Bệnh nấm phổi vẫn âm thầm phát triển trong cộng đồng, ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh. Ảnh: robina_weermeijer. |
Ngày Nấm phổi thế giới 25/10 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố danh sách các loại nấm đe dọa sức khỏe toàn cầu và đề ra kế hoạch hành động để giải quyết bệnh nấm.
Nhân dịp này, TS.BS Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương, đã có cuộc trao đổi với phóng viên về căn bệnh gây ra hơn một triệu ca tử vong mỗi năm.
Tưởng là bệnh hiếm gặp nhưng thực tế khá phổ biến
- Thưa bác sĩ, nấm phổi là một căn bệnh nguy hiểm, thường gặp tuy nhiên nó ít được biết đến. Xin bác sĩ cho biết bức tranh toàn cảnh về bệnh nấm phổi trên thế giới và tại Việt Nam?
- Các bệnh do nấm khiến hơn 1,6 triệu người tử vong mỗi năm và gây bệnh lâu dài cho hàng trăm triệu người khác.
Tại Việt Nam, nấm phổi vẫn còn đó "một khoảng trống", nhiều bệnh viện, cơ sở y tế chưa đủ điều kiện để chẩn đoán. Nấm phổi được nhiều người cho là căn bệnh hiếm, ít gặp nhưng thực tế nó khá phổ biến ở Việt Nam.
TS.BS Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương. |
Theo ước tính, Việt Nam có khoảng 15.000 ca nấm phổi xâm lấn mỗi năm, nấm phổi mạn tính do Aspergillus có trên 50.000 trường hợp mỗi năm.
Tuy nhiên, số người được chẩn đoán rất ít, chỉ khoảng 1/1.000 ca mắc, điều này cho thấy số người mắc bệnh không được chẩn đoán và tiếp cận điều trị rất lớn.
Tỷ lệ tử vong của bệnh nấm phổi xâm lấn rất cao, từ 30-80% số người mắc bệnh, tùy theo tình trạng bệnh nền của người bệnh để có tiên lượng xấu ít hay nhiều.
Đặc biệt, nếu nấm phổi xâm lấn không được điều trị 100%, bệnh nhân sẽ tử vong. Bệnh gây tử vong nhanh, có thể chỉ trong một thời gian ngắn 30-90 ngày.
Do đó bệnh nhân cần phải được chẩn đoán và điều trị thật sớm. Trong khi đó, nấm phổi mạn tính do Aspergillus - căn bệnh phổ biến không chỉ trên thế giới mà cả ở Việt Nam - nếu không điều trị, sau 5 năm tỷ lệ tử vong xấp xỉ 50%.
- Bệnh nấm phổi nguy hiểm là vậy, xin BS cho biết dấu hiệu nào nhận biết bệnh, đối tượng nào có nguy cơ mắc căn bệnh này?
- Cũng giống như các bệnh hô hấp khác, nấm phổi có các triệu chứng như ho, khạc đờm, ho ra máu, khó thở, đau ngực hay sốt…
Tất cả triệu chứng này đều không đặc hiệu, nên đối với cả người bệnh và nhân viên y tế đều dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như bệnh viêm phổi, lao phổi…
Trong một nghiên cứu gần đây nhất tại Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam, khoảng 50% các bệnh nhân từng mắc lao đến khám tại các cơ sở y tế đều bị nấm phổi. Nếu không chẩn đoán đúng bệnh, bệnh nhân sẽ mất cơ hội để điều trị bệnh nấm phổi.
Theo ước tính, Việt Nam có khoảng 15.000 ca nấm phổi xâm lấn mỗi năm, nấm phổi mạn tính do Aspergillus có trên 50.000 trường hợp. |
Bệnh nấm là một bệnh cơ hội, nên thường gặp ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch toàn thân như bệnh nhân mắc HIV, xơ gan, nghiện rượu, người mắc bệnh máu ác tính, người điều trị hóa chất… hoặc những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch tại chỗ như người đã từng mắc lao phổi, giãn phế quản, mắc những bệnh lý để lại xơ sẹo ở phổi… đều là những đối tượng nguy cơ dễ bị mắc nấm phổi.
Bệnh nhân khó tiếp cận thuốc
- Điều trị nấm phổi tại Việt Nam hiện nay có gặp khó khăn gì hay không, thưa BS?
- Tùy thuộc vào thể nấm phổi xâm lấn hay nấm phổi mạn tính, các bác sĩ có phương án điều trị khác nhau.
Nấm phổi xâm lấn chúng ta thường dùng phác đồ điều trị tấn công trong 2 tuần, sau đó điều trị duy trì từ 6 đến 12 tuần.
Khó khăn nhất trong điều trị bệnh này là bệnh nhân khó có thể tiếp cận thuốc, vì bảo hiểm y tế không chi trả tất cả loại thuốc nấm. Thực tế, nhiều bệnh nhân phải tự chi trả thuốc nấm.
Với bệnh nấm phổi mạn tính, bệnh nhân cần phải điều trị ít nhất 12 tháng, cần nguồn lực tài chính rất lớn để điều trị. Những bệnh nhân này hầu hết đều phải chi trả rất nhiều tiền để chữa trị.
Đây là khó khăn mà hầu hết bệnh nhân mắc nấm nào cũng phải đối mặt bởi thuốc nấm rất đắt, thời gian điều trị kéo dài. Có những bệnh nhân trong quá trình điều trị tấn công, phải chi trả 12-15 triệu tiền thuốc mỗi ngày nếu không có bảo hiểm y tế, đây là một gánh nặng đối với nhiều người. Sau đó giai đoạn duy trì, chi phí cũng giảm đi, nhưng họ phải điều trị trong thời gian dài.
- Những người không bị suy giảm miễn dịch, hay người có sức khỏe tương đối tốt có nguy cơ nhiễm căn bệnh nấm phổi nguy hiểm này không thưa BS?
- Với những người khỏe mạnh, sức khỏe bình thường, nấm phổi không dễ xâm nhập, tuy nhiên vẫn có trường hợp bị nhiễm bệnh.
Bởi chỉ cần sau một trận ốm, bị Covid-19 hay sau một đợt bị bệnh viêm đường hô hấp… cũng có thể làm suy giảm hệ miễn dịch. Đây là điều kiện thuận lợi cho nấm xâm nhập. Bởi các bào tử nấm xuất hiện khắp nơi trong môi trường tự nhiên và môi trường sống của chúng ta nếu không được vệ sinh sạch sẽ.
Bên cạnh đó, nhân viên y tế cần phải lưu tâm đến những trường hợp từng mắc bệnh lao, bệnh phổi… mà có những dấu hiệu giống lao, đi khám bác sĩ không tìm thấy vi khuẩn lao, lúc đó hãy nghĩ đến bệnh nấm phổi.
- Làm sao để giảm nguy cơ nhiễm nấm? BS có lời khuyên gì cho người bệnh để bảo vệ sức khỏe, phòng căn bệnh nấm phổi này?
- Muốn như vậy, trong bệnh viện cần đảm bảo môi trường không có nấm mốc, các thiết bị điều trị cho bệnh nhân cần được vệ sinh sạch như máy thở, hệ thống cung cấp oxy… phải đảm bảo sạch, vô trùng không có nấm mốc.
Tại gia đình, cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, các vật dụng trong nhà sạch sẽ, không có nấm mốc. Nấm mốc chỉ xảy ra trong môi trường ẩm ướt như nhà vệ sinh, chỗ bồn rửa bát, cần phải làm sạch.
Để phòng bệnh nấm phổi, người dân cần thường xuyên rèn luyện thân thể, ăn nhiều hoa quả tươi, nâng cao sức đề kháng. Tránh để nấm mốc trong nhà, đồ đạc sắp xếp gọn gàng, đủ ánh nắng, thông gió, tránh ẩm ướt, không để thực phẩm rơi vãi trong nhà là điều kiện cho nấm sinh sôi phát triển. Khi vệ sinh nhà cửa, cần mang khẩu trang để tránh hít phải bụi nấm.