Trả lời CNN về vụ chạm trán vừa qua giữa F-18 Tây Ban Nha và Su-27 Nga trên biển Baltic, một quan chức giấu tên của NATO nhận định các tiêm kích Nga đã hành động "không an toàn", buộc máy bay liên quân phải điều chỉnh hướng di chuyển khẩn cấp để tránh rơi vào tình thế nguy hiểm.
Trong vụ việc ngày 13/8, hai tiêm kích F-18 Tây Ban Nha được điều động xác thực thông tin máy bay vận tải Tu-214 của Nga đang hoạt động trong khu vực. Máy bay Nga được hộ tống bởi hai tiêm kích Su-27, di chuyển gần không phận một nước thành viên NATO.
Hình ảnh máy bay F-18 của NATO chạm trán Su-27 Nga trên vùng trời biển Baltic. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga. |
"Chiếc Tu-214 có lộ trình bay hợp lệ. Họ cũng xác nhận thông tin máy bay và phản hồi với đài kiểm soát không lưu. Trong khi đó, hai chiếc Su-27 hộ tống không có lộ trình bay, tắt máy phát tín hiệu và không trao đổi với kiểm soát viên không lưu", quan chức NATO cho biết.
Giới chức NATO cho rằng hành động này có thể đe dọa an toàn của máy bay quân sự lẫn dân sự hoạt động trên cùng vùng trời. Hai chiếc F-18 được điều động từ sân bay quân sự Siauliai ở Lithuania với lệnh "đánh giá tình hình".
Theo hãng tin Tass, chiếc máy bay vận tải Tu-214 nói trên chính là chuyên cơ chở Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Khi phát hiện hai chiếc F-18 tiếp cận, các máy bay chiến đấu Su-27 buộc phải tiến hành biện pháp ngăn chặn và xua đuổi mối đe dọa.
Trong khi đó, quan chức NATO khẳng định họ không nhận được thông tin hành khách trên chiếc Tu-214 là người đứng đầu bộ Quốc phòng Nga.
"Một trong hai chiếc Su-27 đã bất ngờ bẻ lái sang trái, suýt cắt ngang đường bay của chiếc F-18 một cách không an toàn. Nhờ phản xạ nhanh và chuyên nghiệp của phi công F-18, các bên đã tránh được tình huống nguy hiểm", quan chức NATO tiết lộ.
Hình chụp nhìn từ máy bay Tu-214 chở Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Đằng xa là chiến đấu cơ Su-27 của Nga. Ảnh: Rossiya 24. |
"Sau khi đánh giá xong ý định của các máy bay Nga, hai chiếc F-18 được lệnh chuyển hướng bay sang trái để tránh khỏi máy bay mục tiêu", người này hàm ý phủ nhận F-18 rời đi là do Su-27 Nga xua đuổi.
"Tách khỏi máy bay mục tiêu sau khi nhận diện thành công là quy trình bình thường của máy bay NATO. Các phi công thực hiện sứ mệnh của NATO luôn hành động theo hướng giảm căng thẳng để tránh hiểu lầm", vị quan chức NATO cho biết.
NATO thường xuyên điều động tiêm kích chặn máy bay đi quá gần không phận các nước thành viên trên biển Baltic.
Hiện Tây Ban Nha, Hungary và Anh gửi máy bay quân sự tham gia sứ mệnh Tuần tra Hàng không Baltic của NATO.