PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính - Đại học Kinh tế TP.HCM trao đổi với Zing về vấn đề nên hay không miễn, giảm thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) cho người lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thời điểm này.
Xác định đúng ngưỡng thu nhập chịu thuế
- Gần đây có đề xuất cho rằng ngoài việc nâng mức giảm trừ (bản thân, gia cảnh), Bộ Tài chính cần xem xét miễn, giảm thuế TNCN cho người lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo ông việc miễn, giảm thuế TNCN lúc này có cần thiết?
- Trước hết, tôi xin khẳng định nếu một chính sách thuế TNCN được thiết kế đủ tốt, nghĩa là có sự hợp tình, hợp lý và đặc biệt là ngưỡng thu nhập chịu thuế được xác định chính xác, đúng bản chất của sắc thuế này thì việc miễn giảm thuế trong tình hình hiện nay là không cần thiết.
Bởi vì khi nền kinh tế đang gặp khó khăn, thu nhập của cá nhân và doanh nghiệp đều đang giảm xuống, ai vẫn còn thu nhập nằm ở ngưỡng chịu thuế rõ ràng người đó chưa bị tác động tiêu cực. Vì vậy, việc đóng thuế thu nhập để chia sẻ khó khăn với ngân sách là hoàn toàn hợp lý.
Nhưng cần nhấn mạnh, quan điểm này chỉ đúng khi chúng ta đã có một sắc thuế TNCN đủ tốt.
Vì chính sách thuế TNCN phải thực thi đúng công năng là điều tiết thu nhập để thu hẹp chênh lệch giàu nghèo trong xã hội, cân bằng cuộc sống và đóng góp cho NSNN thực hiện các nghĩa vụ công.
Như vậy, mấu chốt nằm ở chỗ xác định đúng ngưỡng thu nhập chịu thuế. Nếu chúng ta xác định được ngưỡng này hợp lý thì trong điều kiện dịch Covid-19, mọi người bị ảnh hưởng tiêu cực mà người nào vẫn có thu nhập cao hơn ngưỡng chịu thuế thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế gặp khó khăn, việc người dân trông chờ vào Chính phủ với những chính sách hỗ trợ, giải cứu là điều hoàn toàn dễ hiểu và hợp lý.
PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính - Đại học Kinh tế TP.HCM. |
- Ông nói điều này không cần thiết nếu có một chính sách thuế TNCN đủ tốt, vậy với mức thuế TNCN và tình hình hiện tại của Việt Nam thì sao?
- Với Việt Nam, chính sách thuế TNCN hiện tại đang bị cho là lạc hậu, và dự thảo sửa đổi của Bộ Tài chính đưa ra gần đây vẫn lạc hậu. Mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng hiện tại đã quá cũ và mức đề xuất lên 11 triệu cũng chưa phù hợp.
Nguyên nhân do ngưỡng thu nhập chịu thuế này không phản ánh đúng sự phát triển, nâng cao trong chất lượng cuộc sống của người dân.
"Việc miễn giảm thuế TNCN lúc này là không cần thiết nếu chúng ta có một chính sách thuế TNCN được thiết kế đủ tốt, hợp tình, hợp lý và ngưỡng thu nhập chịu thuế được xác định chính xác".
Bộ Tài chính tính ngưỡng chịu thuế bằng cách lấy 9 triệu đồng nhân với tăng trưởng CPI kể từ tháng 7/2013 đến này là 23% để ra con số 11 triệu.
Cách tính này quá đơn giản. Một chính sách tác động lên sinh kế của hơn 90 triệu người không nên được hoạch định một cách cơ học như vậy. Dưới góc độ chuyên môn, cách tính này là lấy giá trị của một hàng hoá điều chỉnh theo CPI để quy về trạng thái ngang giá của tài sản cơ sở ở quá khứ và hiện tại.
Với cách tiếp cận này, lẽ nào sau gần 10 năm, chất lượng cuộc sống của người dân vẫn dậm chân tại chỗ.
- Nếu như không dùng chỉ số CPI để điều chỉnh mức giảm trừ cũng như xác định ngưỡng chịu thuế, theo ông nên dùng chỉ tiêu nào để phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam?
