Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nạn nhân thiệt mạng vụ sập nhà đa phần là phụ nữ

Các nhà chức trách cho biết, số người thiệt mạng trong vụ sập tòa nhà 8 tầng ở Thủ đô Dhaka, Bangladesh đã tăng lên 119 người, chủ yếu là nữ giới, làm việc trong các xưởng may bên trong tòa nhà.

Nạn nhân thiệt mạng vụ sập nhà đa phần là phụ nữ

Các nhà chức trách cho biết, số người thiệt mạng trong vụ sập tòa nhà 8 tầng ở Thủ đô Dhaka, Bangladesh đã tăng lên 119 người, chủ yếu là nữ giới, làm việc trong các xưởng may bên trong tòa nhà.

Suốt đêm qua, những người tình nguyện và thân nhân các công nhân mất tích vẫn miệt mài đào bới đống đổ nát bằng các công cụ thô sơ hay thậm chí là tay không để tìm người mắc kẹt. Lực lượng cứu hộ với sự hỗ trợ của các loại máy móc chuyên dụng cũng đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người còn sống.

Một nạn nhân vụ sập nhà được đưa khỏi hiện trường.

Tuy nhiên, các nhà chức trách lo ngại, số nạn nhân thiệt mạng chắc chắn sẽ tăng lên con số hàng trăm bởi tính tới thời điểm hiện tại, vẫn còn rất nhiều người đang mắc kẹt trong đống đổ nát. Đáng buồn hơn, đa phần những nạn nhân thiệt mạng trong vụ sập tòa nhà 8 tầng ở Thủ đô Dhaka đều là phụ nữ đang trong độ tuổi lao động.

Một nhân viên cứu hộ cho biết, có khoảng 2.000 người đang làm việc bên trong tòa nhà lúc nó đổ sập. Tính tới thời điểm hiện tại, khoảng 1.000 người đã được kéo ra khỏi những đống gạch vụn của tòa nhà. Tuy nhiên, một số ước tính khác thì cho rằng, có tới 5.000 công nhân đang làm bên trong tòa nhà khi xảy ra sự cố lúc 9h sáng (giờ địa phương).

Người phụ nữ đẫm lệ khi ngóng tin người thân mắc kẹt dưới đống đổ nát tòa nhà 8 tầng.

Theo một số nguồn tin, các công nhân bị buộc phải làm việc bên trong tòa nhà xập xệ dù hàng loạt vết nứt lớn được phát hiện xung quanh công trình này. Mohammad Asaduzzaman, cảnh sát trưởng khu vực cho biết, dường như chủ sở hữu của các xưởng may đã phớt lờ cảnh báo của các nhà chức trách, tiếp tục buộc công nhân phải làm việc trong điều kiện nguy hiểm.

Có ít nhất 5 nhà máy sản xuất đồ may mặc đặt cơ sở sản xuất bên trong tòa nhà. Do hoạt động trong lĩnh vực may mặc nên hầu hết công nhân có mặt lúc xảy ra sự cố đều là phụ nữ. Đa phần các nhà máy này đều sản xuất các mặt hàng xuất khẩu sang châu Âu. Nhân công rẻ khiến Bangladesh thu hút nhiều sự đầu tư từ nước ngoài.

Hiện trường vụ sập nhà.

Trên thực tế, ngành công nghiệp dệt may đang bùng nổ tại Bangladesh và trở thành nguồn thu ngoại tệ lớn của đất nước. Không chỉ giải quyết số lượng lớn lao động trình độ thấp, ngành công nghiệp này còn tạo bàn đạp giúp Bangladesh phát triển nền kinh tế vốn được coi là nghèo nàn ở khu vực Nam Á.

Tuy nhiên, hàng loạt sự cố có liên quan đến tiêu chuẩn an toàn trong sản xuất như hỏa hoạn, sập nhà và những tai nạn lao động khác đang cản trở nghiêm trọng sự phát triển của ngành công nghiệp này. Mới chỉ trong tháng 11 năm ngoái, một vụ cháy nhà máy may nằm ở ngoại ô Thủ đô Dhaka đã cướp đi mạng sống của 112 công nhân và làm hàng trăm người khác bị thương.

Về phía các nhà chức trách Bangladesh, một cuộc điều tra nhằm làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm trong vụ sập tòa nhà 8 tầng đang được tiến hành. Thủ tướng Bangladesh, Sheikh Hasina tuyên bố hôm nay sẽ là ngày quốc tang của đất nước nhằm tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng trong sự cố sập nhà đẫm máu.

 
Video: Hiện trường vụ sập nhà 8 tầng ở Bangladesh.

Hồng Duy

Theo Infonet

Hồng Duy

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm