Việc giáo viên một trường quốc tế giới thiệu tác phẩm Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian cho học sinh lớp 11 gây nhiều tranh cãi thời gian qua. Ảnh: N.N. |
Chia sẻ với Tri thức - Znews, các chuyên gia về giáo dục bày tỏ trăn trở về việc giới thiệu tác phẩm văn học đến học sinh phổ thông, đặc biệt là các tác phẩm có yếu tố được cho là nhạy cảm như tình dục, tính dục.
Đối thoại về tình dục, tính dục là cần thiết với học sinh phổ thông
Hiện là Trưởng bộ môn Cơ sở Công tác xã hội, Khoa Công tác xã hội tại Đại học Sư phạm Hà Nội, TS Nguyễn Lê Hoài Anh có nhiều cơ hội làm việc với học sinh đa dạng lứa tuổi từ tiểu học đến trung học cơ sở, trung học phổ thông. Cô nhận định hiện nay nhiều em nhỏ tiếp xúc từ sớm với các nội dung về tính dục, tình dục trên Internet, mạng xã hội mà đôi khi phụ huynh, giáo viên không nắm bắt được hết.
TS Nguyễn Lê Hoài Anh. Ảnh: NVCC. |
Đồng tình với nhận định này, ThS tâm lý Nguyễn Hải Uyên - thành viên Hội tâm lý trị liệu Việt Nam, giảng viên môn Tâm lý Sư phạm Đại học Tôn Đức Thắng cho biết một số em vì tò mò giới tính của độ tuổi mà chủ tâm tìm kiếm trên Internet, hoặc vô tình tiếp xúc do chọn xem phim, đọc sách mà không biết trong đó có yếu tố tình dục. Cô Hoài Anh chia sẻ có cả trường hợp người thân xem mà không đóng tab trên thiết bị điện tử, trẻ lại vô tình tiếp xúc với nội dung này.
TS kể rằng trong các buổi giáo dục giới tính, nhiều bạn đặt câu hỏi về những tình huống rất cụ thể, thậm chí dùng nhiều từ chuyên môn khiến các chuyên gia, diễn giả phải ngạc nhiên. Thái độ tiếp cận của các bạn với những nội dung này cũng khác nhau, mà theo cô là do mỗi học sinh có nền tảng giáo dục và "lớp bảo vệ" khác nhau.
Với trường hợp được phụ huynh, thầy cô trao đổi cởi mở, cung cấp kiến thức từ sớm thì các bạn thường rất tự tin, thể hiện thái độ tích cực và hoàn toàn có khả năng tư duy độc lập, phản biện. Trái lại, khi chưa được trang bị thì có những bạn thể hiện sự ngượng ngùng, ái ngại, rụt rè thậm chí là hoang mang, sợ hãi.
Về kinh nghiệm của mình, ThS Hải Uyên chia sẻ đa số các em đều không phản ứng gay gắt hay có thái độ né tránh, mà ghi nhận đó là điều có thể hiểu được. Cô cũng nhận xét thêm rằng khi có tò mò về giới tính, các em thường chọn tự tìm hiểu hoặc trao đổi với bạn bè vì "dường như yếu tố văn hóa của thế hệ trước có đóng góp trong cách chúng ta phản ứng với yếu tố tình dục, và trẻ vì nhìn thấy những phản ứng này mà hạn chế trực tiếp đặt câu hỏi chính đáng cho người chăm sóc, người hướng dẫn về vấn đề giới tính, tình dục".
ThS cho rằng việc tiếp xúc với các ấn phẩm này khơi gợi những tò mò về giới tính, cho các em biết tình dục là nhu cầu cần thiết và mang trong đó những cảm xúc của con người, trở thành chất liệu để hình thành thế giới quan về bản thân, người khác. Tuy nhiên, những ý nghĩa này nếu không cẩn trọng có thể mang theo nhiều nguy hại vì tiềm ẩn rủi ro tạo ra cho trẻ những hiểu biết, góc nhìn lệch lạc về tình dục.
Sự tò mò kết hợp với thông tin sai lệch có thể tạo thành ám ảnh các ý nghĩ về tình dục khiến trẻ không tập trung được vào các hoạt động khác, có hành vi không phù hợp đối với người khác giới xung quanh, nguy cơ dẫn đến rối loạn hành vi liên quan đến tình dục.
Chương trình Giáo dục giới tính và tình dục toàn diện (GDGTTD) được đưa vào các cấp học hiện nay là bộ môn cung cấp cho học sinh kiến thức phù hợp theo từng độ tuổi. Cô Hoài Anh nhấn mạnh: "Giáo dục giới tính và tình dục là một quá trình, chứ không thể chăm vào phần ngọn mà làm".
Tức là không thể đợi đến "đủ tuổi" như nhiều người nhầm lẫn, là qua cột mốc 16, hay 18, thì mới trao đổi với con trẻ. Cô cũng chỉ ra rằng, thậm chí ở lứa tuổi mầm non đã cần đến phương tiện giáo dục này, để cung cấp cho trẻ khả năng tự vệ trước những tình huống có thể xảy ra như xâm hại, lạm dụng. Một sự thật đáng tiếc là nhiều trẻ có lớp bảo vệ yếu, thiếu những thông tin quan trọng về tình dục, tính dục có thể tham gia vào những hành động tình dục sớm, không an toàn, cô chia sẻ.
