Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nâng nền nhà lên 1,5 m để tránh ngập lụt

Mỗi khi mưa, hàng trăm hộ dân ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) bị ngập sâu 1 - 1,5 m khiến cuộc sống bị đảo lộn. Để ngăn nước, tránh thiệt hại, họ phải nâng nền hoặc đắp “đê” quanh nhà.

Thực trạng này diễn ra suốt 10 năm qua tại khu phố 1 (phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa). Theo trưởng khu phố Lê Văn Tâm, địa bàn được chia thành 32 tổ nhưng có đến 16 tổ bị ảnh hưởng bởi tình trạng ngập úng. Trời đổ mưa khoảng 30 phút là các tuyến đường trong khu dân cư biến thành sông, sâu đến 1,5 m.

nang nen nha tranh ngap o Bien Hoa anh 1
Nước ngập hằn thành vết trên tường một ngôi nhà tại tổ 10, khu phố 1 (phường Long Bình Tân). Theo anh Lê Anh Tuấn, do không chịu nổi cảnh ngập lụt nên chủ ngôi nhà chuyển đi nơi khác sinh sống. Ảnh: Ngọc An.  

Anh Lê Anh Tuấn (34 tuổi, ngụ tổ 10, khu phố 1) cho biết: “Nước dâng nhanh kéo theo nhiều loại rác hôi bẩn nhưng rút chậm. Có những hôm đang làm việc ở công ty, nghe người nhà báo mưa, tôi phải xin nghỉ về nhà đưa con nhỏ đi lánh nạn”. Theo anh, mưa bất chợt trong khi nhiều gia đình chủ quan nên tài sản, vật dụng bị nước ngập gây hư hỏng.

“Nhiều hộ thiệt hại lên đến chục triệu đồng. Cháy ti vi, hư tủ lạnh, máy vi tính, quạt điện… là chuyện xảy ra thường xuyên ở khu phố”, Tuấn nói.

Để sống chung với ngập, hàng trăm hộ dân phải nâng nền nhà lên cao. Bà Nguyễn Thị Ấn (56 tuổi) cho biết, cuối năm 2015, bà dùng số tiền dành dụm nhiều năm để tu sửa căn nhà cũ. Phần nền được đổ đất, đá sau đó thảm bên tông để cao hơn mặt đường 1,5 m.

Đêm 1/4/2012, thấy nước mưa ngập vào nhà nên bà Phạm Thị Liễu rời khỏi gác, xuống nền để thu dọn vật dụng. Lúc bà vừa chạm nước thì bị điện giật tử vong.

Ông Trịnh Văn Tự, 66 tuổi, ngụ khu phố 1, phường Long Bình Tân. 

“Khi hoàn thành, căn nhà trở nên kỳ lạ và xấu xí. Thềm cao nên phải chia thành nhiều bậc thang khiến việc đi lại không thoải mái như trước. Mỗi khi đưa xe máy vào nhà là phải huy động hai đến ba người đẩy”, người phụ nữ này nói.

Cũng theo bà Ấn, căn nhà của bà tạm thoát khỏi tình trạng ngập lụt nhưng 5 phòng trọ mà bà kinh doanh bên cạnh vẫn ở nền cũ. Để nước không vào, bà phải xây hệ thống “đê” bao quanh bằng tường bê tông rồi dùng hai tấm cửa thép che chắn cổng vào.

Bà nói: “Mỗi khi mưa thì đóng chặt cửa thép. Nếu nước vẫn tràn vào thì dùng máy bơm để xả ra ngoài. Giải pháp tạm thời và bị động nên có những đêm mưa, ngủ quên, nước vẫn gây ngập khu trọ”.  

nang nen nha tranh ngap o Bien Hoa anh 2
Nhà bà Nguyễn Thị Ấn sau khi nâng nền 1,5 m. Ảnh: Ngọc An.

Việc nâng nhà cần lượng vốn lớn nên nhiều gia đình chỉ xây dựng những phòng trọng yếu. Theo công nhân Lê Ngọc Dương, căn nhà của gia đình rộng gần 100 m2 nên việc nâng toàn bộ nền mất lượng vốn gần 50 triệu đồng. Kinh phí cao trong khi thu nhập có hạn nên anh quyết định đổ bê tông để nâng hai phòng làm chỗ ngủ và chứa vật dụng.

Anh nói: “Khu vực bếp, nhà vệ sinh và phòng khách vẫn ở độ cao cũ nên mỗi lúc mưa là chìm trong biển nước. Bất tiện đủ đường nhưng không còn cách nào khác”.

Ông Đoàn Văn Đoàn, Phó chủ tịch UBND phường Long Bình Tân cho biết, tình trạng ngập mỗi khi mưa diễn ra suốt nhiều năm do lòng suối Bà Lúa chảy qua địa bàn bị thu hẹp, mất khả năng thoát nước. Trong khi đó, lượng nước mưa từ đầu nguồn đổ về ngày càng nhiều khiến ngập càng nghiêm trọng.

“Cuối tháng 6, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường cùng đoàn công tác đã tổ chức khảo sát khu vực suối và chỉ đạo các đơn vị chức năng xử lý. Cuộc sống người dân đang bị ảnh hưởng nên rất mong thành phố, tỉnh sớm giải quyết”, phó chủ tịch UBND phường Long Bình Tân nói.

Theo thống kê của UBND TP Biên Hòa (Đồng Nai), toàn thành phố hiện tồn tại 28 điểm ngập về mùa mưa. Nguyên nhân được xác định là quá trình đô thị hóa nhanh trong khi hệ thống thoát nước cũ kĩ. Tỉnh Đồng Nai lên phương án xây dựng các nhà máy và công trình xử lý nước thải song gặp khó khăn về vốn.

Ngập triền miên, dân Biên Hòa bán nhà đi nơi khác sống

Mỗi khi trời đổ mưa, nhiều khu dân cư, tuyến phố ở Biên Hòa (Đồng Nai) bị ngập sâu đến 1 m làm cuộc sống người dân đảo lộn. Nhiều gia đình quyết định bán nhà đi nơi khác sinh sống.

Ngọc An

Bạn có thể quan tâm