Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Năng suất lao động của Việt Nam đang kém Singapore 14 lần

Năng suất lao động trên mỗi giờ làm việc của Việt Nam năm 2018 đạt 43.400 đồng. Con số này khá thấp so với một số nước trong khu vực ASEAN, kém Singapore 13,7 lần.

Theo kết quả điều tra lao động việc làm của Tổng cục Thống kê, số giờ làm việc trung bình mỗi tuần của một lao động đang làm việc ở Việt Nam đã giảm nhẹ từ 45,6 giờ năm 2011 xuống 45,3 giờ năm 2018.

Lao động lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có số giờ làm việc thực tế bình quân mỗi tuần năm 2018 thấp nhất với 39,7 giờ. Số giờ làm việc thực tế bình quân của khu vực công nghiệp, xây dựng là 50,3 giờ và khu vực dịch vụ là 47,4 giờ.

Nguoi Viet tao ra 43.400 dong/gio lam viec,  kem Singapore 14 lan anh 1
Năng suất lao động trên mỗi giờ làm việc của Việt Nam khá thấp so với một số nước trong khu vực ASEAN. Ảnh: Hoàng Hà.

Năng suất lao động (NSLĐ) trên mỗi giờ làm việc của Việt Nam năm 2018 đạt 43.400 đồng, cao hơn 3.500 đồng so với năm 2017. Theo giá so sánh, NSLĐ năm 2018 theo giờ tăng 5,3% so với năm trước, bình quân giai đoạn 2011-2018 tăng 4,8%.

Tính theo sức mua tương đương (PPP 2011), NSLĐ mỗi giờ làm việc của Việt Nam khá thấp so với một số nước trong khu vực ASEAN. Năm 2015, con số này của Việt Nam chỉ đạt 4,4 USD, trong khi đó Malaysia đạt 24,9 USD, Thái Lan đạt 12,1 USD, Indonesia đạt 12 USD, Philippines đạt 8,4 USD.

Riêng Singapore đạt mức NSLĐ theo giờ rất cao với 54,9 USD. Tuy nhiên, số giờ làm việc trung bình mỗi tuần của một lao động Singapore cao hơn ở Việt Nam nên năng suất tính theo mỗi giờ làm việc của Singapore gấp 12,5 lần Việt Nam. Thực tế, khoảng cách này đã giảm so với chênh lệch 13,7 lần khi tính theo năng suất trên mỗi lao động.

Trao đổi về vấn đề NSLĐ của Việt Nam thấp, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, chỉ ra 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, quy mô GDP còn nhỏ và lực lượng tham gia vào quá trình sản xuất tại Việt Nam là khoảng 54 triệu người trên tổng số 96 triệu người. Ông Lâm cho rằng mức NSLĐ thấp không phản ánh tay nghề hay trình độ của lao động Việt Nam yếu kém. Cũng không thể khẳng định lao động của Campuchia, Malaysia, Thái Lan hay Singapore làm giỏi hơn Việt Nam.

Thứ hai, cơ cấu kinh tế của Việt Nam chưa hợp lý, đặc biệt là cơ cấu lao động. Hiện nay, lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản còn trên 20 triệu người, chiếm tỷ lệ khá lớn. Trong khi lao động ở khu vực này phần lớn là lao động giản đơn, có tính chất mùa vụ và giá trị gia tăng tạo ra rất thấp.

Theo ông Lâm, trong những năm gần đây, chuyển đổi cơ cấu lao động diễn ra rất nhanh. Tuy nhiên, lao động nông nghiệp chuyển sang khu vực công nghiệp và dịch vụ thường làm ở những ngành có giá trị gia tăng, trình độ công nghệ thấp nên NSLĐ vẫn chưa thể cải thiện đáng kể.

Ông Lâm cũng cho biết trình độ người lao động Việt Nam còn hạn chế. Theo số liệu thống kê, hiện chỉ có 21,9% lao động đã được qua đào tạo.

ILO: 76% lao động Việt ở Thái Lan, Malaysia bị lạm dụng quyền lao động

Trong số các việc làm xuất khẩu, nghề giúp việc gia đình và đánh bắt cá được xem là dễ tổn thương nhất do nơi làm việc bị cô lập và thường xuyên thiếu các biện pháp bảo vệ.


Văn Hưng

Bạn có thể quan tâm