Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nam sinh Bách khoa có 8 bài báo ISI-Q1 được công bố

Tham gia nghiên cứu khoa học từ cuối năm thứ hai đại học, đến nay, Vũ Ngọc Việt Hoàng sở hữu 8 bài báo ISI-Q1 được công bố.

Vũ Ngọc Việt Hoàng là sinh viên ngành Công nghệ chế tạo máy của Đại học Bách khoa Hà Nội. Được thầy giáo truyền cảm hứng nghiên cứu, chàng trai sinh năm 1998 đã sở hữu 8 công trình nghiên cứu được đăng trên tạp chí khoa học ISI-Q1, trong đó có 3 bài đứng tên đầu.

"Bén duyên" với nghiên cứu khoa học theo cách đặc biệt

Chia sẻ với Zing, Việt Hoàng cho biết bạn bắt đầu theo đuổi nghiên cứu từ cuối năm thứ hai đại học. Khi học môn Chi tiết máy của thạc sĩ Đinh Gia Ninh, chàng trai Thái Bình ấn tượng với phương pháp giảng dạy và cách truyền cảm hứng của thầy giáo trẻ.

Thầy Ninh thường giúp sinh viên tìm định hướng phù hợp cho bản thân và tiếp thêm động lực, giúp sinh viên theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học thực thụ.

sinh vien Bach khoa lam nghien cuu anh 1

Vũ Ngọc Việt Hoàng là sinh viên ngành Công nghệ chế tạo máy tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Việt Hoàng.

Mùa hè năm đó, Hoàng chủ động gửi email cho thầy, bày tỏ mong muốn tham gia nhóm nghiên cứu do thầy phụ trách. Ban đầu, chàng trai không đặt quá nhiều mục tiêu cho bản thân. Chính phong cách làm việc, sự quan tâm đặc biệt đến sinh viên của thầy Ninh đã thúc đẩy Hoàng theo đuổi nghiên cứu khoa học đến bây giờ và đạt được những kết quả ngoài mong đợi.

Những ngày đầu tham gia nghiên cứu, Việt Hoàng bị choáng ngợp với lượng kiến thức chuyên ngành đồ sộ. Mới kết thúc năm thứ hai, Hoàng chưa được trang bị nhiều kiến thức liên quan ngành đang học. Đối với nam sinh, đó là thời gian khiến cậu gặp nhiều khó khăn nhất.

Dù vậy, chàng trai trẻ vẫn không từ bỏ. Ngoài những kiến thức, kinh nghiệm học được từ thầy giáo và các thành viên trong nhóm nghiên cứu, cậu dành thời gian tìm hiểu tài liệu khoa học nước ngoài. Hoàng dần quen và yêu thích con đường mình chọn.

"Nghiên cứu khoa học đòi hỏi 99% chăm chỉ, 1% còn lại là yếu tố khác. Người làm nghiên cứu cần đầu tư thời gian và phải thực sự yêu thích nó", Việt Hoàng nói.

Cùng nhóm nghiên cứu hoàn thành 8 công trình và được đăng trên tạp chí quốc tế, Hoàng cho biết đề tài đầu tiên có nhiều kỷ niệm và khiến cậu tâm đắc nhất.

Các nghiên cứu của nhóm chủ yếu tập trung phân tích động lực học phi tuyến của kết cấu làm bằng vật liệu nanocomposite bằng phương pháp giải tích, bán giải tích. Riêng công trình đầu tiên, Việt Hoàng và cả nhóm mất gần một năm để thực hiện và công bố.

Hoàng chia sẻ mỗi đề tài nghiên cứu đều trải qua quá trình xác minh phương pháp, kết quả đưa ra phải khớp với công trình đã công bố. Thời gian đầu, cả nhóm phải mất khoảng 2 tháng để thực hiện điều này. Nhiều lúc chán nản vì kết quả không khớp, Hoàng vẫn quyết không từ bỏ.

Bước đầu nghiên cứu thành công, Hoàng như vỡ òa vì hạnh phúc. Chàng sinh viên ngành Công nghệ chế tạo máy có thêm quyết tâm hoàn thiện đề tài và thực hiện những nghiên cứu tiếp theo.

