Ngày 3/4, robot thám hiểm sao Hỏa mang tên Curiousity đã chụp một bức ảnh bằng camera bên phải, trong đó có hình một vệt sáng phát ra từ bề mặt của hành tinh Đỏ.
Đốm sáng bí ẩn được phát hiện trên sao Hỏa. Ảnh: NASA. |
Tuy nhiên, NASA đã dội một gáo nước lạnh vào hy vọng của những người tin vào sự tồn tại của dạng sống ngoài hành tinh ở đây.
Trả lời phỏng vấn của Houston Chronicle, nhà khoa học hình ảnh của NASA, Justin Maki cho biết: “Có khả năng ánh sáng này chỉ là phản chiếu của ánh mặt trời trên một lớp đá trên bề mặt sao Hỏa. Khi những hình ảnh này được ghi lại, mặt trời đang ở cùng hướng với điểm sáng về phía tây bắc của robot thám hiểm, và ở vị trí khá thấp trên bầu trời”.
Trong một phát biểu trên trang Space.com, Maki cũng nêu thêm một khả năng nữa, đó là ánh sáng chụp được là do ánh mặt trời đã ảnh hưởng đến camera của Curiousity.
“Nhóm nghiên cứu robot thám hiểm cũng đang cân nhắc khả năng vệt sáng đó xuất hiện là do ánh mặt trời đã xâm nhập trực tiếp vào thiết bị sạc đôi (CCD) qua một lỗ thông hơi tại nơi lắp đặt camera. Trường hợp này cũng xảy ra trước đó với các camera khác của Curiousity và các robot thám hiểm sao Hỏa khác, khi ánh mặt trời chiếu đến thẳng góc với camera”.
Robot thám hiểm của NASA. Nguồn: Rt.com. |
Cuối cùng, Maki cho rằng vệt sáng này chỉ đơn thuần là do ảnh hưởng của tia vũ trụ, một khả năng từng được đề cập bởi Doug Ellison thuộc Phòng thí nghiệm máy bay phản lực của NASA, người cũng đã chỉ ra rằng những bức ảnh chụp cùng lúc bởi camera bên trái của Curiousity không chụp được vệt sáng này.
Hiện tại, Curiousity đã tới địa điểm thám hiểm tiếp theo là một khu vực có 4 lớp đá khác nhau giao cắt được đặt tên là Kimberly. Robot thám hiểm này sẽ đào bới khu vực, thu thập mẫu vật và phân tích chúng.