Bên cạnh đó, GDGTTD không chỉ xoay quanh vấn đề duy nhất là quan hệ tình dục, mà bao hàm rất nhiều nội dung khác về sinh lý - tâm lý, đặc biệt gắn liền với quá trình trưởng thành của mỗi người. Lấy ví dụ chương trình giáo dục môn sinh học ở bậc trung học cơ sở đã đề cập đến kiến thức như tránh thai, tức là phổ cập kiến thức nền về giới tính - tình dục đúng với thực tế. Từ đây, cô Hoài Anh khẳng định đối thoại về tính dục - tình dục là cần thiết trong môi trường giáo dục, chứ không nên lảng tránh.
Nên chăng đưa tác phẩm có yếu tố tình dục vào giảng dạy?
TS Hoài Anh tâm niệm rằng "Văn chương, phim ảnh, các tác phẩm nghệ thuật nói chung là một nguồn tài liệu rất tốt để khơi gợi những thảo luận về tính dục, tình dục vì thường có tình huống cụ thể. Dựa trên những tình huống này, giáo viên, người hướng dẫn có câu chuyện để khơi gợi học sinh, người chưa thành niên và từ đó đặt vấn đền, đưa ra bộ câu hỏi để người dạy - người học cùng nhau thảo luận, phân tích".
Theo cô, đây cũng là cách để phụ huynh và nhà trường có thể nắm bắt được tâm sinh lý con em, nhất là ở độ tuổi thành niên khi các bạn có những rung cảm đầu đời.
ThS Nguyễn Hải Uyên. Ảnh: NVCC. |
ThS Hải Uyên chia sẻ một góc nhìn khác ở điểm này. Theo cô, có thể giới thiệu tác phẩm có yếu tố tình dục đến thanh - thiếu niên, song không khuyến khích sử dụng cho mục đích giáo dục giới tính (GDGT), vì mỗi nhà nghệ thuật có phong cách khác nhau để đưa yếu tố tình dục vào tác phẩm của mình (tả thực, cường điệu hóa, thi vị hóa, lý tưởng hóa,…) và không hoàn toàn với mục đích GDGT. Nếu đã muốn GDGT, thì có thể chọn các tác phẩm vốn được sản xuất với mục đích chính là GDGT, do nhà chuyên môn trong lĩnh vực GDGT thực hiện.
Tuy nhiên, cô Hải Uyên cho rằng vẫn có thể đưa tác phẩm có yếu tố tình dục vào nhà trường, nhưng giáo viên cần xem xét kỹ tác phẩm, tạo ra những buổi thảo luận, chia sẻ góc nhìn, và đưa ra đúc kết cuối cùng mang tính giáo dục để định hướng cho các em.
Chia sẻ quan điểm này, TS Hoài Anh cũng nhấn mạnh rằng việc chọn lựa ngữ liệu phù hợp là rất cần thiết. Giáo viên cần có sự nhạy bén nhất định để biết chọn những nội dung có miêu tả tình dục, tính dục ở dung lượng và độ cụ thể phù hợp với học sinh của mình. Bên cạnh đó, việc thiết kế bài giảng, đặt ra những hoạt động, bộ câu hỏi để phục vụ những mục tiêu cụ thể của giáo viên như là phân tích yếu tố nghệ thuật hay GDGTTD cũng rất quan trọng.
Lấy ví dụ với phân đoạn gây tranh cãi trong Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian, thì bên cạnh việc giao cho học sinh đọc sách, giáo viên có những hướng dẫn gì, bộ câu hỏi ra sao (như là để phân tích nghệ thuật trong tác phẩm văn chương, hay để khai thác chủ đề nào trong đa dạng chủ đề mà cuốn sách đề cập: tình mẫu tử, người nhập cư, thanh thiếu niên thuộc cộng đồng LGBT+...) cũng rất đáng quan tâm.
Theo cô Hoài Anh, trong bối cảnh hiện nay việc học sinh THPT có mối quan hệ tình cảm cũng không còn là hiếm gặp. Do đó, dùng tác phẩm nghệ thuật bên cạnh các khung lý thuyết để giáo dục các em về tình yêu, tình dục là cách tiếp cận chân thực, gần gũi để giúp các em trang bị kiến thức về thế nào là mối quan hệ đẹp, lành mạnh, tình dục an toàn, đồng thời bảo vệ mình trong các tình huống như bạo lực hẹn hò, bạo lực tình dục.
ThS Hải Uyên lưu ý thêm rằng để bảo vệ cho bản thân và mang đến tác phẩm đảm bảo có ý nghĩa với học sinh, giáo viên khi đưa vào tác phẩm ngoài chương trình, hãy thảo luận cùng nhau để có nhiều góc nhìn về giá trị và những điều cần lưu ý khi triển khai, nếu thuận lợi hơn có thể được sự đồng thuận từ trưởng bộ môn, ban giám hiệu. Một điều quan trọng khác, cần có truyền thông kết nối giữa gia đình và nhà trường, thông tin rõ đến phụ huynh mục tiêu và cách thức, hướng đến sự thống nhất trong giáo dục để trẻ không bị bối rối khi lựa chọn góc nhìn và cách thức phản ứng khi được giới thiệu các nội dung này.
Ở độ tuổi bắt đầu hình thành quan điểm cá nhân và đang mang theo những bộ lọc chưa đủ cứng cáp của thanh thiếu niên, cô cho rằng cần cung cấp đủ những hiểu biết cơ bản nhất về giới - giới tính - xu hướng tính dục, chuẩn mực hành vi phù hợp về tình dục để chuẩn bị cho trẻ kỹ năng về chọn lọc thông tin.
Cụ thể, nếu đưa tác phẩm đến cho trẻ với mục đích nội dung khác, vẫn cần cho trẻ biết sẽ gặp một số đoạn liên quan đến tình dục và hướng dẫn trẻ rằng: đó không phải điều thầy/cô/ cha/mẹ muốn tập trung nhưng con có thể đặt câu hỏi lại nếu có băn khoăn.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng