Dù chỉ bước ra khỏi con ngõ nhỏ sang đến làng bên, hay thực hiện một hành trình dài nửa vòng Trái Đất, ai rồi cũng phải xa nhà. Những niềm vui mới và bao lo toan của cuộc sống khiến người ta phải tập làm quen với vùng đất lạ. Nhưng nơi đó đâu thể trở thành nhà. Khi cô đơn người ta bỗng nhớ nhà da diết và chỉ mong được quay về.
Là một người từng trải, nhiều năm sống xa nhà, xa quê hương, nhà thơ - nhà văn Lương Đình Khoa thấm thía nỗi nhớ ấy vô cùng. Tuyển tập thơ và tản văn Về nhà đi giống như dòng nhật ký viết trong cô đơn của kẻ xa nhà. Với nhớ thương, hoài niệm và tiếc nuối cứ thế đan xen nhau khiến trái tim ta thắt lại. Đó là những tâm sự của tác giả nhưng sao ta thấy thật thân quen, như thể ai đang nói hộ lòng mình.
Nhớ nhà, Lương Đình Khoa nhớ về những điều rất giản dị, rất đỗi thân quen như bếp lửa mỗi chiều của mẹ. Từ rơm rạ đơn sơ, mẹ thổi bùng lên ngọn lửa yêu thương cho gia đình. Những ngày hè nóng nực ta vô tình quên đi điều ấy, nhưng khi mùa đông tới, nghĩ về gian bếp của mẹ, lòng bỗng ấm áp lạ thường. Chỉ cần về đến hiên nhà, thấy mẹ ngồi nấu cơm bên bếp lửa, bao nhiêu buồn tủi của những ngày tháng đi xa chợt tan biến.
Tác phẩm Về nhà đi. |
Hoài niệm là cách chúng ta vẫn làm để vơi bớt nỗi cô đơn và nhung nhớ. Hoài niệm về mái nhà trong tâm trí tác giả là những kỷ niệm ấu thơ đã hằn sâu vào trong tâm thức chẳng thể nào quên.
Đó là hình ảnh khung cửa sổ quen thuộc, đã mở ra cả khung trời bao la với chú bé mộng mơ. Nơi người ta có thể ngắm nắng, ngắm mưa trong lúc đợi mẹ trở về.
Mái nhà còn gắn liền với hình ảnh người bà hiền hậu, đem từng nải chuối ra bán ở chợ làng để mua cho cháu đồng quà, tấm bánh. Bà là tấm lá chắn vững vàng cho đứa cháu nghịch ngợm khỏi những trận đòn roi của cha mẹ.
Yêu bà là thế, nhưng ngày bà mất, cháu lại chẳng thể về nhà để chịu tang. Nỗi day dứt ấy cứ ám ảnh cháu mỗi khi thấy những người già lam lũ đi ngang trên phố. Trong cái dáng vẻ hao gầy vì thời gian ấy, ai cũng mang hình bóng bà nội.
Nơi phố thị ồn ào, bon chen đâu chỉ mình ta phải xa nhà. Biết bao phận người nhỏ bé, vì gánh nặng mưu sinh nên không thể hưởng bình yên dưới mái nhà.
Đó là người đàn ông bán rau ven đường, lấy chiếc dép làm ghế ngồi, cố chào bán mấy trái mướp và vài ba mớ mùng tơi. Hay những người phụ nữ đứng bán bánh mì ở quốc lộ 5 dưới cái nắng như thiêu như đốt của mùa hè…
Thành công ở cả hai lĩnh vực thơ và văn xuôi, Lương Đình Khoa luôn biết cách làm mới mình với những ngôn ngữ và giọng điệu khác nhau trong từng thể loại.
Nếu trong văn xuôi là màu sắc thâm trầm, sâu lắng của con người giàu trải nghiệm, thì với thơ, chúng ta bắt gặp một Lương Đình Khoa giản dị, chân thành nhưng vẫn đầy tình cảm:
Con nhớ cha… ngay cả phút quay về
Ngồi bên Người mỉm cười mà thảng thốt
Tình yêu thương chẳng thể nào cổ tích
Phép mầu nào mãi giữ được ở bên?
Sâu lắng và giàu cảm xúc Về nhà đi là muôn vàn tâm sự ẩn đằng sau nỗi nhớ nhà. Vì nỗi lo cơm áo, vì những khát khao và hoài bão của tuổi trẻ mà ta chấp nhận xa nhà. Nỗi nhớ nhà có thể bị khỏa lấp bởi bao bộn bề cuộc sống nhưng nó vẫn âm ỉ trong lòng ta, chỉ đợi cô đơn để trỗi dậy. Chỉ có phút giây được trở về bên gia đình, hưởng ấm áp của tình thân mới làm nỗi nhớ cồn cào ấy tan biến.