở mức thấp. Ngoài ra, chúng ta vẫn cần bổ sung mũi 2 cho người dân để phát huy tối đa tác dụng của vaccine.
“Thực tế là hiện nay, số lượng vaccine tại Việt Nam còn hạn chế. Trong điều kiện đó, chúng ta không nên tổ chức tiêm dàn trải. Thay vào đó, chính sách về vaccine cần được điều chỉnh theo kinh nghiệm từ thế giới. Ưu tiên số một là nhân viên y tế, sau đó là người già, người có bệnh lý nền, người béo phì...”, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội nói.
Nguyên nhân là hầu hết trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 hiện nay diễn biến nhẹ, thậm chí không có triệu chứng. Số bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng, phải nhập viện cấp cứu thường tập trung ở người cao tuổi, người có bệnh lý nền, béo phì...
“Nếu không ưu tiên và vận động được những đối tượng này tiêm đủ liều vaccine, trong trường hợp bùng phát dịch, nguy cơ họ phải nhập viện, gây quá tải hệ thống y tế, tử vong là rất lớn, từ đó, các vấn đề xã hội cũng sẽ bị ảnh hưởng”, ông Hùng khẳng định.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cho rằng Việt Nam cũng cần đẩy nhanh việc sản xuất, nghiên cứu, cấp phép cho các loại vaccine trong nước, sớm đưa vào sử dụng. Khi đó, chúng ta mới có thể chủ động tạo miễn dịch cho toàn dân.
Vai trò của y tế cơ sở
Theo PGS Nguyễn Việt Hùng, với khoảng 80% người mắc Covid-19 chỉ diễn biến nhẹ hoặc không có triệu chứng, họ hoàn toàn có thể tự cách ly, điều trị tại nhà hoặc được hỗ trợ bởi hệ thống y tế cơ sở.
Ông nói: “Chúng ta cần mở cơ hội cho người dân tự cách ly, điều trị. Trong khi đó, y tế tuyến cơ sở, thôn, bản, phường, xã cũng cần tham gia điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Từ việc chăm sóc tốt các ca bệnh ban đầu, hệ thống y tế mới tránh được tình trạng quá tải, qua đó hạn chế tỷ lệ diễn biến nặng và tử vong”.
Bác sĩ đang chuẩn bị máy móc giúp một F0 suy hô hấp tại khu cách ly huyện Bình Chánh (TP.HCM). Ảnh: Duy Hiệu. |
Cụ thể, những trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 nhưng không có triệu chứng hoặc biểu hiện nhẹ nên được cung cấp kiến thức điều trị cơ bản và tự theo dõi tại nhà. Người thân, gia đình có thể chăm sóc lẫn nhau. Bản thân người nhiễm virus phải nhận thức được nguy cơ lây nhiễm và đảm bảo tự cách ly tại nhà.
PGS Hùng cho rằng ngành y tế Việt Nam thời gian tới cần nâng cao vai trò của y tế cơ sở, để các đơn vị này tham gia nhiều hơn vào công tác điều trị khi đây sẽ là nền tảng quan trọng.
“Thời gian qua, tại một số địa phương bùng phát dịch, tuyến y tế cơ sở chủ yếu tập trung truy vết, khoanh vùng mà gần như bị tê liệt trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu như hướng dẫn, giám sát cách ly, hỗ trợ F0 nhẹ hoặc không triệu chứng. Ở phía ngược lại, toàn bộ người mắc Covid-19 sẽ được đưa vào bệnh viện để điều trị. Việc làm này khiến các bệnh viện, cơ sở y tế tiếp nhận ban đầu nhanh chóng rơi vào tình trạng quá tải”, vị chuyên gia này giải thích.
Ông cho rằng ngành y tế cần có sự chuẩn bị cho y tế cơ sở và các dịch vụ liên quan khác như tư vấn điều trị từ xa, vận chuyển bệnh nhân diễn biến nặng trong trường hợp cần thiết.
Mặt khác, việc đưa toàn bộ F0, F1 vào khu vực cách ly như hiện nay cũng không còn phù hợp trong điều kiện Việt Nam hướng đến sống chung với dịch.
Ông Hùng nói: “Nếu sống chung với dịch, các ca bệnh vẫn có thể tăng lên. Trong khi đó, việc cách ly, điều trị tập trung lại yêu cầu phải có cả một hệ thống gồm cơ sở vật chất và nhân lực y tế nhưng không giải quyết được yếu tố cơ bản là tự cách ly với người có nguy cơ nhiễm và tự điều trị với trường hợp nhẹ, không có biểu hiện. Ngoài ra, thực tế cũng cho thấy nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly là không nhỏ”.
Như vậy, ngành y tế cần triển khai cách ly, điều trị tại nhà đối với những người đủ điều kiện ngay thay vì chờ tới khi dịch bùng phát hay quá tải hệ thống y tế.
Nhận thức từ người dân và sự giám sát của chính quyền
“Sống chung với Covid-19 là chúng ta chấp nhận hoạt động bình thường với SARS-CoV-2 bên cạnh. Lúc này, chúng ta phải biết cách phòng ngừa chúng dựa trên thông điệp 5K. Bản thân người dân phải nắm được, hiểu ý nghĩa của những nguyên tắc này, từ đó tuân thủ đúng”, PGS Hùng nhận định.
Nhân viên y tế tới từng nhà người dân ở quận Bình Thạnh hướng dẫn sử dụng test nhanh. Ảnh: Duy Hiệu. |
Để có được điều này, ngành y tế cần tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu, từ đó nâng cao nhận thức chung. Bên cạnh đó, chính quyền cũng phải tăng cường giám sát, có hình thức xử phạt phù hợp với trường hợp không tuân thủ.
Vị chuyên gia giải thích: “Thay vì hạn chế việc đi lại, gây khó khăn trong kiểm soát cũng như ảnh hưởng tới hoạt động phát triển kinh tế, chúng ta có thể cho phép người dân di chuyển nhưng buộc phải đảm bảo nguyên tắc phòng bệnh, tuân thủ 5K, xử phạt nghiêm trường hợp cố vi phạm. Tương tự đối với cơ quan, tổ chức nhà máy, xí nghiệp..., đều phải triển khai phương án phòng, chống dịch nhằm đảm bảo sản xuất, làm việc an toàn".