Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

'Nàng tiên cá' - bữa tiệc giải trí thỏa mãn

Nội dung của "The Little Mermaid" không xê dịch quá nhiều so với nguyên tác. Thế nhưng, Halle Bailey vẫn có thể tỏa sáng nhờ màn trình diễn đầy ấn tượng.

Genre: Phiêu Lưu, Cổ tích
Director: Rob Marshall
Cast: Halle Bailey, Jonah Hauer-King, Daveed Diggs, Awkwafina, Jacob Tremblay, Javier Bardem...
Rating: 8/10

*Lưu ý: Bài viết có tiết lộ một phần nội dung phim

“But a mermaid has no tears, and therefore she suffers so much more”.

Lời kể kinh điển trong câu chuyện cổ tích của Hans Christian Andersen mở ra The Little Mermaid, bộ phim live-action mới nhất về nàng tiên cá của nhà Disney.

Kể từ khi công bố trailer, dự án đã phải hứng chịu hàng loạt công kích. Nhưng nếu gạt đi tranh cãi về màu da, liệu Nàng tiên cá đã phải bộ phim “reimagined” thành công như nhà sản xuất khẳng định?

Tình yêu và khát vọng sống

The Little Mermaid theo chân Ariel, người con út của vua thủy tề Triton sở hữu giọng hát say đắm lòng người. Dưới sự kìm kẹp của vua cha, nàng khao khát được sống tự do và có niềm hứng thú đặc biệt với thế giới trên cạn. Tình cờ một đêm nọ, Ariel cứu hoàng tử Eric khỏi vụ đắm tàu và trót lòng si mê anh.

Phát hiện sự việc, Triton kiên quyết dập tắt mơ mộng của con gái. Nhưng điều đó càng khiến nàng có thêm quyết tâm. Cùng lúc này, Ariel bị phù thủy Ursula dụ dỗ đổi giọng hát để có được đôi chân như người phàm trần. Kể từ đây, nàng dấn thân vào hành trình khám phá thế giới, chinh phục trái tim của chàng hoàng tử.

Dễ thấy, nội dung của The Little Mermaid không có nhiều xê dịch so với nguyên tác.

Ariel vẫn là cô nàng tinh nghịch, bướng bỉnh và đầy tính hiếu kỳ. Mặc sự ngăn cản của đức vua, công chúa vẫn luôn lén lút tìm cách tiếp cận nền văn minh loài người, dẫu cho họ chính là thủ phạm đã tước đoạt mạng sống của mẹ mình.

Tương tự, Eric vẫn là một hoàng tử thân thiện, hiền lành và đầy chính kiến. Dẫu bị hoàng hậu ngăn cản, chàng vẫn đam mê cùng các thuyền viên đi trải nghiệm, khám phá thế giới ngoài khơi nơi mình chưa từng đặt chân tới.

Cả hai có điểm chung là sự tò mò, thích phiêu lưu và chán ghét định kiến gò bó. Gạt bỏ những tin đồn thất thiệt, họ luôn dành sự tôn trọng và cảm tình đặc biệt với thế giới của đối phương.

Dựa trên hình tượng nhân vật quen thuộc, biên kịch đã cố gắng thêm thắt một số chi tiết sáng tạo, tránh đi vào lối mòn. So với nguyên tác, The Little Mermaid cho cặp đôi chính nhiều thời gian để tìm hiểu nhau hơn. Chưa kể, việc khám phá thế giới trên cạn của Ariel không đơn thuần là vì tình yêu sét đánh với hoàng tử.

“Chúng tôi đã thay đổi quan điểm cho rằng cô ấy muốn rời đại dương chỉ để theo đuổi một chàng trai. Nó lớn lao hơn thế nhiều. Đó còn là vì bản thân cô ấy, mục đích sống, sự tự do và những gì mà cô ấy mơ mộng”, Halle Bailey chia sẻ với tạp chí Edition. Theo nữ diễn viên, đây mới là thông điệp nữ quyền mạnh mẽ nhất mà The Little Mermaid hướng tới.

Halle Bailey thể hiện thuyết phục

Trong phiên bản gốc, Ariel sở hữu làn da trắng bóc cùng mái tóc đỏ mượt mà. Thế nhưng, tiên cá trong bản live-action lần này lại là một cô nàng với tạo hình cá tính, làn da nâu khỏe khắn cùng bộ tóc dreadlock đặc trưng của châu Phi.

Ariel đem lòng say đắm hoàng tử Eric và cả thế giới trên cạn.
Nang tien ca,  Halle Bailey anh 1
Nang tien ca,  Halle Bailey anh 1

Ariel đem lòng say đắm hoàng tử Eric và cả thế giới trên cạn.

Một cách thụ động, Halle Bailey lại trở thành nạn nhân hứng chịu sự chỉ trích của một bộ phận khán giả. Trong khi đáng ra, đó là lỗi thuộc về hãng phim. Bù lại, nhà Chuột đã rất khôn khéo trong việc lý giải những thay đổi sắc tộc nhân vật. Trong The Little Mermaid, Ariel cùng 6 cô chị chia nhau trông giữ Thất Hải (Seven Seas). Mỗi người đều có vẻ ngoài khác biệt, do sinh sống ở mỗi vùng biển khác nhau.

Gạt đi những tranh cãi về màu da, màn trình diễn của Halle Bailey tỏ ra đầy sức thuyết phục. Nữ diễn viên sinh năm 2000 có không ít phút giây tỏa sáng trên màn ảnh rộng, tràn đầy tinh thần và năng lượng tích cực. Đặc biệt, xuất phát điểm là ca sĩ, Halle Bailey với giọng hát cao vút, đầy cảm xúc dễ dàng chinh phục người nghe. Không phải màu da, chính giọng ca trời phú đã giúp Ariel của Bailey khác biệt so với tất cả phiên bản khác.

Bàn về diễn xuất, biểu cảm gương mặt của cô nàng chưa xuất sắc, chỉ dừng ở mức an toàn. Một số ý kiến còn cho rằng Halle Bailey không thể hiện được quá nhiều sắc thái, tương tác với hoàng tử Eric (Jonah Hauer-King) còn có chút kém tự nhiên. Thế nhưng, đa số cây bút phê bình cho rằng cô nàng vẫn tỏa sáng, gây được thiện cảm.

Đặt trong bối cảnh mất đi giọng nói vì bùa chú, diễn viên rõ ràng gặp phải nhiều khó khăn khi thể hiện tính cách nhân vật. Huống hồ, phiên bản Ariel lần này không chỉ muốn lên bờ vì hoàng tử, cô còn có khát vọng khám phá thế giới và theo đuổi ước muốn cá nhân. Vậy nên, nhân vật của Halle tỏ ra “có thần” nhờ tính tự chủ và màu sắc hiện đại. Ngoài ra, cách cô nàng đối mặt và giải quyết tình huống cũng đầy mạnh mẽ, khảng khái.

Bữa tiệc giải trí ấn tượng

Theo dõi The Little Mermaid, khán giả dễ nhận ra đạo diễn Rob Marshall đã dụng tâm tái hiện nhiều cảnh phim kinh điển của phiên bản gốc, thậm chí “nâng cấp” chúng trở nên thú vị hơn.

Một yếu tố độc đáo của bản live-action The Little Mermaid lần này là nhiều cảnh quay được thực hiện dưới nước. Bên cạnh một số cảnh hơi tối tăm, đa số các thước phim đều cực kỳ nịnh mắt, sống động nhờ công nghệ CGI.

Đặc biệt, thế giới dưới lòng đại dương được ê-kíp trau chuốt tỉ mỉ, hiện lên đầy cuốn hút, bí ẩn. Nền văn minh trên cạn cũng đa dạng và gây thích thú không kém. Cùng với đó là những lễ hội, văn hóa đa quốc gia hòa trộn, mang lại không khí vui nhộn, tràn đầy sức sống.

Nang tien ca,  Halle Bailey anh 2

Yếu tố giải trí, đặc biệt là âm nhạc là điểm sáng trong phim.

Thế nhưng, Rob Marshall không phủ lên The Little Mermaid màu hồng. Phim vẫn biết cách nhấn nhá và tạo ra những cảnh tượng gay cấn, kịch tính và có phần u tối. “Trong bản chuyển thể live-action này, mọi thứ không còn ngọt ngào và tươi sáng như tất thảy phiên bản khác. Đại dương dữ dội hơn, ít tha thứ hơn”, tờ The Wrap nhận xét.

Bên cạnh hình ảnh, âm nhạc chắc chắn là điểm sáng không thể bỏ qua trong bộ phim mới nhất của nhà Disney. Ngoài các ca khúc kinh điển như Part of Your World hay Under the Sea, The Little Mermaid còn xuất hiện nhiều bản nhạc và màn hòa âm ấn tượng khác, kích thích trải nghiệm xem phim của khán giả.

Đặc biệt, các nhân vật CGI như cua “tổng quản” Sebastian và cô mòng biển Scuttle tạo ra nhiều màn kết hợp cực kỳ thú vị, đậm chất giải trí. Đáng tiếc là chú cá thần tiên Flounder nhút nhát lại chưa có nhiều đất diễn, xuất hiện một cách mờ nhạt trong dự án lần này.

The Little Mermaid không phải một dự án có thể khiến người xem “bất ngờ, ngỡ ngàng, ngơ ngác và bật ngửa” về nội dung. Thế nhưng, trên nền kịch bản đã quá quen thuộc, việc ê-kíp làm phim vẫn có thể cuốn hút khán giả chắc chắn là thành công không thể chối cãi.

Sách tham khảo: Nàng tiên cá (The Little Mermaid) là truyện nổi tiếng của nhà văn, nhà thơ người Đan Mạch Hans Christian Andersen, kể về một nàng tiên cá nhỏ mong muốn từ bỏ cuộc sống dưới đáy biển và thân phận người cá của nàng để có được một linh hồn của con người và tình yêu của chàng hoàng tử loài người. Ban đầu được sáng tác cho một vở ballet, truyện được xuất bản lần đầu vào năm 1837 và đã được chuyển thể thành nhiều thể loại bao gồm nhạc kịch và phim.

Bài liên quan

‘Nàng tiên cá’ được khen

‘Nàng tiên cá’ được khen

Bộ phim “The Little Mermaid” (Nàng tiên cá) của Disney thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả. Sau buổi chiếu sớm, phim được nhiều cây bút bình phim đánh giá tích cực.

Tống Khang

Bạn có thể quan tâm