Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nam thanh niên viêm não vì ăn tiết canh

Ngày 12/2, TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, viện đã tiếp nhận cấp cứu cho một thanh niên mắc bệnh viêm màng não mô cầu do ăn tiết canh.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Phó trưởng khoa cấp cứu, BV Nhiệt đới trung ương – người trực tiếp điều trị cho hay, bệnh nhân là Nguyễn Văn D. (21 tuổi, quê Phú Xuyên, Hà Nội) nhập viện ngày 10/2, trong tình trạng sốt, có phát ban và trước đó có ăn tiết canh. Kết quả xét nghiệm, chẩn đoán ban đầu cho thấy bệnh nhân bị viêm màng não mủ sốc do nhiễm trùng máu. 

“Do bệnh nhân có sốt phát ban và ăn tiết canh, khá giống với bệnh cảnh của bệnh liên cầu lợn, hoặc các bệnh hoại tử khác, vì vậy việc chẩn đoán gặp nhiều khó khăn”, bác sĩ Cấp nói. 

Sau 2 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã hết sốt, giảm các vết ban, sức khỏe tiến triển tốt. Bệnh viện cũng đã thông báo cho y tế dự phòng nơi bệnh nhân sinh sống để tiến hành khoanh vùng kiểm soát và cho người dân uống thuốc dự phòng. 

Bệnh nhân đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ.

Theo bác sĩ Cấp, bệnh não mô cầu là căn bệnh đặc biệt nguy hiểm bởi bệnh lây nhanh, tỷ lệ tử vong cao (từ 50-70% số mắc). Bệnh có thể lây qua đường hô hấp, vì các vi khuẩn cư trú ở vòm họng phát tán ra không khí qua đường nói chuyện, hắt hơi, nước bọt…

“Viêm màng não mô cầu rất nguy hiểm vì gây ra hai bệnh lý chính là viêm màng não mủ và nhiễm trùng máu. Với nhiễm trùng máu, bệnh nhân có thể rơi vào sốc, tỷ lệ tử vong rất lớn. Bệnh diễn biến nhanh, tử vong nhanh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời” - ông Cấp khẳng định. 

Bác sĩ Cấp cảnh báo, do tính chất của bệnh diễn biến nhanh, nguy cơ tử vong cao vì vậy người dân và các bác sĩ điều trị cần lưu ý: Đối với người bị bệnh cần được chẩn đoán, cách ly sớm, điều trị bằng kháng sinh phù hợp càng sớm càng tốt. Đối với bác sĩ điều trị cần phải sử dụng găng tay, khẩu trang và rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc trực tiếp. 

Riêng đối với người tiếp xúc với bệnh nhân hoặc với nguồn bệnh không được phòng bệnh thì cần được uống thuốc kháng sinh dự phòng. 

Bác sĩ Cấp cho biết bệnh não mô cầu là bệnh hiếm gặp vì người dân đã được tiêm vaccine dự phòng. Trong những năm gần đây chỉ xuất hiện một hai ca. Khi xuất hiện cơ quan y tế đã lập tức cách ly bệnh nhân và xử lý môi trường. 

http://danviet.vn/thoi-su/nam-thanh-nien-viem-nao-vi-an-tiet-canh/20140212043131163p1c24.htm

Theo Dân Việt

Bạn có thể quan tâm