“Những dự án xét thấy không thể bảo đảm hiệu quả phải rứt ruột cắt đi, tìm cách xử lý thu hồi vốn mặc dù có thể thất thoát một phần vốn quan trọng nhưng còn hơn tiếp tục vì có thể còn mất nhiều hơn”, ông Lưu Bích Hồ cho biết.
TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch Đầu tư |
Hàng loạt dự án nghìn tỷ của các doanh nghiệp nhà nước Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam PVN, Tổng công ty thép Việt Nam, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam thuộc Bộ Công Thương như dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, nhà máy đạm Ninh Bình, 3 nhà máy sản xuất xăng sinh học ethanol, nhà máy Xơ sợi Đình Vũ… đều trong tình trạng “đắp chiếu” chờ nhà thầu Trung Quốc hoặc càng làm càng thua lỗ.
Cụ thể, dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, chủ đầu tư là CTCP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) từ mức đầu tư ban đầu 3.843 tỷ đồng đã được nâng lên 8.104 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và việc cơ cấu lại khoản nợ lớn từ ngân hàng nhưng hiện vẫn “đắp chiếu” chờ nhà thầu MCC Trung Quốc. Trước đó, MCC đã rút về nước và đem theo hơn 90% tiền thanh toán phần thiết bị, chưa bàn giao các hạng mục quan trọng cho chủ đầu tư.
Nhà máy Đạm Ninh Bình với vốn đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng cũng do nhà thầu Trung Quốc cung ứng các thiết bị, vật tư, sau đó là một trong số nguyên nhân khiến chi phí vận hành, sửa chữa trở nên khá tốn kém. Nhà máy này sau khi hoạt động 4 năm đã thua lỗ 2.000 tỷ đồng, hiện cũng đang sống dở, chết dở.
Tình trạng tương tự với 3 dự án nhà máy sản xuất ethanol Tam Nông, Bình Phước, Dung Quất với vốn đầu tư tương ứng 2.484 tỷ đồng, 1.700 tỷ đồng và 2.219 tỷ đồng.
Một dự án khác do công ty con của PVN đầu tư là nhà máy Xơ sợi Đình Vũ (Hải Phòng) có vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng chậm tiến độ, sau một thời gian vận hành đã “nằm bất động”.
Thêm điểm chung từ các dự án nghìn tỷ nêu trên là hầu hết chủ đầu tư đều từng đề xuất nhiều cơ chế để dự án tiếp tục được rót vốn, hoặc cơ chế giá đầu vào rẻ, đầu ra được đảm bảo, đề xuất hạn chế nhập khẩu tiểu ngạch cùng sản phẩm…
"Không tán thành việc ném thêm tiền vào dự án nghìn tỷ thua lỗ"
Trao đổi với BizLIVE, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, tất cả dự án nghìn tỷ dang dở, “đắp chiếu”, Chính phủ đã có chỉ đạo, Bộ Kế hoạch đầu tư xem không thể xin vốn và tiếp tục bơm vốn thêm vào các dự án không hiệu quả.
Dẫn chứng dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên xin 1.000 tỷ đồng, ông cho rằng ông không đồng ý vì dự án ứ đọng hàng nghìn tỷ.
Dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên "đắp chiếu" chờ nhà thầu Trung Quốc |
Bên cạnh đó, ông Lưu Bích Hồ cũng cho biết, thép hiện dư thừa, thép Trung Quốc giá rẻ tràn thị trường, thép sản xuất trong nước khó cạnh tranh. Chưa kể, đầu vào để sản xuất, Việt Nam cũng sẽ phải nhập khẩu và các vấn đề liên quan, tác động đến môi trường…
“Tinh thần chung là không ưu đãi thêm, các dự án phải tìm mọi cách xử lý, xem lại, rà soát lại nguyên nhân vì sao, khắc phục được không và bằng cách nào. Chẳng hạn, có thể huy động thêm vốn, không thể bám vào vốn ngân sách nhà nước, đầu tư công, chúng ta không còn khả năng nữa”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Ông cũng nhấn mạnh rằng, những dự án xét thấy không thể bảo đảm hiệu quả phải rứt ruột cắt đi, tìm cách xử lý, thu hồi vốn mặc dù có thể thất thoát một phần vốn quan trọng nhưng còn hơn tiếp tục vì có thể còn mất nhiều hơn.
“Có tình trạng bỏ thì thương, vương thì tội nhưng chủ trương chung và theo quan điểm của tôi là không tán thành ném thêm tiền vốn vào đây. Đặc biệt, chỉ dự án có thể có hiệu quả, xoay xở và đưa thêm vốn nhưng làm sao không huy động thêm vốn nhà nước mà có thể thu hút từ dân, từ nhà đầu tư nước ngoài”, ông Hồ đề xuất.
Cũng theo ông, nếu vẫn là vốn nhà nước sẽ gây khó khăn cho ngân sách nhà nước khi ngân sách thậm chí không còn tiền để trả nợ, bội chi để trả nợ. “Năm 2015, 25% ngân sách chi trả nợ, 65% chi thường xuyên, còn lại làm việc khác, không còn để đầu tư, tình hình rất khó khăn do vậy, phải đối xử với những dự án nghìn tỷ bỏ hoang một cách cương quyết, không thể cứ xin, cho”, nguyên Viện Lưu Bích Hồ nhấn mạnh.
Cuối cùng, ông cũng đề cập đến trách nhiệm của Bộ Công Thương khi dự án của các doanh nghiệp thuộc Bộ rơi vào tình trạng nêu trên. “Doanh nghiệp đầu tư nhưng Bộ Công Thương là chủ sở hữu nên trách nhiệm Bộ chủ quản cần làm rõ”, vị chuyên gia kết luận.