Mở đầu là phong trào #MeToo tố cáo những ngôi sao từng quấy rối tình dục đồng nghiệp hoặc khán giả nữ, nối tiếng là việc khán giả đứng lên đấu tranh cho Jang Ja Yeon, gần đây là việc tố cáo loạt nghệ sĩ trẻ từng bạo lực học đường và quấy rối bạn học, người hâm mộ Hàn Quốc những năm gần đây đã nghiêm túc hơn trong việc chấm dứt nạn quấy rối trong ngành giải trí.
Tất nhiên, quấy rối tình dục, body shaming và miệt thị nhân phẩm là những vấn nạn nghiêm trọng, không thể chấm dứt trong ngày một ngày hai. Nhất là khi nhiều trường hợp quấy rối bằng lời nói, hoặc hành đồng gián tiếp, vẫn bị coi nhẹ và chưa có biện pháp xử lý đúng đắn.
Khi quấy rối không chỉ là hành động sàm sỡ
Trong tiếng Anh có cụm từ "catcall" - chỉ hành vi quấy rối tình dục bằng lời nói trên đường phố. Ví dụ, một chàng trai nhìn thấy cô gái đi ngang qua và buông ra những lời trêu ghẹo, bình phẩm khiếm nhã, đây chính là catcall.
Kwon Hyuk Jung từ bỏ giấc mơ làm ca sĩ sau khi bị giám đốc công ty giải trí quấy rối. |
Đưa ra ví dụ trên để thấy, không phải chỉ đụng chạm tay chân, sàm sỡ thân thể mới là quấy rối tình dục, mà việc buông tuồng lời nói không đúng mực cũng chính là hành vi quấy rối.
Chẳng hạn, vào tháng 7/2019, một cựu thực tập sinh tên Kwon Hyuk Jung tiết lộ cô phải từ bỏ giấc mơ làm ca sĩ thần tượng vì bị giám đốc công ty quản lý quấy rối. "Trong phòng họp chỉ có tôi và ông ta. Ông ta nói những lời rất khiếm nhã, bình phẩm thân thể tôi, và dụ dỗ tôi cởi đồ để ông ta ngắm", Kwon chia sẻ. Bị quấy rối, cô bỏ đi khỏi công ty trên và không dám theo đuổi giấc mơ ca hát nữa.
Tháng 9/2020, nhóm nhạc nữ Fanatics có buổi livestream trò chuyện với người hâm mộ. Xuất hiện trong khung hình, các cô gái đều mặc váy hoặc quần rất ngắn, để lộ đùi. Ống kính ghi hình liên tục được điều chỉnh, nhiều khoảnh khắc khiến các thành viên rơi vào tình trạng hớ hênh.
Sau đó, một người trong hậu trường (khán giả cho rằng đây là thành viên khác trong nhóm có tên Yoon Hye) đưa cho bốn cô gái một chiếc áo khoác để che chân. Ngay lập tức, phía sau ống kính vang lên tiếng quát giận dữ: "Làm gì thế? Tôi cố tình muốn mấy người này lộ chân ra cơ mà". Được biết, người lên tiếng trên cũng chính quản lý của nhóm, và là người liên tục điều chỉnh ống kính từ đầu. Hành vi của quản lý được xem là quấy rối Fanatics - nhóm nhạc có độ tuổi khá nhỏ, người nhỏ tuổi nhất sinh năm 2003.
Một tình huống quấy rối tình dục xảy ra khá thường xuyên với các thần tượng Hàn Quốc nhưng không có phương pháp ngăn chặn hiệu quả là quấy rối trên sóng livestream. Khi còn sống, Sulli thường xuyên bị quấy rối bằng lời nói khi livestream trò chuyện với fan. Nhiều người đề cập đến chuyện "giường chiếu" của cô và Choiza, hoặc nhắc đến các bộ phận cơ thể của Sulli khiến ngôi sao sinh năm 1994 tức giận, lo lắng.
