Theo Bloomberg, các ngân hàng Phố Wall cảnh báo nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào đợt suy thoái sâu nhất kể từ thập niên 1930 khi chính quyền các nước áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt để chống dịch Covid-19 có nguồn gốc từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc).
Cuộc suy thoái có thể không kéo dài, nhưng các nền kinh tế vẫn mất một thời gian dài để phục hồi. Giới chuyên gia tài chính dự báo kể cả với hàng loạt gói kích thích khổng lồ, GDP toàn cầu sẽ chỉ quay trở lại mức trước khủng hoảng vào năm 2022.
JPMorgan Chase & Co. đánh giá dịch Covid-19 khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại ít nhất 5.500 tỷ USD trong vòng 2 năm tới. Citigroup dự báo con số thiệt hại vào khoảng 5.000 tỷ USD.
JPMorgan dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ thiệt hại ít nhất 5.500 tỷ USD. Ảnh: Bloomberg |
Theo Morgan Stanley, phải đến ít nhất quý III/2021, GDP của các thị trường phát triển mới trở về mức trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Deutsche Bank AG cho rằng dịch Covid-19 sẽ để lại những vết sẹo kinh tế và Mỹ cùng Liên minh châu Âu (EU) mất 1.000 tỷ USD tính đến cuối năm 2021.
Hôm 7/4, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhận định đại dịch có thể khiến dòng chảy thương mại quốc tế gián đoạn ở mức nghiêm trọng nhất trong thời kỳ hậu Thế chiến II.
“Nền kinh tế toàn cầu đang thu hẹp hơn những ngày đầu của cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009”, chuyên gia Dan Hanson của Bloomberg nhận định. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính hơn 1 tỷ người trên thế giới có nguy cơ mất việc làm hoặc bị cắt giảm lương.
Giới chuyên gia nhấn mạnh các chính phủ cần phối hợp để chống dịch. Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) sự thiếu phối hợp sẽ dẫn đến "làn sóng virus thứ hai". Kịch bản tồi tệ nhất là đến cuối năm nay, GDP Mỹ giảm 12% so với những ngày trước dịch.
“Nếu các nước không phối hợp chống dịch, nhiều thị trường mới nổi sẽ mất rất nhiều thời gian để phục hồi”, chuyên gia Amlan Roy thuộc State Street Global Advisors bình luận.
“Nếu các thị trường mới nổi không vượt qua dịch bệnh vào tháng 6, cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ kéo dài trong vài năm, giống như khủng hoảng kinh tế Mỹ Latin”, ông nói thêm.
Nhà kinh tế trưởng Holger Schmieding thuộc Berenberg cho rằng các chính phủ có thể phải duy trì lệnh hạn chế di chuyển đến cuối năm 2020 hoặc đầu 2021 để ngăn dịch tái diễn.