"Bài báo đầu tiên mình không đứng tên đầu, nhưng nhiều ý nghĩa và đã tiếp thêm cho mình nhiều động lực để theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học", Hoàng tâm sự.

Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ, Việt Hoàng đăng ký cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường, sau đó đại diện tham gia cuộc thi cấp Bộ được tổ chức tại TP.HCM. Tại đây, nam sinh vinh dự được trao giải thưởng cao nhất.

Ngoài ra, trong cuộc thi cấp Bộ năm 2020, Đại học Bách khoa có 3 công trình nghiên cứu đoạt giải nhì, 4 giải ba và 1 giải khuyến khích.

sinh vien Bach khoa lam nghien cuu anh 2

Nam sinh đoạt giải nhất trong cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ. Ảnh: V.H.

Chăm chỉ và hiền lành

Vũ Ngọc Việt Hoàng tự nhận xét bản thân là người bướng bỉnh. Gia đình muốn Hoàng đi làm thay vì theo đuổi việc nghiên cứu. Chàng trai đã quyết tâm chứng minh khả năng với mọi người, đồng thời khẳng định bản thân thực sự yêu và muốn gắn bó với con đường này.

Đồng hành với Hoàng là thạc sĩ Đinh Gia Ninh và hai đàn anh sinh năm 1996. Nghiên cứu khoa học đòi hỏi các thành viên phải làm việc trong môi trường áp lực, cường độ công việc cao. Những thành viên trong nhóm là những người giúp đỡ, chia sẻ nhiều kiến thức cho cậu.

"Khi làm nghiên cứu, một là đúng, hai là sai. Nếu sai thì cố gắng khắc phục, không có gì phải cãi nhau. Các anh đều là những sinh viên xuất sắc, mình rất nể phục", chàng trai nói.

Say mê làm nghiên cứu, nhiều đêm Hoàng thức trắng để hoàn thành công việc đúng tiến độ. Thức đến 3-4h sáng đọc tài liệu, xin ý kiến giáo viên hướng dẫn dần trở thành điều bình thường trong cuộc sống của chàng sinh viên Bách khoa.

Nhịp sinh hoạt đảo lộn, sức khỏe của Hoàng cũng ảnh hưởng ít nhiều. Trước đây, Hoàng làm việc xuyên đêm suốt sáng. Nhưng hiện tại, cậu đã biết "sợ", không dám thức đêm nhiều như trước.

"Mọi người học tập hay làm việc say mê đến đâu cũng không nên thức đêm quá nhiều, rất hại sức khỏe", Việt Hoàng khuyên.

Sau khi hoàn thành chương trình học tại Đại học Bách khoa Hà Nội, mục tiêu tiếp theo của Việt Hoàng là giành học bổng và trở thành nghiên cứu sinh tại trường đại học hàng đầu của các nước tiên tiến. Dù học tập ở Việt Nam hay nước ngoài, Hoàng vẫn dành niềm đam mê to lớn cho nghiên cứu khoa học.

Nam sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội khuyên các bạn trẻ nên tham gia làm nghiên cứu khoa học với thái độ nghiêm túc, chăm chỉ và và phải thực sự yêu công việc mình đang làm.

Sự nhiệt huyết là yếu tố quan trọng nhất quyết định thành bại cho một đề tài khoa học. Dù làm bất cứ công việc gì, thành công sẽ đến với những người có niềm đam mê mãnh liệt cho nó.

Ngoài ra, các sinh viên cần tin tưởng vào năng lực, ý chí của bản thân. "Các bạn hãy cứ tin vào khả năng của mình, biến mọi nghi ngờ, chê bai của người khác thành động lực để bản thân phấn đấu và đạt kết quả tốt".

Nữ PGS trẻ nhất năm 2020: Nỗ lực theo đuổi đam mê

Giảng viên trẻ Nguyễn Thị Thanh Hà (sinh năm 1986) của ĐH Bách khoa Hà Nội trở thành nữ PGS trẻ nhất Việt Nam năm 2020.

Minh Thúy

Bạn có thể quan tâm