Ngày 17/6, đoạn video ghi cảnh đười ươi ở Thảo Cầm Viên (quận 1, TP.HCM) hút thuốc gây nên nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Nhân viên tại đây cho biết điếu thuốc có thể do du khách ném vào, con vật cầm lên và bắt chước hành động của người.
Trước chuồng đười ươi và những động vật khác đều có bảng cấm chọc và cho thú ăn, tuy nhiên, lãnh đạo Thảo Cầm Viên xác nhận tình trạng du khách ném đồ vào để trêu các con vật hay xảy ra.
Điều tương tự từng được ghi nhận ở nhiều vườn thú trên thế giới.
Hình ảnh đười ươi ở Thảo Cầm Viên hút thuốc gây xôn xao gần đây. Ảnh cắt từ clip. |
Ngược đãi động vật
Tháng 3/2018, video quay cảnh đười ươi trong vườn thú Bandung ở Indonesia hút thuốc lan truyền và làm dấy lên sự giận dữ từ cộng đồng quốc tế, theo ABC News.
Theo hình ảnh được khách tham quan ghi lại, một nam thanh niên châm điếu thuốc và ném vào chuồng thú. Sau đó, Odon, con đười ươi Bornean 22 tuổi, nhặt điếu thuốc lên và bắt đầu hút. Phía ngoài, không ít người phá lên cười.
Các nhà hoạt động vì quyền động vật lên án hành vi của khách tham quan cũng như sự thiếu giám sát và quy định rõ ràng của vườn thú.
Trong khi đó, khoảng 1 triệu người ký tên trên Change.org để kiến nghị “Lập tức đóng cửa vườn thú Bandung” sau vụ việc, theo AFP.
Trước Odon, Tori là con đười ươi nổi tiếng với thói quen hút thuốc kéo dài hàng thập kỷ trong vườn thú Tara Jurug ở Indonesia. Nó được cho là nhặt mẩu thuốc lá do khách tham quan bỏ lại.
Để ngăn cản việc mọi người ném thuốc lá cho Tori, nó được chuyển đến một hòn đảo để cai nghiện vào năm 2012.
“Việc mọi người ném thuốc lá hoặc thức ăn vào động vật rất phổ biến ở các vườn thú tại Indonesia ngay cả khi có biển cấm. Trong trường hợp của Tori, mọi người ném thuốc lá vào trong, nhìn nó hút rồi cười và chụp ảnh”, đại diện Trung tâm Bảo vệ Đười ươi (COP) nói với The Guardian.
Tháng 3/2012, một con hươu cao cổ tại vườn thú phía đông Java được phát hiện chết với cục nhựa 20 kg trong dạ dày sau nhiều năm ăn đồ do khách tham quan ném vào chuồng của nó. Tuy nhiên, không có báo cáo cho thấy người gây ra hành vi này bị xử lý.
Theo The Straits Times, mặc dù ném thức ăn hoặc chai lọ vào chuồng của các loài động vật là vi phạm quy định của vườn thú Johor, nhiều khách tham quan vẫn thực hiện.
Ông Zakaria Razali, quản lý vườn thú, cho biết những người thiếu ý thức, đặc biệt là khách nước ngoài, thường ném chai lọ, thức ăn và đôi khi cả đá vào chuồng thú.
“Chúng tôi từng từ chối khách muốn vào sở thú với những lon bia. Nhiều người ném chai lọ vào chuồng thú vì muốn các con vật làm gì đó hoặc di chuyển. Điều này khiến một số con bị thương”, ông nói và cho biết thêm rằng các nhân viên sở thú thường phải cảnh báo khách tham quan không cho chúng ăn.
Con tinh tinh ở vườn thú Johor uống nước ngọt do khách tham quan ném vào chuồng của nó năm 2016. Ảnh: The Star/Asian News Network. |
Vườn thú Karachi là địa điểm tham quan phổ biến và có vé vào cửa rất rẻ ở Pakistan. Tuy nhiên, các con vật không nhận được sự đối xử đúng mực từ khách tham quan khi họ liên tục xả rác vào chuồng của chúng và khuôn viên sở thú.
Nơi này từng phải thuê 10 người quét dọn vệ sinh để xử lý lượng rác thải chất đống mỗi ngày.
Bị phạt tiền
Theo The Express Tribune, các túi nhựa hoặc giấy gói được ném vào trong chuồng thú có thể gây ra nhiều vấn đề cho chúng khi ăn phải.
Bác sĩ thú y Rashid Pirzada cho biết những đồ vật nhỏ có thể đi qua ruột của con vật, nhưng túi nhựa hoặc giấy bọc có thể bị kẹt, sau đó có khả năng phải phẫu thuật để loại bỏ.
Ông nói thêm rằng ném đồ vật vào các con thú có thể thay đổi hành vi tâm lý của chúng vì hầu hết loài động vật thích sống cô lập. Điều này có thể khiến chúng bị ốm hoặc bỏ ăn trong vài ngày vì bị kích thích bởi hành vi đó.
Các nhà quản lý của sở thú Byculla, được gọi là Veer Jijamata Udyan, ở Mumbai (Ấn Độ) cũng từng chia sẻ về khó khăn trong việc ngăn chặn hành vi trêu chọc động vật của khách tham quan với danh nghĩa “cầu may mắn”.
Nhiều du khách ném đồng xu một rupee vào con trăn được nuôi trong vườn thú Byculla để cầu may. Ảnh: Shripad Naik. |
Nhiều người ném đồng xu một rupee (Rs) vào con trăn được nuôi trong vườn thú với niềm tin rằng nó sẽ mang lại may mắn và giàu đó. Số khác khạc nhổ vào cá sấu bất chấp biển cảnh báo hành vi như vậy sẽ bị phạt, theo The Asian Age.
Ông Sanjay Tripath, Giám đốc vườn thú, cho hay trong vòng một tháng, hơn 20 người bị phạt vì vi phạm quy định. Mức phạt bắt đầu từ 100 Rs và có thể lên tới 500 Rs.
Poorva Joshipura, Giám đốc điều hành Tổ chức Đối xử Đạo đức với Động vật (PETA), cho biết: “Những con rắn có thể chấn thương khi bị ném đồng xu vào người. Hơn nữa, sự giam cầm của các vườn thú cũng khiến nhiều loài động vật trở nên điên loạn hoặc ít nhất là rơi vào trạng thái tuyệt vọng liên tục”.