Cuối tháng 3 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa thông tin, cán bộ Ban quản lý khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (huyện miền núi Thường Xuân) đã điều tra, ghi nhận được 7 đàn với tổng số khoảng 200 cá thể voọc xám Đông Dương.
Theo nhà chức trách, đây là số lượng cá thể lớn nhất từ trước đến nay được thu thập được thông tin về đặc điểm sinh thái học một cách khá đầy đủ, có ý nghĩa rất lớn về mặt khoa học và bảo tồn nguồn gen loài voọc xám Đông Dương.
Nhiều đàn voọc xám Đông Dương được phát hiện cuối tháng 3 tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thanh Hóa). Ảnh: Sở NN&PTNT Thanh Hóa. |
Tuy nhiên, trao đổi với Zing.vn, ông Mai Văn Chuyên - Trưởng phòng Bảo tồn (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa) cho biết, việc duy trì và bảo vệ loài linh trưởng nói trên sinh sôi phát triển trong tự nhiên là một bài toán nan giải.
"Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đang đối mặt với tình trạng săn bắt động vật hoang dã và sự suy thoái sinh cảnh. Đây là những đe dọa lớn nhất đối với đàn voọc" – ông Chuyên nói.
Theo ông, ngoài công tác bảo vệ, ngăn chặn sự xâm nhập từ bên ngoài khu bảo tồn, việc nắm chắc số lượng đàn, cá thể, cấu trúc đàn, tập tính sống của voọc là điều quan trọng. Việc dõi biến động của đàn theo định kỳ phải tiến hành chặt chẽ, xem chúng tăng hay giảm để có những biện pháp bảo tồn loài hiệu quả nhất.
Tình trạng săn bắt đang đe dọa đàn voọc xám Đông Dương lớn nhất ở Việt Nam. Ảnh: Sở NN&PTNT Thanh Hóa. |
Ông Nguyễn Đình Hải, Giám đốc Khu bảo tồn Xuân Liên cho hay, đơn vị chú trọng đến việc tăng cường tuần tra, kiểm soát tình trạng săn bắt động vật hoang dã; ngăn chặn, nghiêm cấm khai thác trộm gỗ, chăn thả gia súc tự do, xâm nhập trái phép vào khu bảo tồn; thực hiện các biện pháp lâm sinh thúc đẩy tái sinh tự nhiên rừng; đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân vùng đệm.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, khảo sát, cán bộ Khu bảo tồn vẫn bắt gặp nhiều lán săn và các dàn bẫy động vật được cài trong rừng.
Theo ông Hải, voọc xám Đông Dương ở Xuân Liên đã được ghi nhận từ năm 1998 nhưng chưa có các nghiên cứu chi tiết, gây khó khăn cho công tác bảo tồn.
Voọc xám Đông Dương hiện chỉ có ở 4 nước là Việt Nam, Lào, Thái Lan và Trung Quốc.
Đây là loài động vật đang bị đe dọa tuyệt chủng được ghi trong sách đỏ Việt Nam và trên thế giới. Ngoài ra, loài này còn có tên trong Nhóm IB của Nghị định 32/2006/NĐ-CP và trong "Danh sách các loài nguy cấp, quý, hiếm ưu tiên bảo tồn".
Ở Việt Nam, voọc xám Đông Dương có vùng phân bố lịch sử thuộc 11 tỉnh gồm: Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Phú Thọ, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tỉnh và Quảng Bình.
Hiện, loài này chỉ còn ghi nhận ở 5 tỉnh, trong đó có Thanh Hóa.