Lisa từng bị bình luận khiếm nhã về ngoại hình nhiều lần, việc này khiến người hâm mộ tức giận và yêu cầu YG phải đưa ra biện pháp bảo vệ nghệ sĩ. Rosé nhận được bình luận có nội dung "cô xứng đáng bị cưỡng bức" khi đang trò chuyện với fan trên mạng, nhưng không thể tìm ra chủ nhân của bình luận quấy rối trên.
Tương tự tình huống của Rosé, Yeri (Red Velvet), Hyeri (Girl's Day) hay Nancy (Momoland) cũng phải nhận rất nhiều bình luận có nội dung quấy rối, dọa cưỡng bức... trên mạng. Thậm chí, việc xâm hại Nancy không chỉ dừng lại ở những lời bình phẩm, bởi nữ thần tượng đã bị chụp lén ảnh nhạy cảm khi đang thay trang phục.
Khi còn sống, Sulli liên tục bị quấy rối qua mạng xã hội. |
Người trong nghề tiếp tay
Không chỉ bị quấy rối tình dục, các sao Kpop còn bị miệt thị ngoại hình công khai bởi chính các thành viên trong ê-kíp quay hoặc người hâm mộ. Trong buổi ghi hình show Hello vào năm 2013, một khách mời liên tục chỉ trích ngoại hình của nhóm f(x) và nhấn mạnh rằng cánh tay, bắp chân của Sulli quá to, yêu cầu cô phải giảm cân.
Trong buổi họp báo ra mắt ca khúc Cheer Up (2016), Ji Hyo đã khá buồn khi bị nhà báo miệt thị ngoại hình ngay trước đám đông. Cụ thể, khi trò chuyện với truyền thông, một nhà báo đã nói to: "Ji Hyo, cô béo quá".
Một MC, nhà báo khác cũng có lời bình phẩm về ngoại hình khiến YoonA (SNSD) bối rối khi phỏng vấn nữ ca sĩ trong chương trình Entertainment Weekly (KBS). Người này mô tả cô khá gầy, có vòng eo "bằng nắm tay". YoonA không hài lòng với lời nói trên nên đã mạnh mẽ đáp trả: "Vòng eo của tôi không tới mức ấy, tay anh nhỏ vậy ư?".
Hay như trường hợp của Kyla - cựu thành viên Pristin, cô từng bị cánh nhà báo ngó lơ, không chụp hình vì có ngoại hình mũm mĩm. Khi tới lượt Kyla tạo dáng trên backdrop sân khấu, rất nhiều phóng viên ảnh đã bỏ máy xuống, tỏ ý không muốn chụp hình cô. Một số còn lên tiếng yêu cầu Kyla nhanh rời vị trí, nhường chỗ cho thành viên khác tạo dáng.
Một trong những biện pháp quấy rối rất phổ biến trên mạng là quay fancam nữ nghệ sĩ. Nhưng thay vì quay toàn thân để cho người xem thấy kỹ năng vũ đạo, ca hát, người quay video lại chỉ tập trung vào các vùng nhạy cảm của nữ nghệ sĩ.
Nhiều người chỉ tập trung quay các vùng nhạy cảm của nghệ sĩ nữ để đăng tải lên YouTube. |
Không khó để tìm thấy các video quay rõ vòng một, vòng ba, hoặc quay hất từ dưới chân lên để nhìn thấy nội y phía trong trang phục diễn của các nữ ca sĩ. Điều đáng nói là các video trên đều có lượt xem khá cao trên YouTube, phía dưới video có nhiều lời bình phẩm khiếm nhã về thân hình của nữ nghệ sĩ.
