Mưa dông từ khoảng 14h30 ngày 15/8 kéo dài vài giờ trên diện rộng khiến nhiều tuyến đường ở TP.HCM bị ngập. Trong đó, chân cầu Thủ Thiêm 2 đoạn hướng về TP Thủ Đức bị ngập nặng khiến nhiều ôtô bị chết máy giữa chừng, dòng phương tiện kẹt dài cả km dọc cầu.
Một công nhân làm việc tại công trình dự án ở chân cầu Thủ Thiêm 2 cho biết khu vực này có địa hình trũng, sau một cơn mưa lớn khoảng 30 phút thì nơi đây có thể ngập nửa bánh xe.
"Kể cả nơi nằm sát dòng chảy ra sông vẫn có thể ngập, vì đâu có đường thoát nước ra. Xung quanh khu vực này còn nhiều đất chưa xây dựng, tuy nhiên mức độ thấm nước không đáng kể, quan trọng nhất là đường thoát", tiến sĩ Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TP.HCM, giải thích.
Chuyên gia cho rằng một trong những nguyên nhân là hệ thống thoát nước chưa đủ năng lực dẫn đến mưa không thoát kịp, trong thực tế có thể do cống bị rác thải che lấp hoặc kích thước đường thoát chưa phù hợp.
Ngập ở dưới chân cầu Thủ Thiêm 2 chiều 15/8. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Cùng ngày, nhiều tuyến đường ở khu trung tâm thành phố, TP Thủ Đức, quận Gò Vấp, quận 5, 10… đều chìm trong nước sau mưa. Gần 19h sau cơn mưa khoảng 3 giờ, nước vẫn ngập nửa bánh xe của người di chuyển trên đường Quốc Hương (Thảo Điền, TP Thủ Đức).
Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, ngày 15/8 toàn thành phố có 47 tuyến đường bị ngập tức thời. Trước đó, thống kê ngày 9/6 của Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thì TP.HCM chỉ có 24 điểm ngập tức thời sau mưa.
Theo ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, hồi tháng 6, TP.HCM đã giảm 3 điểm ngập từ năm 2020 đến nay (từ 18 điểm còn 15).
Tuy nhiên, sau cơn mưa chiều 15/8 đã có thêm nhiều tuyến đường chìm trong nước. Một người dân phản ánh mực nước dâng đến bắp chân ở đường Cao Đạt (quận 5), ảnh hưởng đến việc kinh doanh, di chuyển của cả khu dân cư.
Nguyên nhân ngập được lãnh đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật giải thích là mưa lớn kéo dài, ngoài ra hệ thống thoát nước của thành phố bị quá tải và bị ngăn dòng thoát nước.
Theo đơn vị này, hệ thống thoát nước của TP.HCM chịu được mưa lớn trong 3 giờ liên tiếp, với lượng mưa khoảng 95,91 mm đối với kênh rạch, 85,36 mm với cống cấp 2; 75,5 mm với cống cấp 3 và đỉnh triều 1,32 m.
Trong khi đó, lượng mưa cao nhất ngày 15/8 tại trạm đo Lý Thường Kiệt là 112,7 mm, trạm Mạc Đĩnh Chi 102 mm, TP Thủ Đức 80,4 mm... vượt thiết kế cống thoát nước.
Cùng chiều, Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước đô thị TP.HCM đã triển khai các đội tuần tra hỗ trợ phân luồng giao thông tại các tuyến đường ngập nặng, dọn rác tại miệng thu nước nhằm khơi thông dòng chảy, bơm nước giảm ngập giúp người dân lưu thông thuận lợi qua các khu vực.
Sau hơn một giờ mưa lớn chiều 15/8, nước tràn vào nhà dân gần cầu Calmette. Ảnh: Duy Hiệu. |
"Ngập lụt của TP.HCM là biểu hiện rõ nét của quá trình đô thị hóa. Lượng nước sử dụng tăng, mặt đất không còn khả năng tiếp nhận nguồn nước thẩm thấu. Điều này đòi hỏi TP.HCM cần thêm phương án cho đầu tư hạ tầng", ông Vũ Văn Điệp nhận xét.
Lãnh đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật cho biết rất khó để đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng "cứ mưa là ngập" vì TP.HCM chưa đủ nguồn lực.
47 tuyến đường xuất hiện ngập tức thời ngày 15/8:
Lê Văn Việt, Nguyễn Duy Trinh, Lã Xuân Oai, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Đặng Thị Rành, Hồ Văn Tư, Võ Văn Ngân, Tô Ngọc Vân, Hiệp Bình, quốc lộ 13, Quốc Hương, Thảo Điền, Nguyễn Văn Hưởng, Đinh Bộ Lĩnh, Điện Biên Phủ, Ung Văn Khiêm - Tân Cảng, Bạch Đằng, Bùi Đình Túy, song hành quốc lộ 22, Phan Văn Hớn, Bà Triệu, Nguyễn Văn Quá, Đặng Thúc Vịnh, Tô Ký, Nguyễn Văn Khối, Lê Đức Thọ, Phan Huy Ích, Phạm Văn Chiêu, Lê Văn Thọ, Võ Văn Kiệt - Hồ Học Lãm, Tân Hòa Đông, Phan Anh, An Dương Vương, quốc lộ 50, Lê Văn Lương, Phạm Hữu Lầu, Ba Tháng Hai, Nguyễn Biểu, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Văn Cừ, Calmette, Lê Lai, Cống Quỳnh, Nguyễn Cư Trinh, Vĩnh Hội, Phạm Ngũ Lão.