ĐH Otago được thành lập vào năm 1869, xếp hạng 2 tại New Zealand (theo CWUR) và xếp hạng thứ 184 trong bảng xếp hạng QS Rankings năm 2020-2021. Văn Hậu trúng tuyển học bổng tiến sĩ toàn phần ngành Marketing, nghiên cứu về hành vi tiêu dùng của khách hàng trong việc hướng tới tiêu dùng xanh.
Ngoài ra, Hậu còn được nhận vào University of Leeds (UK), Cardiff University (UK), University of Glasgow (UK), Bournemouth University (UK), Curtin University (AU), Victoria University of Wellington (New Zealand).
Phạm Văn Hậu được nhận vào học tiến sĩ tại Đại học Otago (New Zealand) với mức hỗ trợ toàn phần. |
Hậu nói gia đình ở quê không mấy khá giả nên việc chi trả mức phí du học từ đại học là không thể. Vì vậy, Hậu tìm cách học tập thật hiệu quả để có điểm số tốt, đặt mục tiêu giữ vị trí trong top. Anh đồng thời tận dụng cơ hội từ các chương trình trao đổi để làm mạnh hồ sơ, chuẩn bị tốt cho quá trình xin học bổng ở bậc thạc sĩ.
“Mỗi ngày, mình thường đọc báo, xem tin tức, đọc các nghiên cứu khoa học khoảng 1-2 tiếng/ngày để bổ trợ cho bài giảng trên lớp, thời gian còn lại mình đi làm. Ngoài ra, mình nhận thấy không nên học quá nhiều, học đúng phương pháp mới hiệu quả”, Hậu nói.
Với sự nỗ lực liên tục, Văn Hậu giành nhiều học bổng, trở thành sinh viên 5 Tốt cấp Trung ương năm 2019 và tốt nghiệp xuất sắc ngành Kinh tế tại ĐH Kinh tế Quốc dân.
Để xin được học bổng Thạc sĩ, Hậu cho biết cần chuẩn bị hồ sơ thể hiện tốt thành tích của bản thân, các hoạt động ngoại khóa, xuất bản khoa học và kinh nghiệm bản thân. Đặc biệt, ứng viên cần lựa chọn môi trường học tập phù hợp với khả năng và làm mạnh hồ sơ của mình.
Đối với học bổng tiến sĩ, Hậu đã gửi email đến các giáo sư và tìm hiểu cách nộp hồ sơ vào các trường đại học. Theo Hậu, việc chuẩn bị một hồ sơ mạnh và đề xuất nghiên cứu là điều cần thiết. Mỗi giáo sư sẽ có hướng đi khác nhau theo điểm mạnh riêng nên các đề xuất nghiên cứu sẽ được sửa theo hướng của họ.
“Mình từng nộp vài trăm email đến giáo sư, phải đọc và tìm hiểu về họ rất nhiều trước khi gửi email xin hướng dẫn. Lúc làm đề xuất nghiên cứu, mình phải sửa đi sửa lại rất nhiều lần mới ổn. Mình nhớ có những ngày tham gia 4 cuộc phỏng vấn, cách nhau khoảng 10-15 phút để trao đổi hướng nghiên cứu với giáo sư xem có phù hợp với họ hay không, từ đó chuẩn bị tốt hơn trước khi nộp hồ sơ.” Hậu nhớ lại.
Trong đó, hồ sơ bao gồm nhiều giấy tờ như thư giới thiệu, thư động lực học bổng, thư xin vào chương trình, thành tích, hoạt động ngoại khóa, chứng chỉ kèm theo... Chàng trai Hải Dương cho biết phải mất một năm hoàn thành các giấy tờ này.
Về phần bài luận, chàng trai Hải Dương cho biết chủ đề hướng về bản thân, thể hiện động lực và mong muốn học tập như thế nào. Hậu nhấn mạnh một bài luận cần có những chứng thực xác đáng, số liệu cụ thể và không cần viết quá hoa mỹ.
“Bạn nói bạn học xuất sắc tại lớp, bạn hãy nói bạn thuộc top 1% của lớp hoặc top 5% của trường theo bảng điểm hoặc đánh giá. Bạn cũng nên liên kết các kinh nghiệm để móc nối các sự kiện dẫn bạn đến quyết định đi du học. Một bài luận tốt phải thể hiện được lối văn phong tiếng Anh mạch lạc, rõ ràng và logic", Hậu chia sẻ.
Phạm Văn Hậu tại lễ tốt nghiệp trường ĐH Kinh tế Quốc dân. |
Ngoài ra, về đề xuất nghiên cứu khi xin học bổng, Hậu cho rằng phải xác định được hướng nghiên cứu sao cho thực sự phù hợp với những kiến thức và kỹ năng bạn có. Tiếp theo, bạn cần chọn những chủ đề mà đang là xu thế của hiện đại.
“Đề tài mình chọn về hành vi tiêu dùng của khách hàng hướng đến bảo vệ môi trường. Đồng thời, bạn cần đọc các tài liệu và các nghiên cứu liên quan đến đề tài của mình để phát triển một đề xuất cho chỉn chu. Bạn cũng nên hỏi các chuyên gia hoặc thầy cô trong ngành để sửa cho chi tiết” Hậu nói.
Theo Hậu, thời gian chờ đợi học bổng rất dài nên bản thân phải giữ vững tinh thần, luôn trong trạng thái đón nhận thất bại đến bất cứ lúc nào. Để ghi điểm trước hội đồng tuyển sinh, bạn cần cho họ thấy bạn có đam mê và nhiệt huyết cùng với những gì bạn đã làm được trước đó.
Trong tương lai, Văn Hậu tập trung hoàn thành chương trình tiến sĩ tại ĐH Otago (New Zealand). Sau khi tốt nghiệp, Hậu mong muốn trở về Việt Nam giảng dạy tại các trường đại học và nghiên cứu chuyên sâu.