Một hình thức quấy rối mới xuất hiện thời gian gần đây là công nghệ ghép mặt deepfake. Công nghệ ghép mặt mới này cho phép người dùng thay thế khuôn mặt và giọng nói của một nghệ sĩ vào bất kỳ đoạn video nào họ muốn. Bắt đầu từ việc ghép thần tượng này vào video bài hát của thần tượng khác, đến ghép mặt nghệ sĩ vào video có tính chất nguy hiểm. Sau đó, người hâm mộ phát hiện rất nhiều thần tượng nổi tiếng như BlackPink, TWICE, Red Velvet, IU... bị ghép mặt vào các video đồi trụy.
Các video giả mạo trên được cho là ghép rất tinh vi, công nghệ deepfake khiến khuôn mặt được lắp ghép vào thân hình của người khác khá thật, đánh lừa nhiều người. Các video deepfake ghép mặt thần tượng vào cảnh đồi trụy được rao bán công khai trên các trang web khiêu dâm.
Chính phủ Hàn Quốc đủ quyết liệt?
Thực tế, vấn nạn deepfake đã xuất hiện tại Hàn Quốc từ lâu và được chính phủ nước này quan tâm, chủ động kêu gọi ngăn chặn.
Một nghiên cứu vào năm 2019 của công ty an ninh mạng Hà Lan Deeptrace Labs chỉ ra có khoảng 25% nội dung khiêu dâm được thực hiện bằng deepfake sử dụng khuôn mặt sao nữ Hàn Quốc, theo Rolling Stone. Vì tính nguy hiểm của những video giả mạo sao nữ nói riêng và phụ nữ Hàn Quốc nói chung, chính phủ Hàn đã đưa vấn nạn deepfake ra thảo luận tại các phiên họp, dự kiến đưa ra luật riêng cho loại hình phạm tội trên từ năm 2019.
Một thống kê cho thấy 25% nội dung khiêu dâm được thực hiện bằng deepfake sử dụng khuôn mặt sao nữ Hàn Quốc. |
Theo thông tin lưu lại trên Yonhap News, dân biểu Park Dae Chul của Đảng Tự do Hàn Quốc đã đề xuất sửa đổi luật hiện hành về Tội phạm tình dục. Theo đó, với luật sửa đổi mới, chính quyền có thể đưa ra hình phạt lên tới 7 năm tù cho những người tạo ra, phân phối video tình dục giả mạo từ deepfake hoặc các phần mềm tương tự.
"Nhiều phụ nữ trở thành nạn nhân của các video hình thành từ công nghệ deepfake tinh vi. Công nghệ này cũng có thể làm mất ổn định các cuộc bầu cử. Tôi cho rằng đề xuất sửa đổi luật để phòng chống deepfake là bước đầu tiên cần làm", một đại biểu quốc hội họ Kim chia sẻ quan điểm.
Lee Dong Hwi - giáo sư khoa An toàn Thông tin tại Đại học Dongshin - đồng ý cần có luật để bảo vệ nạn nhân của các vụ lừa đảo liên quan đến deepfake. Tuy nhiên, các đơn vị lập pháp cần có cách tiếp cận cẩn thận trước khi quyết định phạm vi tác động của dự luật, tránh gây ảnh hưởng tới quyền tự do ngôn luận.
"Lý do tại sao các nhà lập pháp đề xuất dự luật deepfake là bởi thực sự rất khó để phân biệt thật giả với các video ấy", giáo sư Lee chia sẻ với Korea Times. Tuy nhiên, dự án luật được đưa ra thảo luận từ năm 2019, tới nay vẫn chưa có kết quả. Do đó, deepfake vẫn là vấn nạn nghiêm trọng, khó xóa bỏ trong ngành giải trí.
Cũng tương tự deepfake, các vấn nạn quấy rối bằng lời nói, ống kính quay phim chụp ảnh đã tồn tại trong showbiz hàng chục năm, và chưa từng được đưa ra thảo luận và tìm cách ngăn chặn một cách nghiêm túc, đúng đắn. Kéo theo đó, các nghệ sĩ vẫn phải chịu đựng việc bị quấy rối ngang nhiên mỗi ngày bằng lời nói, ống kính mà không được bảo vệ đúng mức.