- Để xác định đúng ngưỡng thu nhập chịu thuế, con số dùng để điều chỉnh giảm trừ hàng năm nên dựa trên tốc độ tăng trưởng GDP hoặc thu nhập bình quân đầu người. Đây là thước đo tăng trưởng phổ biến, rộng rãi nhất, nên tính minh bạch khá cao.
Nếu căn cứ theo chỉ tiêu này, mức giảm trừ cũng sẽ phản ánh đúng hơn hơi thở của cuộc sống.
Giả sử, ngưỡng thu nhập chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh đang được điều chỉnh theo GDP bình quân đầu người, khi nền kinh tế tăng trưởng ai cũng có thu nhập tốt hơn, thu nhập tăng lên thì ngưỡng chịu thuế cũng tăng nên để phản ánh đúng nhịp điệu cuộc sống.
Ngược lại, khi kinh tế khó khăn, tăng trưởng chậm hoặc thậm chí là âm thì ngưỡng chịu thuế cũng giảm tự động phản ánh chất lượng cuộc sống trong hoàn cảnh này khó khăn hơn và yêu cầu chia sẻ khó khăn đó của nhóm người vẫn còn thu nhập sẽ cao hơn.
Như trường hợp dự thảo tính theo CPI đến đầu năm nay, nhưng trong quý I do nhiều nguồn tác động CPI đã tăng rất mạnh. Không lẽ lại phải tăng thu nhập chịu thuế để đuổi theo CPI. Nó càng khiến cho dự thảo luật thuế chưa được thông qua nhưng đã lạc hậu thêm một lần nữa.
- Theo ông, phương án nào là phù hợp với thực tế xã hội ở Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay?
- Có 2 sự lựa chọn, một là Bộ Tài chính tính toán phương án miễn giảm thuế TNCN như một số đề xuất, hai là chỉnh sửa lại ngưỡng thu nhập chịu thuế cao hơn hiện nay để xác định đúng đối tượng chịu thuế.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát, đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp, người không có tích lũy. Nếu tuyên bố miễn giảm thuế TNCN lúc này sẽ dễ tạo tâm lý cho nhóm người này là tại sao những người khó khăn mới cần được ưu tiên hỗ trợ mà lại đi hỗ trợ những người vẫn có thu nhập cao, vẫn sống ổn giữa dịch bệnh. Điều này khác nào khoét sâu thêm sự khó khăn đó.
Do đó, nên thực hiện giải pháp thứ 2 đó là điều chỉnh lại ngưỡng thu nhập chịu thuế để xác định đúng đối tượng và ai đã trên mức này thì phải nộp, nhất là trong tình hình khó khăn hiện nay càng phải chia sẻ gánh nặng với ngân sách Nhà nước.
"Dịch bệnh sẽ khiến người dân giảm chi tiêu, tăng tiết kiệm"
- Một trong những quan điểm đưa ra cho đề xuất miễn, giảm thuế TNCN là để kích cầu trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Theo ông, biện pháp này có thực sự tác động tới việc tăng chi tiêu của người dân?
- Cá nhân tôi không đồng tình với quan điểm này. Nếu nhìn vào trường hợp của Trung Quốc, các nhà kinh tế nước này cũng kỳ vọng rằng khi dịch bệnh qua đi, người dân sẽ chi tiêu nhiều hơn để bù đắp cho các nhu cầu trước đó không thực hiện được trong thời gian chịu lệnh phong toả, phần chi tiêu tăng thêm này sẽ giúp nền kinh tế phục hồi.
Tuy nhiên, thực tế xảy ra tại Trung Quốc lúc này hoàn toàn ngược lại.
Một trung tâm thương mại ở thành phố Bắc Kinh với khung cảnh đìu hiu. Bất chấp việc nhiều nhà máy và công ty đã hoạt động trở lại, người dân Trung Quốc vẫn hạn chế chi tiêu. Ảnh: AP. |
Người dân nước này thấy một viễn cảnh kinh tế rất u ám, thậm chí báo cáo gần đây của IMF còn cho rằng 2020 và nhiều năm tới kinh tế thế giới sẽ chìm trong một cuộc suy thoái trầm trọng nhất kể từ 1930.
