“Đợt bùng dịch mà chúng ta đang trải qua hoàn toàn có khả năng và có dấu hiệu đã trở thành đợt dịch tồi tệ nhất Mỹ phải đối diện từ trước tới nay”, cựu Tổng y sĩ Mỹ Jerome Adams ngày 3/8 trả lời phỏng vấn Washington Post.
Nhưng đợt dịch lần này chưa chắc sẽ đạt đến mức độ ấy. Các quan chức y tế cho rằng chìa khóa để nhanh chóng lật ngược tình thế là tăng cường tiêm chủng.
Tuy nhiên, nếu Mỹ không thể tiêm chủng đủ số dân để đè bẹp virus, số ca nhiễm có thể tăng trở lại tương đương mức hàng trăm nghìn ca mỗi ngày như tháng 1.
Bức tường tưởng niệm nạn nhân Covid-19 tại một nghĩa trang ở Brooklyn, bang New York, Mỹ vào tháng 6. Ảnh: New York Times. |
Số ca mắc trung bình tăng gấp 9 lần
Tính tới ngày 6/8, số ca mắc trung bình trong một tuần của Mỹ là hơn 107.100 ca/ngày, mức trung bình cao nhất trong gần 6 tháng, theo dữ liệu của Đại học John Hopkins.
Lần gần đây nhất số ca mắc vượt mức 100.000 là ngày 11/2. Số ca mắc trung bình mỗi ngày đã tăng gấp 9 lần kể từ đầu tháng 7.
Đa số ca nhiễm tập trung tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, điều phối viên đội ứng phó Covid-19 của Nhà Trắng Jeff Zients ngày 9/8 cho biết. Hơn 30% số ca mắc trong tuần qua tới từ bang Florida và Texas, theo ông Zients.
“Điều bức xúc là việc những thứ này hoàn toàn có thể được ngăn chặn”, tiến sĩ Peter Hotez, trưởng khoa trường Dược Nhiệt đới Quốc gia, thuộc Đại học Dược Baylor (Mỹ), ngày 5/8 trả lời CNN. “Nếu tiến độ trong tháng 5 và tháng 6 được đẩy nhanh để tiêm chủng đầy đủ cho cả nước… chúng ta đã không cần lo lắng như thế này”.
Số ca mắc tăng đặc biệt nhanh tại miền Nam nước Mỹ, bao gồm bang Florida và Louisiana. Theo tiến sĩ Rochelle Walensky, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), mức tăng này dường như vẫn chưa đạt đỉnh.
Một cơ sở xét nghiệm Covid-19 tại Florida, Mỹ vào tháng 8. Ảnh: Reuters. |
Số ca nhập viện cao nhất kể từ tháng 1
Tính đến tối 7/8, hơn 66.000 người phải nhập viện vì Covid-19 trên khắp nước Mỹ, theo dữ liệu từ Bộ Y tế và Nhân sinh Mỹ. Con số này chưa từng đạt đến mức cao như vậy kể từ tháng 2.
“Ngày hôm nay, chúng ta lại bước chân trên con đường hướng tới bờ vực. Rất có thể chúng ta sẽ gặp phải thảm họa y tế công cộng”, Lina Hidalgo - hạt trưởng hạt Harris, bang Texas - nói trong buổi họp báo ngày 5/8.
Cũng trong buổi họp báo ấy, Thị trưởng thành phố Houston Sylvester Turner thông báo chi nhánh Trung tâm Y tế bang Texas tại thành phố này đã tiếp nhận hơn 300 bệnh nhân Covid-19 trong một ngày.
Bang Florida đang dẫn đầu nước Mỹ trong số người trưởng thành và trẻ em mắc Covid-19. Ngày 5/8, bang này ghi nhận 12.373 người trưởng thành và 143 trẻ em nhập viện, theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC).
Dữ liệu được công bố cùng ngày 5/8 từ Phòng Y tế Florida cho thấy bang này lập kỷ lục mới với 134.506 ca mắc Coivd-19 trong tuần vừa qua. Kỷ lục trước đó là 125.937 ca mắc trong tuần kết thúc ngày 8/1, theo dữ liệu từ Đại học John Hopkins (Mỹ).
Một người đàn ông ở Mỹ phải nhập viện vì Covid-19 vào tháng 7 sau khi không tiêm chủng. Ảnh: New York Times. |
Ngày 6/8, giới chức bang Louisiana ghi nhận con số kỷ lục 2.421 ca mắc Covid-19 toàn bang, vượt qua mức đỉnh được thiết lập chỉ một ngày trước. Trong số người phải nhập viện tại đây, khoảng 91% chưa tiêm chủng, giới chức Louisiana tuần trước cho biết.
Cũng tuần trước, bang Arkansas cho biết toàn bang này chỉ còn 25 giường chăm sóc tích cực (ICU), mức thấp nhất từ trước tới nay. Tương tự, bang Mississippi vào ngày 4/8 chỉ còn trống 6 giường ICU.
Bệnh nhi mắc Covid-19 tăng 84% trong một tuần
Trong tuần ngày 22-29/7, Mỹ ghi nhận gần 72.000 bệnh nhi mắc mới Covid-19, Viện Nhi khoa Mỹ báo cáo ngày 3/8. Đây là mức tăng đáng kể so với con số 39.000 ca của tuần trước và cao gấp gần 5 lần so với con số cuối tháng 6.
Định nghĩa trẻ em ở mỗi bang khác nhau nhưng nói chung vẫn bao gồm người dưới 17-18 tuổi.
“Tôi không nghĩ rằng con virus này đang nhắm vào trẻ em hoặc thiếu niên. Tôi nghĩ là những gì đang diễn ra ở miền Nam là một trận cháy rừng đang bao trùm mọi thứ, kể cả trẻ em”, tiến sĩ Hotez ngày 5/8 trả lời CNN.
“Cách ngăn chặn chuyện này là tiêm chủng cho nhiều người nhất có thể. Càng nhiều người được tiêm chủng thì bạn càng có thể làm chậm đà lây nhiễm”, ông Hotez nói.
Mức tăng đáng báo động xảy ra ngay khi Mỹ chuẩn bị chào đón học sinh quay lại ghế nhà trường sau kỳ nghỉ hè.
Một học sinh tiêm chủng mũi 2 của vaccine Pfizer tại Mỹ vào tháng 7. Ảnh: New York Times. |
Do trẻ em dưới 12 tuổi chưa đủ điều kiện tiêm chủng, một số bang yêu cầu học sinh đeo khẩu trang khi tới trường. Ngược lại, một số bang khác cấm nhà trường buộc học sinh đeo khẩu trang.
Lãnh đạo các bang đang thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ trẻ em. Thống đốc bang Utah Spencer Cox thông báo bang này sẽ phát miễn phí khẩu trang cho trẻ em.
Trong khi đó, Thống đốc bang Arkansas Asa Hutchinson triệu tập cuộc họp Quốc hội đặc biệt để sửa luật cấm bắt buộc đeo khẩu trang. Ông Hutchinson nói mình hối tiếc khi ký ban hành luật này và hiện muốn các học khu địa phương được tự quyết.
Chủng Delta chiếm 93% số ca mắc Covid-19 ở Mỹ
Đằng sau đợt bùng dịch lần này của Mỹ là Delta, biến chủng chiếm hơn 93% số ca mắc Covid-19 hiện tại, theo dữ liệu từ CDC. Con số này còn vượt mức 98% ở một số bang như Iowa, Kansas, Missouri, và Nebraska.
Những con số trên cho thấy tốc độ lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta tại Mỹ. Cuối tháng 5, CDC ước tính Delta chỉ chiếm khoảng 3% số ca mắc mới.
Một kỹ thuật viên lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân ở bang Florida vào tháng 7. Ảnh: New York Times. |
Một tài liệu nội bộ rò rỉ từ CDC vào tháng 7 cho biết biến chủng Delta có vẻ gây ra triệu chứng nghiêm trọng hơn và có độ lây nhiễm ngang bằng bệnh thủy đậu.
“Tình hình rất nghiêm trọng. Đây là một trong những virus dễ lây lan nhất mà chúng ta từng biết”, Giám đốc CDC Mỹ Walensky nói với CNN.
Giới chức địa phương khắp nước Mỹ đều cho biết biến chủng Delta đang khiến số ca mắc tăng cao.
Ngày 5/8, lãnh đạo cơ quan y tế bang Mississippi Thomas Dobbs cho biết bang này chứng kiến “mức tăng đáng kinh ngạc” trong số ca mắc hàng ngày hoàn toàn do Delta gây ra. Khoảng 97% ca mắc mới là người chưa tiêm chủng.
“Số người chưa tiêm chủng đang thúc đẩy đợt bùng dịch trước mắt. Chúng tôi đang thấy khoảng 89% ca nhập viện và 85% ca tử vong là người chưa tiêm chủng”, ông Dobbs nói.
Đa số người Mỹ sống ở vùng rủi ro tương đối cao
Hơn 97% người Mỹ sống ở vùng có mức độ lây nhiễm virus corona ở mức “đáng kể” hoặc “cao”, theo dữ liệu từ CDC.
Cuối tháng 7, cơ quan này cho biết người sống tại những vùng trên dù đã tiêm chủng đủ 2 mũi cũng nên đeo khẩu trang ở nơi trong nhà để ngăn chặn đà lây nhiễm của Delta.
Phân loại độ lây nhiễm trong cộng đồng ở từng hạt tại Mỹ. Đồ họa: CNN. |
Độ lây nhiễm ở một hạt tại Mỹ được CDC đánh giá dựa trên 2 tiêu chí: số ca mắc mới trên mỗi 100.000 người dân và tỷ lệ xét nghiệm dương tính. Từ đó, độ lây nhiễm địa phương được phân làm 4 mức: thấp, trung bình, đáng kể, hoặc cao.
Theo các chuyên gia, việc phân loại này có tác dụng giúp người dân biết được mức độ rủi ro khi không đeo khẩu trang trong cộng đồng.
Vẫn còn tin tốt
Bên cạnh các tin xấu, vẫn còn đó một vài tin tốt: Tốc độ tiêm chủng ngừa Covid-19 đang ngày một tăng, với trung bình hơn 464.700 người được chích ngừa mỗi ngày, tính tới ngày 5/8, theo dữ liệu từ CDC. Đây là con số trung bình mỗi ngày trong một tuần cao nhất trong gần 2 tháng qua.
Nhiều tháng trước, tốc độ tiêm chủng ở một số bang miền Nam dường như chỉ giậm chân tại chỗ. Tới cuối tháng 7, số liều vaccine ngừa Covid-19 được tiêm trung bình mỗi ngày tại bang Alabama đã tăng hơn gấp đôi so với 3 tuần trước.
Cùng khoảng thời gian ấy, bang Louisiana có tỷ lệ tiêm chủng tăng 111%, trong khi số mũi được tiêm trung bình mỗi ngày tại Missouri đã tăng 87%.
Tính tới ngày 8/8, khoảng 58,5% người dân Mỹ đã tiêm ít nhất một liều vaccine và khoảng 50,1% đã được tiêm đầy đủ, theo dữ liệu từ CDC.
“Chúng ta biết rằng tăng tỷ lệ tiêm chủng là cách tốt nhất để ngăn chặn virus và thoát khỏi đại dịch”, bác sĩ cấp cứu Leana Wen cho biết. “Nếu đạt được mức miễn dịch cộng đồng đủ cao, chúng ta có thể ngăn chặn con virus này gây ra tai họa như bây giờ”.