Sáng 13/4, phát biểu tại cuộc họp với Thủ tướng để chuẩn bị cho hội nghị Chính phủ với doanh nghiệp sắp tới, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc tiếp tục đưa ra một số kiến nghị mới về việc phục hồi kinh tế và giãn cách xã hội.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, 15/4 tới có thể là thời điểm thích hợp để Chính phủ nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội để chuyển sang trạng thái giãn cách xã hội, theo quy định của ngành y tế.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc. Ảnh: Hoàng Hà. |
Giãn cách xã hội trong lĩnh vực kinh tế, theo ông Lộc là cần thực hiện kinh doanh an toàn, tuân thủ các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh. Nghĩa là “sống chung với Covid” là phương thức kinh doanh trong thời đại dịch.
Vị này nói nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất khác nhau giữa các ngành, các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp, nên cần có những điều kiện và kịch bản ứng xử khác nhau. Giải pháp là cần xây dựng bộ chỉ số rủi ro lây nhiễm để có thể phân loại và áp dụng các kịch bản ứng xử.
Ví dụ với ngành có nguy cơ lây nhiễm cao (ví dụ trên 80%) thì kiên quyết ngừng hoạt động. Nguy cơ lây nhiễm thấp hơn thì tùy từng cấp độ mà được tiếp tục sản xuất kinh doanh nhưng phải áp dụng những biện pháp phòng ngừa và kiểm soát rủi ro phù hợp theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
“Đề nghị Bộ y tế chuẩn bị các phương án này để hướng dẫn các địa phương và doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện để thực hiện”, ông Lộc đề xuất.
Việc giãn cách xã hội có thể giúp khôi phục dần phần lớn các hoạt động sản xuất kinh doanh, tránh những hoạt động tụ tập đông người chưa thật sự cần thiết vào lúc này hoặc có thể thông qua các hình thức khác như trực tuyến. Tiếp tục hạn chế nhập cảnh, đóng đường mòn, lời mở...
Về việc hỗ trợ doanh nghiệp, ông Lộc nhấn mạnh Việt Nam đang trong “thời gian vàng” để kiểm soát dịch bệnh và cũng đang trong thời gian vàng để hỗ trợ doanh nghiệp trụ vững, vượt khỏi khó khăn.
Ông dẫn nghiên cứu của VCCI 50% doanh nghiệp sẽ không thể trụ lại được trong thời gian 5-6 tháng tới và 80% doanh nghiệp khó trụ vững sau 12 tháng nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Do đó nhấn mạnh 5-6 tháng tới chắc chắn sẽ là khoảng thời gian vàng để tiếp sức và giải cứu cho doanh nghiệp.
Theo Chủ tịch VCCI, Chính phủ có thể tiếp sức bằng nguồn lực và thể chế. Trong khi nguồn lực là hữu hạn thì thể chế là vô hạn. Cộng đồng doanh nghiệp mong rằng cải cách thể chế sẽ được đẩy mạnh trong những tháng tới đây để yểm trợ và làm bệ đỡ cho doanh nghiệp vượt qua đại dịch và chuẩn bị tâm thế cho giai đoạn phục hồi, phát triển sau này.
Vị này nhấn mạnh thế giới sẽ khác đi, các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được định hình lại. Do đó, cần chuẩn bị tâm thế và nền tảng cho việc vượt vượt qua thách thức và tận dụng cơ hội phục hồi kinh tế sau khủng hoảng là việc cần làm ngay trong những tháng sắp tới đây.