Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

NASA hiện thực hóa giấc mơ ‘chạm tới Mặt Trời’ sau 60 năm

Ước mơ gửi tàu vũ trụ tới khám phá Mặt Trời đã nằm trong danh sách những việc cần làm của NASA trong 60 năm qua. Giờ đây, sứ mệnh tham vọng này đã ở giai đoạn chuẩn bị cuối cùng.

Sứ mệnh 'chạm tới Mặt Trời' của Tàu vũ trụ Parker Solar Phi thuyền Parker Solar, với kích thước bằng một chiếc ôtô nhỏ, sẽ tiến thẳng tới khí quyển Mặt Trời trong sứ mệnh dự kiến được khởi động vào mùa hè năm 2018 của NASA.

Từ cái tên ban đầu Solar Probe Plus, sứ mệnh đã được đổi tên sau một đêm để vinh danh Giáo sư Eugene Parker, người từng tiên đoán về sự tồn tại của gió Mặt Trời, luồng hạt điện tích giải phóng từ Mặt Trời vào vũ trụ.

Theo kế hoạch, vào tháng 7 năm tới, NASA sẽ đưa Tàu thăm dò Parker Solar tới vành nhật hoa, vành ánh sáng xung quanh Mặt Trời có thể nhìn thấy trong khi xảy ra nhật thực toàn phần, để nghiên cứu hiện tượng này.

“Chúng tôi mô tả điều này như là một nhiệm vụ cực đoan”, Tiến sĩ Nicola Fox, nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Vật lý ứng dụng của Đại học Johns Hopkins, thành viên dự án, cho biết.

Khao khát tới Mặt Trời

Con tàu vũ trụ có kích cỡ bằng một chiếc ôtô sẽ tới rất gần Mặt Trời. Di chuyển với tốc độ chóng mặt hơn 720.000 km/h, tàu thăm dò cuối cùng sẽ tới phạm vi chưa đầy 6,4 triệu km từ bề mặt Mặt Trời.

“Nghe thì tưởng là không gần. Nhưng nếu giả sử Mặt Trời và Trái Đất chỉ cách nhau 1 m thì tàu vũ trụ của chúng tôi chỉ cách Mặt Trời 4 cm”, Tiến sĩ Fox, người đang giám sát việc xây dựng tàu vũ trụ, nói với ABC News.

su menh toi Mat Troi cua NASA anh 1
Tàu vũ trụ Parker Solar sẽ tới gần Mặt Trời hơn bất kì tàu vũ trụ nào trong lịch sử. Ảnh: Đại học Johns Hopkins.

Tiến sĩ Fox cho biết tàu thăm dò sẽ ở các vùng của vành nhật hoa, nơi nhiệt độ lên tới hơn 1.400 độ C.

Nhân loại đã nghiên cứu về Mặt Trời trong hàng nghìn năm. Hiện tại, ngay cả khi đã có các đài quan sát và tàu vũ trụ khảo sát Mặt Trời một cách chi tiết, nhiều câu hỏi về ngôi sao khổng lồ này vẫn chưa được giải đáp.

“Những câu hỏi này rất quan trọng vì chúng ta đang sống trong khí quyển của Mặt Trời theo nghĩa đen”, Tiến sĩ Fox nói.

Khi các sự kiện lớn như vết đen mặt trời hoặc các đợt phun trào nhật hoa xảy ra, chúng có thể gây ra hiệu ứng đáng kể trên Trái Đất. Chúng tạo ra cực quang ngoạn mục nhưng cũng làm gián đoạn hệ thống truyền thông.

Một khi hiểu được gió Mặt Trời từ đâu đến và biến đổi thế nào trong khu vực gần Mặt Trời, các nhà khoa học có thể dự đoán tốt hơn về những tác động của Mặt Trời tới Trái Đất.

Ngoài ra, hiểu biết về hoạt động của gió Mặt Trời cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc khám phá vũ trụ, khi con người ở ngoài không gian và không còn được từ trường Trái Đất bảo vệ.