Ai cũng biết cuộc sống sẽ khó khăn hơn. Thứ nhất, thu nhập sẽ không được như trước; thứ hai, Chính phủ đã, đang và sẽ tung ra các gói nới lỏng tiền tệ, chính sách tài khóa, tăng chi tiêu công… mà hệ lụy trong dài hạn là kỳ vọng lạm phát cao.
Tất cả những lo ngại đó dễ khiến người dân tăng cường tiết kiệm bằng các tài sản phòng ngừa rủi ro và hạn chế chi tiêu.
Theo tôi, lúc này không phải thời điểm nói tới kích cầu, kích thích kinh tế mà nên tiếp cận theo hướng giải cứu nhiều hơn. Ưu tiên hiện nay là cứu sống doanh nghiệp, giải cứu người dân, đặc biệt là những người yếu thế trong xã hội.
Vì vậy, trong hoàn cảnh nguồn ngân sách ngày càng hạn hẹp, việc tiết kiệm ngân sách, chi ngân sách nên hướng đến nhóm đối tượng khó khăn này.
- Trước tình hình dịch bệnh khó tránh khỏi việc ảnh hưởng tới nguồn thu NSNN, liệu Bộ Tài chính có chấp thuận các đề xuất này, dẫn tới tiếp tục giảm thu từ thuế TNCN?
- Chúng ta hoàn toàn chia sẻ gánh nặng với NSNN, với trách nhiệm nặng nề của Bộ Tài chính hiện nay. Nguồn thu năm nay chắc chắn sẽ eo hẹp do nền kinh tế sa sút, doanh nghiệp làm ăn khó khăn, nghĩa vụ nộp ngân sách của họ sẽ giảm xuống.
Ngược lại, nhu cầu chi phải nhiều hơn, đó là chi cho các gói hỗ trợ, chi cho gói giải cứu, chi đầu tư công kể tăng trưởng kinh tế… Vì vậy, việc đưa ra các chính sách giải cứu kinh tế lúc này cần hết sức tỉnh táo và chính xác.
"Covid-19 là cú sốc để nền kinh tế phải nhìn lại mô hình, tái cấu trúc để thích nghi và phát triển mạnh hơn, trong đó có cả bộ máy hành chính công".
Trong điều kiện này, nên cân nhắc một số biện pháp như giảm chi. Chính phủ cũng đã đưa ra các quy định giảm tối đa 50% các hội thảo hội nghị, cắt giảm tất cả chuyến công tác trong nước và nước ngoài không cần thiết…
Theo tôi, cần mạnh tay hơn nữa trong việc giảm các khoản chi không cần thiết như địa phương xin ngân sách xây công viên, tượng đài, tổ chức các chương trình kỷ niệm… Những khoản chi này chưa thực sự cần thiết và trong tình hình dịch bệnh hiện nay không nên nói tới những cái đó.
Trong dài hạn, nên tiếp tục tối ưu hoá nguồn lực và nâng cao hiệu quả của bộ máy hành chính công. Đây có thể coi là cơ hội tốt để thực hiện quá trình này.
- Vậy ông có đề xuất nào về chính sách tài khóa trong tình hình dịch bệnh hiện nay cũng như chính sách tài khóa hậu dịch bệnh để nền kinh tế sớm ổn định trở lại?
- Tôi vẫn giữ quan điểm mà nhiều học giả hướng đến là tiết kiệm tối đa chi ngân sách và giành những khoản chi bất thường để hỗ trợ cho y tế chống dịch và sắp tới là chung sống với dịch, hỗ trợ những người yếu thế trong xã hội, để giữ sự ổn định xã hội, đảm bảo an toàn hệ thống.
Chính sách tài khóa sau dịch nên học theo các bậc tiền nhân là "khoan thư sức dân và bồi dưỡng nguồn thu". Nên thu ngân sách ở một mức độ làm sao doanh nghiệp, người dân cảm thấy nhẹ nhàng, dễ thở để họ còn chí thú làm ăn, kiếm tiền, khi đó kinh tế mới bật dậy mạnh mẽ như lò xo lâu ngày bị nén được.