Nấm mồ tập thể
Ông Nguyễn Văn Duy, ở xóm 8 xã An Ninh (Tiền Hải, Thái Bình) bật khóc nức nở khi nghĩ lại thảm cảnh nạn đói 1945: “Giá như phát xít Nhật không kìm kẹp, bóc lột người dân, hoặc cho chở lương thực ra bắc, thì đã không xảy ra thảm cảnh như thế!”.
Ông Duy vốn đi ở cho địa chủ, nên khi nạn đói xảy ra, được địa chủ giữ lại trong nhà làm bảo vệ, vì sợ bị cướp bóc, nên ông sống sót.
Nhưng những lần lên tận thị xã Thái Bình, sang Nam Định mua đồ cho chủ, ông không quên nổi cảnh tượng từng đoàn người rách rưới, giơ xương, âm thầm dắt díu nhau đi.
Họ không ồn ào, không cười nói, và ông cũng không phân biệt nổi nam nữ, chỉ có thể nhìn vào những thân hình cao thấp để biết đâu là trẻ con, đâu là người lớn. Cứ đi được một lát, lại có người đổ gục, mắt mở trừng trừng không biết sống hay là chết.
Ông cho một người đàn bà nắm cơm, bà ta kéo đầu đứa con để chia cho nó, nhưng gọi mãi không thấy thưa, mới biết con đã chết trên lưng từ bao giờ.
Ông Nguyễn Văn Duy. |
Những người có anh em họ hàng ở tỉnh xa như Yên Bái, Phú Thọ, họ lên ở nhờ thì còn sống. Những người không ở nhờ được thì đi khắp nơi, rồi kiệt sức mà chịu chết.
Cứ đi một đoạn, ông lại thấy cảnh tuần đinh lấy dây buộc vào cổ tay, cổ chân, cổ họng người chết rồi kéo lê ra hố chôn tập thể quăng xuống. Có người chưa chết hẳn, bỗng dưng bản năng trỗi dậy, giãy giụa được 1 tý rồi lại nằm im.
Thời điểm ông Tô Minh Thuyết lên đường ra Hà Nội theo bố lánh nạn, ông hãi hùng khi trước mắt mình là những tốp người ùn ùn kéo nhau đi. Đó là những cái đầu trơ sọ, hai con mắt vàng trũng thất thần. Họ nằm, bò, lê, và chết gục giữa đường, bên lề đường.
Hình ảnh con người trong nạn đói Ất Dậu. |
Những người còn sống sót, còn sức đi ăn xin, thì điểm hẹn sinh tồn của họ chính là thủ đô Hà Nội cùng những đô thị lớn khác. Nhưng con đường hành hương tìm sự sống ấy, phần lớn là tìm đến cái chết.
Nghĩa trang Hợp Thiện, nằm cuối một con hẻm trên đường Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), tuy nhỏ nhưng khang trang sạch sẽ. Bước qua cánh cổng là tấm bia đá lớn, có khắc bài thơ của Giáo sư Vũ Khiêu, truy điệu đồng bào chết đói năm 1945: “Một cơn gió bụi vừa tan/ Hai triệu sinh linh đã mất/ Khí oan tối cả mây trời/ Thây lạnh phơi đầy cỏ đất...”.
Những dòng chữ ấy khiến ai bước chân vào đây, đều cảm thấy cay cay nơi khóe mắt.
Ông Đặng Văn Tuyến, người tự nguyện trông coi nghĩa trang này đã 10 năm nay, xúc động cho biết: “Dưới tấm bia là bể xương khổng lồ, xương nhiều không đếm nổi. Hàng vạn số phận tang thương nằm lẫn lộn dưới đó”.
Ngôi mộ tập thể ở Kim Ngưu là nơi chôn đồng bào chịu chung nạn đói từ khắp nơi đổ về Hà Nội. Nhưng đối với tỉnh Thái Bình, là nơi thảm cảnh xảy ra khủng khiếp nhất, thì không biết có bao nhiêu người con đã nằm lại oan ức tại đây?
Dưới tấm bia này là xương cốt của hàng vạn đồng bào trong nạn đói Ất Dậu. |
Ông Tuyến chỉ cho tôi xem những tấm ảnh người kéo xe chở đầy hài cốt, hình ảnh người dân đào móng xây bể mộ, những bãi xương trắng chất chồng.
Ông bảo, ông đã đón rất nhiều đoàn khách đến đây thăm viếng, tây ta đủ cả. Nhiều nhất vẫn là người Nhật, họ rất ăn năn. Có người bày tỏ: “Người Nhật đã gây ra thảm họa này. Chúng tôi tuy không trực tiếp gây nên, nhưng chúng tôi đến đây mong được tạ lỗi với các vong…”.
Gần 70 năm đã qua đi, Thái Bình giờ thay da đổi thịt, đô thị phát triển sầm uất, xóm Trại, thôn Hiên, thôn Thượng... nơi chết gần hết cả làng, cả dòng họ, đã là những làng quê đầm ấm khang trang.
Tuy nhiên, một số người vẫn thắc mắc, khi tỉnh Thái Bình không có một khu tưởng niệm nào, một đài tưởng niệm, hay một tấm bia ghi chép... để tưởng nhớ, để nhắc nhở mọi người không bao giờ quên nỗi đau khủng khiếp của nạn đói 1945.
Nhà nghiên cứu sử Đặng Hùng cho biết, nạn đói Ất Dậu là sự kiện đặc biệt của quê lúa, quá thảm khốc, quá đau thương. Theo ông, cần thiết có một nơi tưởng niệm những linh hồn xấu số của nạn đói, để nhắc nhớ con cháu biết trân trọng cuộc sống hiện tại.