Hiện thực hóa sứ mệnh không tưởng

Để không bị tan chảy khi tới gần Mặt Trời, tàu thăm dò sẽ được trang bị một tấm khiên có khả năng chịu được nhiệt và bức xạ rất cao.

“Sứ mệnh được đề xuất lần đầu vào năm 1958 nhưng mãi đến nay công nghệ mới đủ phát triển để hiện thực hóa nhiệm vụ này”, Tiến sĩ Fox nói.

Mặt trước của tàu vũ trụ sẽ có lá chắn rộng 2,3 m và dày 11 cm, bên trong có lớp bọt carbon đặc biệt. Mặt trước sẽ được phủ bằng oxit nhôm để phản xạ ánh sáng và nhiệt.

Vì vậy, trong khi lá chắn có thể nóng tới 1.400 độ C, các thiết bị bên trong sẽ được giữ ở nhiệt độ bình thường. Vật liệu làm từ carbon không chỉ có trọng lượng nhẹ mà còn có thể chịu được nhiệt và năng lượng lớn.

su menh toi Mat Troi cua NASA anh 2
Tiến sĩ Eugene Parker , nhà nghiên cứu vật lý thiên thể thuộc Đại học Chicago , giới thiệu mô hình Tàu thăm dò Parker Solar tại sự kiện công bố sứ mệnh khám phá Mặt Trời của NASA ở Chicago, Illinois, ngày 31/5. Ảnh: Getty.

“Cuộc cách mạng công nghệ từ các lĩnh vực khoa học hoàn toàn khác đã dẫn tới sứ mệnh này, góp phần vào việc chế tạo một tàu thăm dò có khả năng tới gần Mặt Trời. Nhờ đó, chúng ta có thể khám phá vũ trụ, Sao Hỏa và những nơi khác”, Tiến sĩ Brad Tucker, nhà thiên văn học của Đại học Quốc gia Australia, cho biết.

NASA đang lên kế hoạch phóng tàu vũ trụ vào khoảng giữa ngày 31/7 và ngày 20/8 năm sau. Con tàu sẽ phải đạt tốc độ cần thiết để lướt qua Mặt Trời mà không bị cuốn vào.

Tàu vũ trụ sẽ quay quanh Mặt Trời 24 lần và đi qua Sao Kim 7 lần, tận dụng lực hấp dẫn của hành tinh này để tới gần Mặt Trời trong khi giảm vận tốc dần dần.

Con tàu sẽ tới sát Mặt Trời nhất vào ngày 19/12/2024.

Tiến sĩ Fox cho biết nhóm nghiên cứu đang ở giai đoạn chuẩn bị cuối cùng trước khi tiến hành phóng thiết bị vào vũ trụ.

“Nhóm nghiên cứu đang lắp ráp tàu vũ trụ và lá chắn nhiệt, kiểm tra phần mềm và hệ thống, đưa mọi thứ vào môi trường thử nghiệm và mô phỏng vô cùng nghiêm ngặt để đảm bảo nó sẵn sàng phóng vào năm 2018”, bà nói.

Sau khi hoàn thiện, con tàu vũ trụ sẽ được chuyển tới Trung tâm Hàng không Goddard để thử nghiệm trong 4 tháng trước khi tới Mũi Canaveral ở Florida. Điểm đến tiếp theo của nó sẽ là Mặt Trời.

NASA đẩy nhanh việc tìm hiểu tiểu hành tinh 10 tỷ tỷ USD

Sau 4 tháng nghiên cứu, NASA đã quyết định đẩy nhanh sứ mệnh đưa robot do thám đến tiểu hành tinh chứa đầy kim loại quý mà chỉ riêng lượng sắt đã trị giá tới 10 tỷ tỷ USD.

Khởi công xây dựng kính thiên văn lớn nhất thế giới giữa sa mạc

Kính thiên văn lớn nhất vừa bắt đầu được xây dựng ở Chile sẽ là kính viễn vọng quang học lớn nhất thế giới khi hoàn thành, lớn gấp 5 lần các thiết bị hiện nay.


Tuyết Mai (Theo ABC News)

Bạn có thể quan tâm