Gần đây, mạng xã hội liên tục chia sẻ các hình ảnh cho thấy một số nhân viên y tế lấy mẫu bị ngất, lả nhiệt sau thời gian dài làm việc dưới thời tiết nắng nóng.
Trước thực trạng đó, tiến sĩ, bác sĩ Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), đề xuất giải pháp:
- Trang bị cho nhân viên y tế khẩu trang N95, kính che mặt, găng tay và tạp dề, không cần quần áo bảo hộ như trước.
- Bố trí việc lấy mẫu ngoài trời cùng một chiếc quạt công nghiệp với tốc độ cao đặt phía sau nhân viên y tế.
Nguy cơ say nóng do bộ đồ bảo hộ
Theo bác sĩ Chính, nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống sự lây nhiễm SARS-CoV-2 là hạn chế nồng độ giọt bắn và virus trong không khí. Do đó, việc đặt hệ thống thông khí (trong trường hợp này là quạt công nghiệp) sẽ làm loãng nồng độ virus và tản rộng sự phát tán giọt bắn trong không khí ra hướng khác.
Một số nhân viên y tế lả nhiệt khi lấy mẫu trong đồ bảo hộ. Ảnh: Đức Anh. |
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn, vị chuyên gia này cho rằng khu vực lấy mẫu cần được phun khử khuẩn định kỳ, đồng thời bố trí nơi người dân chờ tách biệt, một chiều. Quạt cũng cần điều chỉnh ở tốc độ cao, người dân phải đứng ngược chiều gió.
"Đây là một giải pháp dã chiến trong bối cảnh hàng trăm nghìn người đang cần làm xét nghiệm sớm. Quạt có thể tìm được ngay, việc bố trí cũng rất nhanh. Dù không thể đảm bảo 100%, việc làm này có thể tránh tình trạng nhân viên y tế bị lả nhiệt nhưng vẫn giảm nguy cơ lây nhiễm. Do đó, tôi nghĩ cơ quan chức năng nên cân nhắc về mặt lợi ích trên diện rộng", bác sĩ Chính nói.
Trao đổi với Zing, tiến sĩ, bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), nhận định việc nhân viên y tế mặc quần áo bảo hộ trong thời điểm này gây khó khăn lớn.
Bác sĩ Hùng giải thích: "Tiêu chuẩn của trang thiết bị phòng hộ là chống thấm nước. Do đó, người mặc lâu sẽ cảm thấy rất bí và khó chịu. Lúc này, sẽ có 2 vấn đề xảy ra".
Đầu tiên, nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ làm việc liên tục trong thời gian dài sẽ tiết mồ hôi nhiều nhưng không thể bổ sung ngay do đặc thù công việc. Từ đó, người lấy mẫu rất dễ mất nước và điện giải.
Thứ 2, nhiệt độ bên trong lớp quần áo bảo hộ khá cao, dẫn đến nguy cơ say nóng lớn. Ngoài ra, trong các tình huống lấy mẫu ngoài trời, nhân viên y tế còn gặp phải tình trạng say nắng.
"Say nắng, nóng, cộng thêm mất nước, điện giải khiến cơ thể rất nhanh mệt mỏi và suy kiệt. Một số nhân viên y tế sức khỏe không tốt trước đó cũng có nguy cơ lả nhiệt cao", vị chuyên gia này kết luận.
Tuy nhiên, bác sĩ Hùng cho rằng giải pháp về việc sử dụng tạp dề và quạt công nghiệp còn nhiều yếu tố cần cân nhắc.
"Khi nhân viên y tế lấy mẫu, bệnh nhân có thể ho và phát tán giọt bắn về phía trước. Lúc này, mạng che mặt sẽ là vị trí bị nhiễm virus nhiều nhất, xếp sau là quần áo của người lấy mẫu. Khi đó, tạp dề có thể là chưa đủ", vị này nói.
Một lo lắng khác của bác sĩ Hùng là khi quạt thổi phía sau, tạp dề bay trước mặt nhân viên y tế có thể gây khó khăn trong hoạt động lấy mẫu. Bên cạnh lây nhiễm qua đường hô hấp, việc tiếp xúc cũng là vấn đề cần cân nhắc.
"Trong quá trình làm việc áp lực, nhân viên y tế khó có thể đảm bảo chính xác các hành động. Một số người có thể vô tình chạm tay vào vùng bị nhiễm virus dẫn đến lây bệnh", Phó trưởng khoa Cấp cứu nhận định.
Bộ Y tế tìm giải pháp
Liên quan giải pháp chống nóng cho nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ, sáng 1/6, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế, đã có báo cáo tới Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn. Viện trưởng Doãn Ngọc Hải cho hay đơn vị này đã họp các chuyên gia để đưa ra các giải pháp.
Theo ông Hải, giải pháp thay thế đồ bảo hộ thoáng khí hơn là không khả thi. Bởi những bộ đồ tương tự, tốt nhất trên thị trường hiện cũng không thoáng hơn.
Các mẫu bệnh phẩm sau khi được lấy từ người dân tại TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu. |
Việc dùng quạt cũng không khả thi vì gió quạt sẽ thổi bụi lên và tăng ô nhiễm do khuếch tán.
Với giải pháp xử lý thông gió cá nhân dạng bán mặt nạ, ông Hải cho hay thị trường hiện cũng có mũ chống dịch của Công ty Vihem giải quyết được một phần cảm giác nóng và khó chịu. Tuy nhiên, giá thành mỗi chiếc mũ này là 140 đô (hơn 3 triệu đồng). Do đó, chúng ta khó có thể trang bị đại trà. Loại mũ này cũng có hạn chế như ồn, nặng, đôi lúc bị bí.
Theo ý kiến từ Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, giải pháp thông gió cá nhân sử dụng quạt đeo là khả thi nhất, giúp không khí đối lưu trong khi mặc đồ bảo hộ, giảm nóng hay khó chịu.
Viện đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo và đánh giá xong. Sau khi kêu gọi được nhà tài trợ và sản xuất, sản phẩm có thể được sử dụng.
Ngoài ra, một giải pháp khác là cấp khí sạch làm mát tạm thời cho một nhóm. Giải pháp này được thiết kế một thiết bị cấp khi sạch cho 4 người. Thiết bị này di động, sử dụng pin xạc.
Đây là thiết bị dân dụng tương tự máy lọc không khí trên thị trường. Đơn vị sản xuất chỉ cần công bố tiêu chuẩn cơ sở và kết quả đầu ra.
Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường xin ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Sơn để triển khai diện rộng, khắc phục khó khăn cho nhân viên y tế tại tâm dịch.