- Luật Tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi sẽ tác động rất lớn tới toàn hệ thống ngân hàng, đặc biệt là quy định liên quan tới việc cho phá sản ngân hàng. Dưới góc độ chuyên gia có nhiều năm hoạt động trong ngành, ông đánh giá như thế nào?
- Luật TCTD thể hiện bước ngoặc trong việc quản lý, điều hành hệ thống Ngân hàng thương mại Việt Nam. Trước đây đã có Luật Phá sản doanh nghiệp nhưng những điều khoản ở đây chỉ quy định về mở thủ tục phá sản, thủ tục thanh lý tài sản của ngân hàng và việc phân bổ tài sản được thanh lý để hoàn trả các nghĩa vụ nợ của ngân hàng.
Còn Luật TCTD sửa đổi nhắm vào các phương án cơ cấu lại TCTD trong đó có phương án phá sản. Phương án cơ cấu lại bao gồm những phương án phục hồi, sát nhập, hợp nhất, giải thể, chuyển giao bắt buộc và phá sản. Có nghĩa là luật mới sửa đổi nhắm vào việc xử lý những tổ chức yếu kém với nhiều phương pháp để phục hồi và duy trì TCTD trước khi phương án phá sản được áp dụng.
- Có một số ý kiến lo lắng rằng nếu đi vào hiệu lực thì các ngân hàng hoạt động thuộc diện yếu kém có nguy cơ bị phá sản?
- Dù luật phá sản có hiệu lực nhiều năm nhưng cho tới thời điểm này chưa có trường hợp nào phá sản. Trong quá khứ một số đơn vị ngừng hoạt động do lệnh của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) do gặp những vấn đề trong điều hành, vốn chủ sở hữu không đảm bảo, hoạt động không hiệu quả nhưng chưa từng có ngân hàng nào bị tuyên bố phá sản cả.
Gần đây nhiều người gọi điện hỏi tôi rằng, ngày 15/1 luật TCTD sửa đổi có hiệu lực thì có lo ngân hàng phá sản không? Tôi muốn trấn an mọi người rằng, việc phá sản ngân hàng sẽ không xảy ra ngày một ngày hai. Muốn thực hiện phương án phá sản, NHNN sẽ phải trước nhất đưa một ngân hàng vào diện “kiểm soát đặc biệt” rồi từ đó áp dụng những phương án cơ cấu lại như đã trình bày ở trên trước khi yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết, luật TCTD sẽ bảo đảm quyền lợi cho người gửi tiền. |
Luật TCTD sửa đổi quy định cụ thể những trường hợp nào một đơn vị được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Trong thời gian kiểm soát đặc biệt, nhiệm vụ và quyền hạn của NHNN, chính phủ cũng được quy định cụ thể, trong đó có khoản vay đặc biệt mà TCTD được vay để phục hồi. Sau cùng là việc kiểm soát đặc biệt và những phương án cơ cấu lại sẽ phải được thực hiện theo một trình tự đã được quy định. Thời gian kiểm soát đặc biệt kéo dài bao lâu tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi ngân hàng.
- Trong trường hợp phá sản thì quyền lợi của người gửi tiền sẽ ra sao, thưa ông?
- Trong trường hợp phá sản thì tòa án sẽ chỉ định một quản tài viên quản lý ngân hàng đó và bắt đầu thanh lý tài sản có tài sản, nợ. Người gửi tiền trước nhất là được bồi thường đến 75 triệu đồng từ Bảo hiểm tiền gửi quốc gia, sau đó sẽ phải chờ tòa án thanh lý tài sản và có khả năng được hoàn trả 100% số tiền đã ký gửi ngân hàng.
Thông thường một ngân hàng bị đưa vào thủ tục phá sản thường đã mất khả năng thực hiện các nghĩa vụ trả nợ, tiền mặt cạn kiệt, các tài sản sinh lời đã mất nhiều giá trị vì chứa đựng nhiều rủi ro, tài sản bất động sản đã được đem bán để trả nợ trước đó. Chính vì lý do này mà tại hầu hết quốc gia, phá sản ngân hàng là biện pháp cuối cùng.
Trước khi nói đến phá sản, các cơ quan quản lý thường tìm cách sát nhập hay bán ngân hàng (toàn phần hay từng phần) cho một tổ chức kinh tế khác. Tổ chức mua này sẽ lãnh nhận tất cả tiền gửi khách hàng của ngân hàng đó và người gửi tiền có thể an tâm được một ngân hàng khác bảo đảm số tiền mình đã ký thác trước đó.
Giải pháp phá sản tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật chỉ được thực hiện khi không ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, quyền và lợi ích hợp pháp, niềm tin của người gửi tiền.
- Có phải NHNN sẽ có những động thái can thiệp, quản lý sát sao hơn để khiến người tiêu dùng yên tâm hơn và tin tưởng hơn về hoạt động an toàn của hệ thống?
- Luật sửa đổi quy định rất chặt chẽ về việc NHNN phải can thiệp sớm vào các TCTD có nguy cơ, sau đó mới đưa vào kiểm soát đặc biệt và áp dụng phương án để hồi phục hay cho phá sản. Song song với đó, NHNN có nhiều công cụ với cơ chế đặc biệt để hỗ trợ cho ngân hàng có thể hoạt động, phục hồi trở lại.
Luật này sẽ góp phần khiến hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng diễn ra nhanh hơn, giúp các ngân hàng đang tái cơ cấu sớm hoàn thành mục tiêu và không ỷ lại vào việc luôn được NHNN bảo hộ, không cho phá sản. Một điều rất lợi cho nền kinh tế là từ việc cạnh tranh bình đẳng, các ngân hàng sẽ không còn động thái tùy tiện nâng lãi suất để huy động vốn.
Hiện tại hệ thống ngân hàng đang phát triển ổn định và có những đơn vị tái cơ cấu rất thành công như Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB). NCB trước đây quy mô hoạt động nhỏ nhưng thời gian qua tái cơ cấu mạnh mẽ, tăng được vốn chủ sở hữu, tái cơ cấu Hội đồng quản trị, Ban điều hành, tăng cường sản phẩm, dịch vụ. Với nỗ lực đó, nhà băng này đã có kết quả kinh doanh rất tốt cho năm 2017, thậm chí còn có phương án tăng cường vốn để tiến vào hàng ngũ những ngân hàng hàng đầu trong hệ thống.