Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nên cúng ông Công, ông Táo vào thời gian nào trong ngày?

TS Lý Tùng Hiếu, giảng viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết nên làm lễ đưa tiễn ông Công, ông Táo về trời vào giờ Chính Ngọ (khoảng 12 giờ trưa).

Cúng ông Công, ông Táo là phong tục lâu đời ở Việt Nam. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nguồn gốc của phong tục này là thờ thần lửa, sau đó chuyển hóa thành thờ thần bếp.

"Trong thiên nhiên có thần lửa và thần sét là những vị thần tạo ra lửa, vừa là thiện thần, vừa là hung thần. Dân gian sợ thần lửa và thần sét nhưng tin tưởng vị thần lửa gần gũi, ấm áp và ít gây tai họa cho con người hơn đó là thần bếp", TS Lý Tùng Hiếu, giảng viên khoa Văn hóa học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), nói.

Gio nen cung ong Cong,  ong Tao anh 1

Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo. Ảnh: Việt Linh.

Ông Hiếu cho biết trong tâm thức của các tộc người Việt Nam bếp lửa đóng vai trò quan trọng. Xưa kia, do việc tạo lửa khó khăn, nên việc “giữ lửa” rất quan trọng để duy trì sinh hoạt gia đình, bếp lửa được giữ quanh năm. Con người cũng tạo ra nhiều vật liệu để giữ nếu không sẽ phải làm phiền hàng xóm khi “tối lửa tắt đèn”. Từ đó tầm quan trọng của các vị thần liên quan đến lửa nói chung và bếp núc nói riêng được phóng đại.

Hàng năm, ngày đưa tiễn ông Công, ông Táo trở về trời là vào 23 tháng chạp âm lịch. TS Lý Tùng Hiếu nhận định thời gian nên thực hiện nghi lễ cúng ông Công, ông Táo là vào giờ Chính Ngọ (khoảng 12 giờ trưa) và không làm sớm hơn, cũng không làm trễ hơn.

Chia sẻ với Zing, TS Lý Tùng Hiếu thông tin phong tục cúng ông Công, ông Táo là được định dạng bởi một số tôn giáo, chủ yếu là Đạo giáo. Trong mỗi tôn giáo, lễ vật và nghi thức cúng tế có sự khác nhau.

Cụ thể, đối với Vật linh giáo, Táo quân thần lửa, thần sét hoặc thần bếp là một những vị nhiên thần, không thần phục một đấng tối cao nào. Lễ vật để cúng tế thông thường là cả món chay và món mặn, không có nghi thức tiễn ông Công, ông Táo về trời.

Ngược lại, trong Đạo giáo, Thiên Đình được ngự trị bởi các đấng thần tiên và một đấng tối cao. Ông Táo bị tam phân thành ba vị Thổ Địa, Thổ Công, Thổ Kỳ và được giải thích bằng sự tích hai ông, một bà. Vào dịp cuối năm, các vị thần này sẽ dựa trên những ghi chép trong một năm để bẩm báo với Ngọc Hoàng. Ở nghi thức cúng ông Công, ông Táo của Đạo giáo, các lễ vật được chuẩn bị gồm món chay, món mặn, mũ áo hia (vàng mã) và cá chép.

Gio nen cung ong Cong,  ong Tao anh 2

Cá chép đỏ là lễ vật thường có trong ngày cúng ông Công, ông Táo. Ảnh: Việt Linh.

Theo TS Lý Tùng Hiếu, nếu gia chủ không cúng cá chép sống thì có thể dùng vàng mã để làm cá chép tiễn ông Công, ông Táo về trời. Tuy nhiên, việc thay thế các lễ vật này chỉ làm lễ bộ thêm đa dạng, phong phú.

Sau khi tiễn ông Công, ông Táo, vào ngày 28, 29 hoặc 30 tháng chạp âm lịch (tùy thuộc vào tháng đủ hay tháng thiếu), gia chủ sẽ thực hiện nghi thức đón ông Công, ông Táo trở về. TS Lý Tùng Hiếu cho biết thời gian đón ông Công, ông Táo phải được diễn ra trước nghi lễ cúng tất niên.

"Táo quân cùng Thổ địa là các vị gia thần chứng giám và bảo trợ cho sự bình an và hạnh phúc của cả gia đình. Trong tâm thức của các tộc người Việt Nam, gia đình bao gồm cả người còn sống và người đã khuất. Vào những ngày giỗ, Tết các thế hệ trong gia đình (theo nghĩa lớn), được thỉnh mời về phải đi qua phòng sàng lọc, điểm danh của các vị thần này nên chúng ta phải làm lễ đón các vị này trước khi đón tất niên", TS Lý Tùng Hiếu nói.

Theo TS Lý Tùng Hiếu, ngày nay, Đạo giáo căn bản không còn tồn tại ở Việt Nam, nhưng một số phong tục của nó như tục cúng Táo Quân vẫn được duy trì. Đó là vì phong tục này tạo ra một chỗ dựa cho niềm hy vọng về sự sung túc, bình an. Tất nhiên, nếu như có thể đặt niềm hy vọng ấy vào những chỗ dựa khác thì người ta không nhất thiết phải tin và cúng Táo Quân.

Trường ở Trung Quốc thưởng cá chép cho học sinh đạt điểm cao

420 học sinh đạt điểm cao trong bài thi cuối kỳ tại một trường tiểu học ở Trung Quốc được tặng cá chép - tượng trưng cho sự giàu có và ngụ ý cần vươn lên để phát triển.

Nguyễn Hằng

Bạn có thể quan tâm