'Không ai đẻ ra đã là ngôi sao'
- Tập 4 Vietnam's Next Top Model gây xôn xao vì chuyện mâu thuẫn nhà chung, khi các thí sinh xảy ra xô xát, hất nước vào mặt nhau. Nhiều người cho rằng đây là cách hành xử "chợ búa", thiếu văn hóa. Là giám khảo chương trình, anh nghĩ sao về nhận định này?
- Những gì công chúng nghĩ, tôi và bạn không thể nghĩ thay họ. Còn về phía cá nhân mình, một thành viên của ban giám khảo, tôi nghĩ rằng mọi câu chuyện phải đặt đúng hoàn cảnh, đúng bối cảnh và đúng với cảm xúc của nhân vật lúc đó mới thực sự hiểu được.
Với danh nghĩa một người anh, một người đã có thời gian theo dõi các em, tôi thông cảm với những bộc phát của những người trẻ. Tôi cũng luôn nói với các bạn rằng trên hành trình đến sự thành công, các em cần biết học hỏi, lắng nghe, thấu hiểu, thay đổi và cũng cần có thời gian để điều chỉnh hành vi nhằm ngày một hoàn thiện hơn.
- Mùa giải All stars là mùa giải dành cho các thí sinh đã là người mẫu chuyên nghiệp. Phong thái của ngôi sao được đề cao. Nhưng những gì đang diễn ra dường như lại đi ngược lại với tiêu chí của chương trình. Anh có đồng ý?
- Như tôi đã nói ở trên, bất cứ một sự thành công nào cũng cần có hành trình và quy trình bởi không ai đẻ ra đã là ngôi sao. Và tôi tin rằng đa phần ngôi sao lớn từ Việt Nam cho đến thế giới đều có những va vấp thời trẻ.
Nếu 13 thí sinh đã là những ngôi sao thực thụ với phương thức giao đãi, ứng xử và hành vi như những ngôi sao hàng đầu thì họ đã không xuất hiện trong đường đua này.
Nam Trung ngồi ghế giám khảo Vietnam's Next Top Model 2017 cùng Trương Ngọc Ánh và Võ Hoàng Yến. Ảnh: BTC. |
- Chuyện mâu thuẫn giữa anh và Hoàng Yến trong tập 4, dẫn đến việc Hoàng Yến bỏ ghế giám khảo, cũng gây ra những phản ứng trái chiều. Hai cái tôi quá lớn đụng nhau ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến chương trình. Anh giải thích thế nào?
- Đối với tôi, Hoàng Yến là một gương mặt tài năng, cá tính của làng mẫu Việt. Những gì thuộc về giá trị của Yến, người trong nghề và công chúng đã ghi nhận, trong đó có tôi. Tôi lặp lại câu nói của mình trong chương trình, nếu không tôn trọng Yến thì cô ấy đừng mong đi chung cửa, chứ đừng nói gì ngồi bên cạnh tôi.
Tuy nhiên, việc tranh cãi trong công việc lại là phạm trù khác và tôi luôn cho rằng chỉ có những va vấp quan điểm, tranh cãi trong công việc mới thúc đẩy mọi chuyện tiến lên và kéo những cá thể lại gần nhau sau khi đã hiểu nhau hơn về mọi mặt, bao gồm cả điều được và chưa được.
Hơn nữa, sau những tranh cãi, một người cầu thị luôn biết cách học hỏi, sửa chữa để mọi việc tốt lên, cũng vì kết quả chung. Và trong trường hợp ngược lại, những người không có tinh thần cầu thị sẽ luôn bài xích hoặc tát nước theo mưa, còn nếu không thì lảng tránh.
Đối với trường hợp Võ Hoàng Yến, tôi nhớ đến câu “tre già măng mọc”. Lớp măng “chắc, khoẻ” như thế sẽ trở thành những lớp tre cao, khoẻ và bền vững trước những cơn bão tố phong ba.
'Mỗi người có chuẩn mực riêng về sự đanh đá'
- Không thể phủ nhận sức hút của cái tên Nam Trung khi trở lại ghế nóng Vietnam's Next Top Model 2017. Nhưng khán giả nhắc đến sự "đanh đá" của anh nhiều hơn là trình độ chuyên môn. Anh có khó chịu?
- Mỗi người đều có một “chuẩn mực” về sự “đanh đá” khác nhau. Tôi không cho rằng việc một người nói đúng ngữ điệu, có lên có xuống, nhấn nhá đúng trọng tâm lại là một biểu hiện của sự đanh đá.
Những biểu cảm dữ dằn của Nam Trung trên ghế nóng khiến anh bị nhận xét đanh đá. Ảnh: BTC. |
- Anh rất tận tình khi hướng dẫn thí sinh Next Top Model, nhưng cách nói dễ khiến người khác phật lòng, cũng dễ bị khán giả ghét. Thậm chí nhiều người còn nói anh đàn bà. Chẳng lẽ lúc nào anh cũng bỏ ngoài tai những nhận xét không hay về mình?
- Tôi cũng đã quen nên không lấy làm khó chịu. Còn nếu cứ khó chịu về những điều mình không ưng ý, về việc người khác nghĩ thì thú thật, tôi sẽ chẳng có thời gian để làm việc gì khác ngoài việc ngồi một chỗ âu sầu, bực bội với những năng lượng xấu được tiếp nhận.
Mỗi cuộc đời như cuốn sách vậy đó bạn, hãy đọc hết một cuốn sách để khi gập lại là sự nghiền ngẫm, nghiên cứu cụ thể chứ đừng chỉ xem mỗi cái bìa.
- Sau bốn tập phát sóng, Vietnam's Next Top Model bị chê lạm dụng drama, làm giảm tính chuyên môn. Là người trong cuộc, anh có thừa nhận điều đó?
- Những ai là khán giả trung thành của Vietnam's Next Top Model sẽ tự động hiểu nhận định trên sai như thế nào. Tính chuyên môn trong từng thử thách và trong phần chụp hình của chương trình là điều không thể chối cãi với sự nâng cao tính nghề và cập nhật với xu hướng nghề như hiện nay.
- Nhưng phải chăng yếu tố drama vẫn cần tiết chế để khán giả có thể nhìn nhận rõ hơn về thí sinh cũng như tính chuyên môn của chương trình?
- Với tôi, thử thách như nguyên liệu và drama trong chương trình giống như gia vị. Cách nêm nếm sao cho gia vị đừng át và làm mất mùi vị của chất liệu, đó chắc chắn là một món ăn ngon.
- Khán giả luôn nghi ngờ về tính thật - giả của truyền hình thực tế, rằng giám khảo hay thí sinh cũng chỉ là "quân cờ" trong tay nhà sản xuất. Có đúng vậy không?
- Tôi nghĩ mỗi chương trình truyền hình thực tế là sự cộng sinh của nhiều bộ phận khác nhau với sự đóng góp công sức dựa trên khả năng của từng cá thể.